Góp phần nâng cao văn hóa giao thông

Gần chục năm trở lại đây, hình ảnh những người lái xe ôm mặc đồng phục, đi xe có mào, có số hiệu, gắn cước đồng hồ đã trở nên quen thuộc với hành khách đi xe ở các bến xe như Giáp Bát hay Mỹ Đình.

Với cách tính cước đồng hồ, công khai, minh bạch giá cả, công khai danh tính và điều phối lái xe ôm bằng điện đàm, các mô hình xe ôm này góp phần xây dựng văn hóa bến xe và hình ảnh người lái xe ôm chuyên nghiệp và văn minh.

Người lao động thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng

Mô hình “Xe ôm Thân thiện” được xây dựng và quản lý bởi Công ty TNHH Du lịch Đại Phát, triển khai hoạt động tại bến xe Giáp Bát từ năm 2008. Ở bến xe Mỹ Đình, ngoài mô hình xe ôm thân thiện còn có mô hình xe ôm Văn Minh của Công ty CP Dịch vụ vận tải Văn Minh. Cả hai mô hình xe ôm này đều có cách quản lý nhân sự chặt chẽ và theo dõi, điều phối lái xe ôm qua tổng đài. Theo đó, các công ty này sẽ đảm nhận việc tuyển nhân sự, trang bị đồng hồ tính cước, đồng phục, số hiệu, mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho lái xe.

Xe ôm Thân thiện ở bến xe Giáp Bát đang chiếm được lòng tin của nhiều khách hàng.

Về giá cước được tính giống như taxi, có cước lên xe (giống như cước mở cửa), giảm trừ từ km thứ 5 -10, km thứ 11 trở đi và giảm trừ cho khách đi 2 chiều. Với cách tính công khai, khoa học này, khách hàng sẽ được giảm rất nhiều chi phí đi lại, lại đảm bảo được độ an toàn, được quyền tìm hiểu danh tính của lái xe ôm, kèm theo số hiệu hoạt động, biển số xe để khi xảy ra bất trắc, rủi ro, khách hàng có thể phản ánh với bến xe và công ty quản lý. Tại bến xe Mỹ Đình, khách hàng có quyền tính toán đoạn đường dài ngắn để lựa chọn đi xe ôm Văn Minh hay xe ôm thân thiện.

Bằng sự quản lý khoa học, đầu tư bài bản, cộng với ý thức xây dựng hình ảnh về nghề của chính người lao động qua hai mô hình xe ôm thân thiện và xe ôm Văn Minh, hình ảnh những người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình và bến xe Giáp Bát đã trở nên thân thiện, văn minh trong mắt nhiều hành khách. Khi khách xuống bến, lái xe ôm không được rời khỏi chỗ để mời chào, thái độ mời chào cũng phải lịch sự, nhã nhặn. Khi khách đi xe, phải trang bị cho khách mũ đạt chuẩn, minh bạch trong tính giá cước, thân thiện và văn minh với khách hàng. Khách hàng không còn phải chịu cảnh chèo kéo, chèn ép, bắt chẹt giá. Những rủi ro, bất trắc hoặc nạn trộm cướp từ các hoạt động xe ôm cũng giảm đi đáng kể.

Theo tìm hiểu, trung bình, mỗi lái xe ôm theo hai mô hình này, thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Có những người trẻ năng động, ngoài vận chuyển hành khách, họ còn đảm nhận dịch vụ chuyển tiền, chuyển hàng, chuyển hóa đơn, nên mức thu nhập của những người này khá cao, khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Dựa trên tổng doanh thu, lái xe ôm sẽ được hưởng 70%, còn 30% trả về công ty .

Anh Vương Anh Tuấn, một lái xe hoạt động theo mô hình xe ôm thân thiện tại bến xe Giáp Bát cho biết, anh đầu quân vào đây được hơn hai tháng, mỗi tháng cũng thu nhập được trên 7 triệu đồng. “Mức thu nhập này không quá cao, nhưng ổn định. Tôi chỉ đứng đợi khách đúng nơi quy định, không phải chèo kéo gì mà khách quen cứ tự tìm đến để đi…”. Còn anh Kiên, một người lái xe trong đội ngũ xe ôm Văn Minh (tại bến xe Mỹ Đình) hồ hởi khoe, trung bình mỗi tháng anh thu nhập được từ 8 -10 triệu đồng, theo anh, đây là mức thu nhập không hề nhỏ đối với mặt bằng chung của người lao động.

Góp phần cải thiện văn hóa bến xe

Tại Bến xe Giáp Bát, vì lượng lái xe ôm tự do khá đông, nên ngoài giờ hành chính, vào các buổi tối, khách hàng ngoại tỉnh đến bến xe Giáp Bát vẫn chứng kiến cảnh chèo kéo khách gây phản cảm. Họ cũng không được công khai, minh bạch mức giá, khi đi xe của các lái xe ôm tự do ở bến này.

Để giảm thiểu rủi ro, đại diện lãnh đạo của bến xe Giáp Bát và bến xe Mỹ Đình đều khuyến cáo, khách hàng nên có sự tỉnh táo lựa chọn cho mình những người lái xe ôm uy tín. Trước khi lên xe cần hỏi danh tính, ghi lại biển số xe để khi thất lạc đồ hoặc xảy ra tai nạn, rủi ro, khách hàng có cơ sở để khiếu nại.

Theo ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc Bến xe Giáp Bát, lực lượng lái xe ôm tại bến hiện có khoảng 200 – 300 người, trong đó có cả những người tham gia mô hình xe ôm thân thiện, cả xe ôm tự do hoạt động nhiều năm tại bến bãi. Số lượng lái xe ôm tự do là những người ngoại tỉnh, làm theo mùa vụ, thay đổi quân số liên tục. Những người này hoạt động không theo quy mô, còn hành vi chèn ép, chèo kéo khách gây phản cảm.

Thừa nhận những tồn tại chưa thể khắc phục tại bến xe Giáp Bát, ông Thành nhấn mạnh, về cơ bản, lực lượng lái xe ôm đã được lập lại trật tự và quy củ hơn trước rất nhiều. Hầu như không còn trường hợp bị cướp, bị bắt chẹt tiền một cách quá đáng. Ban quản lý bến xe phối hợp với Công ty TNHH Du lịch Đại Phát và lực lượng công an để quản lý tốt hơn về con người, còn mọi phát sinh từ hoạt động của xe ôm được đơn vị quản lý chặt chẽ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, hiện tại bến có liên kết với Công ty Văn Minh, tổ chức triển khai mô hình xe ôm Văn Minh, hoạt động trong khu vực bến với khoảng 150 xe ôm. Một lượng lái xe theo mô hình xe ôm thân thiện của công ty Đại Phát thuê bên ngoài chỗ sát hàng rào của bến để hoạt động, lượng xe ôm này lại do quận Nam Từ Liêm quản lý.

“Mô hình này đã giúp sự quản lý về nhân thân chặt chẽ hơn. Những người lái xe ôm theo các mô hình này, dù là người nội thành hay ngoại tỉnh cũng có đăng ký về hộ khẩu, tạm trú tạm vắng rõ ràng. Phía công ty cũng nắm được lý lịch của họ, nên khi có bất trắc xảy ra, khách hàng hoàn toàn đủ cơ sở để tố cáo, khởi kiện”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài những người lái xe theo mô hình xe ôm văn mình, thân thiện, tại các bến vẫn còn một lực lượng không nhỏ những xe ôm tự do hoạt động ở phía ngoài khu vực quản lý của bến. Với những người lao động tự do, việc giải quyết dứt điểm rất khó khăn.

Về phía bến xe Mỹ Đình, chủ trương của Ban quản lý bến là không mở rộng nhân lực xe ôm, để kiểm soát được chặt chẽ và khoa học nhất lượng xe ôm ra vào, tránh sự chà trộn của những người có mục đích xấu, giả làm xe ôm, nhằm chiếm đoạt tiền bạc, hành lý của khách hàng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gop-phan-nang-cao-van-hoa-giao-thong-45172.html