Google xác nhận lỗi flare trên camera của flagship Pixel

Sau khi nhận được những phản hồi từ người dùng trên trang Reddit về lỗi lóa sáng (flare) trên camera của Pixel, Google đã chính thức xác nhận lỗi này có thật.

Trong các phản hồi về hiện tượng flare trên camera của Google Pixel, một số bức ảnh đã chứng minh được hiện tượng flare không mong muốn xảy ra dưới dạng quầng sáng hoặc sương mù ở 1 góc ảnh. Chuyên trang đánh giá máy ảnh DxOMark chưa bình luận gì và cũng chưa có chuyên gia nhiếp ảnh nào khác đưa ra kết luận về nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng vẫn có nhiều người đặt ra nghi vấn về lỗi ống kính trên Google Pixel. Vì nếu ảnh mẫu được chụp trong nhiều bối cảnh, hướng chiếu sáng, không gian và chủ thể khác nhau mà vẫn xuất hiện flare với hình dạng không đổi và ở một số vùng cố định trên ảnh, thì rõ ràng là nhà sản xuất cần xem lại sản phẩm.

Mặc dù bộ đôi flagship Google Pixel được các chuyên gia từ DxOMark đánh giá là cameraphone tốt nhất thế giới hiện nay, nhưng cũng cần lưu ý là ở hạng mục Ảnh giả (Artifacts) họ đã cho điểm số khá thấp (84 điểm) so với các chỉ tiêu khác. Cụ thể, có 2 nhận xét liên quan đến hiện tượng flare là "Hiện tượng quầng sáng đôi khi nhận ra được trong các bối cảnh có độ tương phản cao" và "Hiện tượng chói sáng thỉnh thoảng xuất hiện khi chụp trong điều kiện tràn ngập ánh sáng mặt trời".

Trong bối cảnh ánh sáng mạnh và bị tán xạ từ nhiều hướng (các khung kính xung quanh), ảnh chụp bởi Google Pixel bị flare khá nặng.

Trong một diễn biến mới nhất, Google đã xác nhận vấn đề này và cho biết trong vài tuần tới họ sẽ tung ra một bản cập nhật mới cho bộ đôi smartphone Pixel, nhằm khắc phục điểm yếu này.

Hiện tượng flare (hay còn gọi là lóa sáng) xảy ra khi có các tia sáng từ ngoài góc thu hình của camera đi tới bề mặt ống kính, gây ra hiện tượng tán xạ không kiểm soát bên trong hệ thống thấu kính và cảm biến của máy ảnh. Có thể hạn chế hiện tượng này bằng cách thay đổi vị trí tương quan giữa đối tượng, camera và các nguồn sáng, hoặc dùng hood - loa che đầu ống kính, cũng có thể gắn filter ND (Neutral Density) phủ chống lóa hay dùng các ống kính đắt tiền có tráng lớp chống lóa cao cấp trên bề mặt... Nhưng dù áp dụng biện pháp nào thì hiện tượng flare vẫn có thể xảy ra và thường là ống kính máy ảnh "không có tội tình gì", lỗi thuộc về cách chọn hướng ống kính và kiểm soát/che chắn các nguồn sáng. Lỗi này làm giảm độ tương phản, hiển thị quầng màu "cầu vồng" hoặc xuất hiện "bong bóng" ánh sáng trên bức ảnh. Các nhiếp ảnh gia đôi lúc cũng lợi dụng hiện tượng này để tạo hiệu ứng nghệ thuật cho các bức ảnh có nội dung phù hợp. Nhưng các bức ảnh bị flare quá nhiều, thiếu kiểm soát hoặc xuất hiện ở vùng không mong muốn... tức là bị chụp hỏng.

Hải SN

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/google-xac-nhan-loi-flare-tren-camera-cua-flagship-pixel-23403.html