Góp nhặt đại hội đồng cổ đông ngân hàng

Trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, cổ đông của Ngân hàng TMCP Phương Đông có lẽ là những người vui mừng hơn cả khi ngân hàng quyết định chia cổ tức tiền mặt cho năm 2016 với tỷ lệ 10%. Đây là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong hệ thống ngân hàng được ghi nhận cho đến thời điểm này.

Ngân hàng TMCP Phương Đông quyết định chia cổ tức tiền mặt cho năm 2016 với tỷ lệ 10%. Đây là mức cổ tức tiền mặt cao nhất trong hệ thống ngân hàng được ghi nhận cho đến thời điểm này. Ảnh: MAI LƯƠNG

Đáng nói việc chia cổ tức tiền mặt của từng ngân hàng phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận sau khi xem xét việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng như nợ xấu đã xử lý.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo ngay tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra sẽ chia cổ tức tiền mặt 7% cho năm 2016. Trước đó Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã quyết định mức cổ tức tiền mặt 7% cho năm ngoái. Giới đầu tư đang kỳ vọng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ chia cổ tức tiền mặt 10%. Cổ tức tiền mặt là điều Vietcombank chắc chắn phải làm, không cần bàn luận gì nữa vì Bộ Tài chính, cổ đông lớn nhất và cổ đông chi phối của cả ba ngân hàng trên đã có văn bản yêu cầu họ phải chia cổ tức tiền mặt. Vấn đề chỉ là Vietcombank chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ bao nhiêu mà thôi.

Những năm trước Vietcombank vẫn chia cổ tức tiền mặt 10-12%/năm. Bộ Tài chính sẽ thu thêm được ít nhất khoảng 6.000 tỉ đồng từ cổ tức của ba ngân hàng - khoản thu không hề nhỏ trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn.

Tuy nhiên cổ tức không phải là chuyện duy nhất các cổ đông chất vấn ở đại hội đồng cổ đông các ngân hàng. Cổ đông BIDV băn khoăn bao giờ ngân hàng mới tìm được đối tác chiến lược nước ngoài để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Đại diện BIDV cho biết ở thời điểm hiện tại tìm được đối tác chiến lược là các ngân hàng quốc tế của các quốc gia G-7 rất khó, mà hiện chỉ có những tổ chức đầu tư tài chính.

Hơn nữa việc đàm phán bán một khối lượng lớn cổ phần mà phải cao hơn hoặc bằng thị giá trên sàn không dễ thuyết phục bên mua. Trong khi đó VietinBank được NHNN yêu cầu xem xét lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khi nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Petrolimex (PGBank). Ngay các cổ đông của PGBank, tại đại hội đồng cổ đông ngân hàng mình, cũng chất vấn hội đồng quản trị về việc sáp nhập. Câu hỏi của cổ đông PGBank là vì sao quá trình sáp nhập quá lâu như vậy, đã ba năm vẫn chưa hoàn tất và liệu điều này có ảnh hưởng gì tới hoạt động ngân hàng.

Sự kiện được đề cập tương đối chi tiết hơn cả là đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã kết thúc sau hai lần diễn ra bất thành năm trước. Một số tờ trình dự kiến xin ý kiến đại hội đã được rút lại chỉ 24 giờ trước khi đại hội bắt đầu. Mấu chốt câu chuyện Eximbank nằm ở chỗ số lượng thành viên hội đồng quản trị vẫn được giữ nguyên, không bầu bổ sung thêm người. Trao đổi với người viết bài này khoảng hai tuần trước đại hội Eximbank, đại diện NHNN cho biết Eximbank đại hội thành công là khả thi vì các nhóm cổ đông phải ngồi lại, thống nhất với nhau vì quyền lợi chung của ngân hàng.

Giới tài chính tỏ tường thực trạng Eximbank hiểu rất rõ rằng để đại hội lần thứ ba của ngân hàng này kết thúc tốt đẹp, NHNN đã tỏ một thái độ quản lý dứt khoát, cứng rắn một cách linh hoạt. Nên nhớ danh sách các thành viên hội đồng quản trị của các ngân hàng đều phải được cơ quan quản lý phê duyệt trước khi mang ra bầu ở đại hội đồng. Không phải ngẫu nhiên các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank đã “tâm phục khẩu phục” trước quyết định giữ nguyên số lượng nhân sự hội đồng quản trị. Được biết NHNN đã kiên quyết yêu cầu một số nhóm cổ đông phải giải quyết những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo trước khi có thể cử đại diện tham gia hội đồng quản trị. Các khoản vay mượn để mua cổ phần, cổ phiếu bắt buộc phải được xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng tại đại hội đồng cổ đông lần này giới đầu tư được biết NHNN đã chính thức cho phép Eximbank thoái vốn khỏi Sacombank (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín). Việc thoái vốn cụ thể ra sao sẽ do hội đồng quản trị Eximbank quyết định và thực hiện. Hiện tại Eximbank đang sở hữu 165 triệu cổ phiếu, tương đương 8,76% vốn điều lệ Sacombank. Lần giở lại lịch sử, Eximbank đã đầu tư vào Sacombank hơn năm năm về trước với giá mua vào lúc đó 16.000 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều lần nhận cổ tức bằng tiền và chia cổ phiếu thưởng, giá thành đầu tư trên mỗi cổ phiếu Sacombank của Eximbank đã thay đổi. Việc thoái khoản đầu tư trên ở mức giá nào, thời điểm nào, cho ai nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông là điều cần phải tính toán kỹ.

Về Sacombank, ngân hàng đã có thông báo lùi ngày tiến hành đại hội cổ đông từ 28-4 sang 26-5-2017 với lý do cần thêm thời gian để chuẩn bị đầy đủ các tài liệu trình cổ đông. Đại diện NHNN cho biết vấn đề quan trọng đối với Sacombank là bộ máy nhân sự và phải chọn được nhân sự tốt. NHNN đã xây dựng xong đề án giám sát Sacombank từ bên trong và từ bên ngoài (xin nhấn mạnh giám sát từ bên ngoài - NV), đồng thời sẽ chỉ đạo rốt ráo việc xử lý tài sản tồn đọng. “Đã xác định rõ những khoản nào phải xử lý, đến ngày thu nợ là phải thu. Hội đồng quản trị và ban điều hành mới sẽ thực hiện theo đề án tái cơ cấu. Để ổn định thị trường nói chung, Sacombank nói riêng, chúng ta phải tìm được người có năng lực, kinh nghiệm điều hành, xử lý tài sản dưới sự giám sát của NHNN” - đại diện NHNN nhấn mạnh. Theo ông, NHNN sẽ cử ba đại diện vào hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và ban kiểm soát Sacombank.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159426/gop-nhat-dai-hoi-dong-co-dong-ngan-hang.html/