Gom quản lý an toàn thực phẩm về “một mối”

Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã có tờ trình UBND Thành phố cho phép thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Ban này sẽ là đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, “gom” công tác này về “một mối” để khắc phục những bất cập trong hoạt động phối hợp liên ngành về quản lý an toàn thực phẩm hiện nay.

Kiểm soát còn hạn chế

Ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại cửa ngõ phía Đông cho thấy, hầu như tuần nào các đơn vị chức năng cũng ngăn chặn, phát hiện được các loại thịt “bẩn” đang chuẩn bị tuồn vào thành phố tiêu thụ. Theo thống kê của trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, trong tuần qua đơn vị đã phối hợp với đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, Đội quản lý thị trường, lực lượng thanh niên xung phong kiểm tra dọc tuyến Quốc lộ 1A đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, tang vật thu được gồm 23.560 kg phụ phẩm heo đông lạnh, 5.540 phụ phẩm bò đông lạnh, 200 kg đầu lòng heo… không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Còn tại cửa ngõ phía Tây, theo ông Nguyễn Hồng Triệu, Trưởng Trạm thú y huyện Bình Chánh, hầu như ngày nào đơn vị cũng phát hiện những đối tượng cố tình đưa gà vịt sống, trứng, thịt heo đã giết mổ về thành phố tiêu thụ qua địa bàn huyện.

Thực phẩm sạch được kiểm soát chặt chẽ tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn.

Để ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn được “tuồn” vào thành phố, hiện nay thành phố có nhiều cơ quan cùng quản lý như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện. Bộ máy quản lý an toàn thực phẩm này dù được tăng cường thường xuyên nhưng vẫn còn hạn chế về năng lực, cơ chế phân công quản lý còn chồng chéo, các quy định pháp luật trong thanh tra, kiểm tra còn nhiều điểm bất cập… Do đó, vẫn chưa thể kiểm soát được tình trạng mất an toàn thực phẩm. “Các đơn vị chức năng đã có sự phối hợp với nhau để quản lý an toàn thực phẩm nhưng việc quản lý này vẫn chưa thật sự có hiệu quả, còn chồng chéo, bỏ sót”, ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định.

Theo ông Làm, một thành phố muốn phát triển vững mạnh thì người dân phải có sức khỏe, ăn sạch, uống sạch, an toàn… do đó cần thiết thành lập sớm Ban quản lý ATTP để nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết căn cơ tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn. “UBND Thành phố đã đề xuất với Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với chủ trương cho phép thành phố thành lập thí điểm Ban quản lý ATTP. Đây là một cơ quan mới trực thuộc UBND Thành phố. Cơ quan này tập hợp các nhân sự chuyên ngành sẵn có, có đủ năng lực, quyền hạn để quản lý các chợ hóa chất, các chợ có kinh doanh thực phẩm, các lò giết mổ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm soát chặt an toàn thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến bàn ăn”, ông Làm khẳng định.

Thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn chỉnh đề án thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP để đưa vào thực hiện nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thực phẩn “bẩn”, thực phẩm không an toàn trên địa bàn; đồng thời khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành hiện nay.

Đủ thẩm quyền để xử lý

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban quản lý này trực thuộc UBND Thành phố nên có đủ các thẩm quyền khi được phân công, phân cấp trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt thẩm quyền cấp giấy, thanh tra và xử lý vi phạm. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng được thuận lợi hơn khi tiến hành các thủ tục cấp các loại giấy liên quan an toàn thực phẩm theo quy định.

“Trong Ban quản lý ATTP có Trung tâm kiểm nghiệm ATTP và Môi trường đạt chuẩn nên công tác lấy mẫu kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác giúp các bộ phận chức năng như thanh tra tiến hành xử lý nhanh, dứt điểm, có trọng tâm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Do vậy, tình hình an toàn thực phẩm của thành phố sẽ được tăng cường và cải thiện khi Ban quản lý ATTP được triển khai hoạt động”, bà Mai cho biết thêm.

Là một trong những doanh nghiệp gắn bó với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố đã lâu, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết việc thành phố triển khai quản lý an toàn thực phẩm theo hình thức một đầu mối, hay “một cửa” từ Ban Quản lý ATTP là mô hình rất tốt nhằm tiếp quản thông tin, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên, các đơn vị cần phải giám sát chặt chẽ mô hình này, nếu không sẽ tạo kẽ hở cho chợ tự phát, buôn gian, bán lận… bùng phát bởi một đầu mối quản lý có thể không làm hết công việc của các sở ban ngành khác.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho rằng, việc thành lập Ban quản lý ATTP trực thuộc UBND Thành phố là điều cần thiết, kịp thời. Tuy nhiên, để làm tốt vai trò, chức năng, cũng như phát huy hết hiệu quả của cơ quan này thành phố cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quy hoạch sản xuất, giết mổ theo mô hình công nghiệp tập trung… Trong đó, doanh nghiệp, nhà sản xuất, người chăn nuôi nắm vai trò người kiểm soát, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm làm ra.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố cũng cho biết, bên cạnh việc thành lập trung tâm Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo mô hình “quy về một mối”, Thành phố còn có chủ trương ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ cao để quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ "gốc" đến "ngọn". Mục tiêu là mỗi sản phẩn khi đến tay người tiêu dùng đều có mã vạch, người tiêu dùng có thể dùng các thiết bị di động thông minh để kiểm tra xuất xứ thực phẩm.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/gom-quan-ly-an-toan-thuc-pham-ve-mot-moi-20160922220519501.htm