Gọn đầu mối mới tinh giản được con người

Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội vừa giám sát về thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND của HĐND TP về tổng biên chế năm 2016 và thực hiện chính sách tinh giản biên chế (TGBC) của TP.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cho biết: Qua giám sát có thể thấy TP và các đơn vị nghiêm túc và tích cực trong việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, nhưng nhiều đơn vị vẫn lúng túng trong phương thức triển khai.

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam.

Vẫn còn tâm lý chờ… chỉ đạo
Trong cuộc làm việc gần đây với Hà Nội về thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về TGBC, Ban Tổ chức T.Ư đã đánh giá TP triển khai khá tốt vấn đề này. Qua thực tế giám sát tại cơ sở, ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai thời gian qua?
- Mục đích của đợt giám sát này ngoài đánh giá thực trạng, qua đó tham mưu cho Thường trực HĐND TP những nguyên tắc, định hướng công tác chuẩn bị kế hoạch biên chế năm 2017, những kiến nghị, giải pháp thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ trong những năm tiếp theo. Qua giám sát thực tế có thể thấy, các cơ quan, đơn vị cơ bản nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2016, các cơ quan, đơn vị đều đã xây dựng xong Đề án TGBC theo đúng kế hoạch. TP cũng đã thực hiện 3 đợt tinh giản, đảm bảo đúng chế độ theo quy định. Qua đó, đã giảm được 26 trưởng phòng, 116 phó phòng; giảm 151 biên chế (16 công chức, 83 viên chức, 52 công chức cấp xã); giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu.
Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị hành chính trên địa bàn cũng đã sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy của từng cấp, ngành theo hướng tinh gọn, không chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Qua sắp xếp, kiện toàn cơ cấu của 22 sở, đã giảm được 46 phòng, ban. Một số đơn vị sự nghiệp cũng đã được triển khai rà soát, để sắp xếp, sáp nhập, cũng giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị. Việc giảm 121 đơn vị là một con số không hề nhỏ, rất đáng ghi nhận. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu, TP cũng khuyến khích đẩy mạnh tự chủ và đã chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Theo Đề án về TGBC các đơn vị xây dựng, có thể thấy hầu hết đều đảm bảo về số lượng đến năm 2020 giảm 10% biên chế so với số được giao năm 2015. Tuy nhiên, các trường hợp thuộc diện tinh giản lại chủ yếu là... người về hưu. Liệu như vậy đã đảm bảo được các mục tiêu TGBC theo Nghị quyết 39 đề ra?
- Đúng thế, đấy đang là một hạn chế. Hiện, nhiều đơn vị cũng đã đổi mới trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc từng tháng, từng quý, đảm bảo tính khách quan và công bằng. Nhưng các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ vẫn chiếm một số lượng nhất định. Việc rà soát các trường hợp thuộc diện tinh giản vẫn chủ yếu là về hưu. Do vậy, việc TGBC trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ đề ra. Tôi nói vậy bởi việc TGBC không nên chỉ tính vào số lượng cho đủ 10%, nếu tính thế không khó, thậm chí nhiều đơn vị vẫn còn được tuyển thêm biên chế theo quy định không quá 50% số tinh giản. Nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh, không thực chất tinh lọc, tuyển dụng được người tài vào cơ quan hành chính nhà nước, rồi chủ trương tinh giản sẽ lại là hình thức. Đây là vấn đề đụng chạm đến con người, cần phải có lộ trình, không thể nóng vội, nhất là phải minh bạch. Nhưng việc tinh giản các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu công việc qua đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức theo tháng là vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới.
Qua giám sát, còn những hạn chế gì cần khắc phục trong sử dụng và TGBC, đảm bảo tinh thần gọn đầu mối mới giảm được con người?
- Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với yêu cầu. Tại một số đơn vị, vẫn còn tồn tại từ 2 ban quản lý dự án trở lên như Sở NN&PTNT có 5 , Sở GTVT có 6, Sở Xây dựng có 8 ban quản lý… Một số đơn vị chưa tinh gọn hoặc có chung một số chức năng nhiệm vụ như trung tâm phát triển quỹ đất và ban bồi thường GPMB, hay một số đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, thông tin… Đội ngũ thanh tra xây dựng tuy đã được giao Chủ tịch UBND cấp quận, huyện điều hành trực tiếp, nhưng biên chế lực lượng thanh tra vẫn do Sở quản lý. Tình trạng lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức do tồn tại từ lâu vẫn chưa được khắc phục.

Nhiều đơn vị của Hà Nội đã nghiêm túc và tích cực trong việc sắp xếp, tinh giản biên chế. Ảnh: Hải Linh

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm của một số đơn vị sự nghiệp đến nay chưa xong, dẫn đến sự bất hợp lý trong quản lý, sử dụng, áp dụng chế độ, chính sách đối với cán bộ. Vẫn còn tình trạng sử dụng biên chế công chức thấp hơn chỉ tiêu được giao, nhưng vẫn ký hợp đồng lao động thực hiện công tác chuyên môn và vượt số được giao của Nghị quyết HĐND. Đó là những hạn chế chưa được khắc phục.
Thực tế, việc TGBC theo Nghị định 108 của Chính phủ gặp nhiều khó khăn vì các điều kiện để thực hiện rất chặt chẽ, khó đủ tiêu chuẩn. Trong khi nhiều trường hợp do không đủ sức khỏe công tác có nguyện vọng được TGBC nhưng lại không đủ các điều kiện của Nghị định. Chế độ chính sách đối với các lao động dôi dư sau sắp xếp, tổ chức bộ máy hiện nay vẫn chưa cụ thể. Nhưng cũng không thể không nói, một số đơn vị hiện còn chưa chủ động trong việc tự rà soát chức năng nhiệm vụ của đơn vị, của ngành để đề xuất phương án. Vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ sự chỉ đạo, lãnh đạo của TP.
Khắc phục sự chồng chéo
Trong thời gian tới, để tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế theo phương châm “giảm gọn, đồng bộ, đa ngành kiêm nhiệm và giảm thiểu đầu mối các công việc”, qua giám sát, các đơn vị nên lưu ý đến những vấn đề gì?
- Từ kết quả giám sát, chúng tôi kiến nghị TP cần đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp gắn với vị trí việc làm; kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng. Sử dụng đúng số biên chế được giao, có dự phòng cho các đơn vị mới thành lập hoặc tăng thêm nhiệm vụ để không làm tăng tổng số biên chế của TP. Tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, rà soát và đề xuất thực hiện đối với một số tổ chức như: Ban chỉ đạo GPMB TP, các quận, huyện, thị xã theo Nghị quyết HĐND TP và Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó, ban bồi thường GPMB các quận, huyện, thị xã theo hướng sáp nhập với chi nhánh trung tâm phát triển quỹ đất và giao quận, huyện quản lý. Chúng tôi cũng đưa ra những đề nghị sắp xếp với lực lượng thanh tra xây dựng; đội ngũ cán bộ thú y, bảo vệ thực vật tại phường, xã, thị trấn; các ban quản lý chợ… theo hướng gọn nhưng tăng hiệu quả công việc. TP cũng nên nghiên cứu, đề xuất HĐND TP có những chính sách hỗ trợ đặc thù riêng cho đối tượng thuộc diện TGBC, để tăng số lượng người tự nguyện giảm biên chế…
Để giúp cơ sở tháo gỡ được những khó khăn về mặt chính sách, TP nên có kiến nghị gì với T.Ư để công tác TGBC trên địa bàn đạt được hiệu quả cao nhất?
- Từ những bất cập trong quá trình giám sát, tới đây, Hà Nội sẽ kiến nghị với T.Ư một số nội dung sau: Cần rà soát, hoàn thiện lại hệ thống văn bản pháp luật sau khi có Hiến pháp mới, luật mới, để từ đó đồng bộ bằng các nghị định. Đừng để cho mỗi bộ vì quyền lợi của mình lại đòi hỏi thành lập thêm những cơ quan ở dưới, gây ra những bất cập như hiện nay. Cần ban hành các cơ chế chính sách cụ thể hóa trong vấn đề TGBC. Đặc biệt, không chỉ tinh giản bộ máy nhà nước mà thực hiện cả với các cơ quan đảng, các tổ chức chính trị xã hội. Nên trả chức năng các hội trở về đúng vị trí là tự nguyện và tự chủ, bởi hiện nay, các hội đang rất khó kiểm soát, cũng đòi hỏi biên chế, bộ máy như những cơ quan khác. Thêm nữa, cần tăng tăng cường kiêm nhiệm chức vụ. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh Chính phủ điện tử để giảm thiểu việc phải đầu tư con người cho tới tiền bạc.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truong-ban-phap-che-hdnd-tp-ha-noi-nguyen-hoai-nam-gon-dau-moi-moi-tinh-gian-duoc-con-nguoi-258183.html