Gom ngày phép, bán kỳ nghỉ

Người lao động Mỹ bị “tước” khoảng 220 triệu ngày nghỉ mỗi năm, theo Project Time Off.

Người Mỹ nổi tiếng là không sử dụng hết số ngày phép của mình. Rob Whalen cũng từng như thế. Trong chưa đầy 5 năm làm việc tại Cisco Systems Inc., ông đã “gom góp” được 240 giờ nghỉ có trả lương. Đáng ra, khoảng thời gian nghỉ 1,5 tháng đó Whalen có thể dùng để nghỉ ngơi ở nhà hoặc nằm phơi nắng ở một bãi biển đẹp nào đó. Thế nhưng, thay vào đó, ông lại chọn văn phòng, nơi có quá nhiều việc phải làm.

Một thời gian ngắn sau khi nghỉ làm ở Cisco, trong lúc Whalen đang trò chuyện với một người bạn thì người này nói: “Chẳng tuyệt vời sao nếu anh có thể dùng một phần ngày nghỉ đó để mua vé máy bay, thuê phòng khách sạn, làm một chuyến nghỉ mát 2 tuần thật hoành tráng?”.

Điều đó gợi lên cho Whalen một ý tưởng. Ba năm sau, ông ra mắt PTO Exchange, một công ty do ông đồng sáng lập với Todd Lucas, với mục đích cho người lao động được chạm tay đến giá trị bằng tiền của số ngày nghỉ không sử dụng. Startup có trụ sở tại Seattle này cho phép người lao động mua bán số ngày nghỉ không sử dụng, có tiền để đi du lịch hoặc góp số tiền đó vào quỹ hưu trí cũng như tài khoản tiết kiệm y tế. Với quá nhiều ngày phép không được sử dụng, chúng tôi nhận thấy đó là một món lời cần phải xem xét lại”, Whalen nói.

Khi đến lúc được nghỉ phép, người lao động Mỹ lại rơi vào hoàn cảnh éo le, ngân sách cạn kiệt. Cũng cần nói thêm, Mỹ là nước tiên tiến duy nhất không có bắt buộc nghỉ phép có lương. Người lao động tại hầu hết các nước châu Âu, theo quy định pháp luật, có khoảng 20 ngày nghỉ hoặc hơn mỗi năm, theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế. Người Thụy Điển được nghỉ 5 tuần lễ trong khi người lao động Pháp được nghỉ tối đa 30 ngày.

Tại Mỹ, ngược lại, xấp xỉ 1/3 người lao động không được nghỉ bệnh có lương và hơn 25% không có ngày phép, theo Cơ quan Thống kê Lao động (BLS). Vì thế, các bang như California và các thành phố trong đó có New York yêu cầu các chủ sử dụng lao động phải cho nhân viên được nghỉ bệnh có trả lương.

Trong khi đó, những ai may mắn có được thời gian nghỉ phép lại thường xuyên không sử dụng nó. Chưa tới phân nửa lao động tại Mỹ cho biết họ đã dùng hết hoặc sử dụng hầu hết ngày nghỉ trong năm vừa qua và chỉ 22% sử dụng phần lớn thời gian nghỉ bệnh vẫn được trả lương, theo một khảo sát trên 1.600 người trưởng thành có việc làm do Đại học Harvard, Robert Wood Johnson Foundation và National Public Radio thực hiện. Không chỉ người lao động bình thường, mà ngay cả cấp điều hành cũng ngại rời xa văn phòng.

Thay vào đó, người Mỹ đi làm trong khi đổ bệnh, truyền virus cho người xung quanh và gây khổ cho chính bản thân họ. Hoặc họ tự làm cho tinh thần bị kiệt quệ do không chịu nghỉ phép để giảm căng thẳng công việc. Kết quả là hàng triệu ngày nghỉ - với mục đích cho người lao động nhiều thời gian để nghỉ ngơi - hoặc bị tước mất hoặc sẽ được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của công ty, chờ ngày được rút ra trả cho người lao động vào một lúc nào đó trong tương lai.

“Áp lực cạnh tranh ở nơi làm việc cũng khiến cho nhiều người hạn chế tối đa việc sử dụng ngày phép”, Lonnie Golden, Giáo sư Kinh tế học thuộc Đại học bang Pennsylvania, nghiên cứu về ngày nghỉ, nhận xét. Một công ty có thể đề nghị chính thức với nhân viên một gói nghỉ phép rất hào phóng, nhưng người lao động biết rằng sếp họ cũng như các đồng nghiệp muốn họ có mặt ở công ty và làm việc một cách hiệu quả. Xu hướng doanh nghiệp giữ một đội ngũ nhân sự tinh gọn cũng có nghĩa là không phải lúc nào cũng có đủ nhân sự để phụ trách thay cho một người khi người đó đi nghỉ mát. “Bạn nhận được những tín hiệu lẫn lộn này. Nếu bạn nghỉ phép trong 1 hoặc 2 tuần, bạn cảm thấy công việc của mình sẽ dồn chất đống lên”, Golden cho biết.

Hầu hết các nhân viên đều được chuyển phép sang một thời gian nào đó trong năm tiếp theo. Theo BLS, 57% lao động có thể được chuyển ngày nghỉ bệnh và khoảng 1/5 người có thể chuyển không giới hạn số ngày phép. Khoảng 55% người lao động Mỹ có thể gia hạn ít nhất một phần trong khoản thời gian nghỉ phép nào đó. Dù vậy, người lao động vẫn bị tước đi khoảng 220 triệu ngày nghỉ mỗi năm, theo một phân tích năm 2016 do Project Time Off thực hiện. 436 triệu ngày nghỉ khác được chuyển sang những năm sau nữa, có nghĩa là chúng sẽ trở thành gánh nặng tài chính cho các chủ sử dụng lao động.

Cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp trả tiền mặt cho khoảng thời gian nghỉ phép không sử dụng khi người lao động nghỉ việc hoặc bị sa thải, theo một khảo sát các chuyên gia về phúc lợi vào năm 2014 do WorldatWork, một hiệp hội phi lợi nhuận gồm các chuyên gia về nguồn nhân lực, thực hiện.

Các nhân viên tích lũy được khoảng thời gian nghỉ phép có lương khổng lồ có thể tạo ra những vấn đề cho chính bản thân họ lẫn người chủ sử dụng lao động. Những ngày phép không được dùng đến có thể trở thành một nghĩa vụ tài chính lớn mà các doanh nghiệp phải duy trì trên bảng cân đối kế toán của mình. Nếu người lao động tích lũy tới hàng trăm giờ nghỉ phép, họ thường chỉ có 2 lựa chọn để khai thác giá trị của số thời gian nghỉ ấy ngay lập tức: một là đi nghỉ mát hàng tháng trời – một điều chắc chắn sẽ khiến cho sếp họ khó chịu, đó là chưa kể có thể họ không được sếp duyệt nghỉ; hai là nghỉ việc.

Đó là lý do Whalen cho ra mắt PTO Exchange vì dịch vụ của ông cho phép người lao động xem trực tuyến giá trị tiền mặt của khoảng thời gian nghỉ phép không sử dụng. Số tiền đó có thể được dùng để đặt vé máy bay và đặt phòng khách sạn thông qua việc liên kết với Priceline, hay được dùng để bỏ vào quỹ hưu trí hoặc quỹ tiết kiệm y tế, hoặc tặng cho các tổ chức từ thiện. Người lao động cũng có thể trao số ngày nghỉ có hưởng lương cho các đồng nghiệp gặp vấn đề về y tế.

Nhưng thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, Giáo sư Golden khuyến cáo các dịch vụ như PTO Exchange có thể làm trầm trọng thêm vấn đề. Bởi lẽ, dịch vụ sẽ càng khuyến khích những người đã làm việc quá nhiều hủy bỏ các chuyến đi nghỉ mát hay vẫn cứ đi làm trong khi đang bệnh. “Tôi cho rằng điều đó không giúp chúng ta cải thiện kết quả làm việc và năng suất”, ông nói.

Nếu các khách hàng của PTO Exchange có tỏ ra lo ngại về khả năng này, Whalen cho biết họ có thể thay đổi điều kiện, sao cho chỉ một phần số ngày nghỉ phép có lương được chuyển sang thành phúc lợi, buộc người lao động phải sử dụng số ngày phép còn lại dù không muốn đi nữa. Nói cho cùng, chuyển một phần thời gian nghỉ phép để có tiền trả cho một chuyến đi du lịch có thể là một cách để những người eo hẹp về tiền bạc “có một trải nghiệm tốt đẹp” thay vì nghỉ ở nhà, theo Whalen.

Khánh Đoan

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/gom-ngay-phep-ban-ky-nghi-3316828/