Gom đôla chỉ là tin đồn

Các nguồn thu ngoại tệ như kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài, nguồn thu du lịch… đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

“Hiện tượng doanh nghiệp gom đôla do lo ngại biến động tỉ giá trong thời gian gần đây chỉ là tin đồn. Thị trường ngoại hối tương đối ổn định từ tháng 3 trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã có lượng ngoại tệ dư thừa lớn để bán cho Ngân hàng Nhà nước”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước, hôm qua (25-6) với báo giới. Ngoại hối ổn định trong ba tháng gần đây Ông Huy lý giải: Theo quy định về quản lý ngoại hối, khi mua ngoại tệ, các doanh nghiệp đều phải chứng minh được mục đích sử dụng hợp pháp. Do đó, ngân hàng thương mại có thể nắm bắt rất rõ nhu cầu về ngoại tệ của các khách hàng. Các ngân hàng thương mại đều khẳng định nhu cầu ngoại tệ không tăng đột biến trong thời gian qua. Do đó, có thể nói thông tin về hiện tượng các doanh nghiệp mua gom đôla do lo ngại biến động tỉ giá là không có cơ sở. Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh thị trường ngoại hối tương đối ổn định từ tháng 3 trở lại đây. Các ngân hàng thương mại đã dư thừa một lượng ngoại tệ lớn để bán cho Ngân hàng Nhà nước. Dù sáu tháng đầu năm Việt Nam vẫn còn nhập siêu, song do được bù đắp từ các nguồn khác như kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, nguồn thu du lịch… nên ảnh hưởng của việc nhập siêu đến tỉ giá là không lớn. Nguồn thu ngoại tệ như kiều hối, du lịch... đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: HTD “Điều đáng mừng là tất cả nguồn thu ngoại tệ như kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp nước ngoài, nguồn thu du lịch… đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nguồn thu từ kiều hối trong quý I đã tăng khoảng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 6, lượng kiều hối có thể đạt 3,6 tỉ USD. Tăng trưởng tín dụng vẫn trong tầm kiểm soát Về tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong thời gian gần đây, ông Huy cũng nhận định là không quá cao và vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thực tế, sau khi gói hỗ trợ lãi suất bằng Việt Nam đồng kết thúc do chênh lệch giữa lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam và USD của các ngân hàng thương mại khá lớn nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay USD khiến cho tín dụng ngoại tệ tại một số ngân hàng gia tăng. Song tín dụng ngoại tệ chỉ tăng mạnh so với năm 2009 vì đây là thời điểm các doanh nghiệp ít vay ngoại tệ do đã được hỗ trợ khi vay đồng Việt Nam ở mức lãi suất thấp. Theo ghi nhận từ các ngân hàng thương mại, dù các ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay tiền đồng phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng mức lãi suất vẫn đang dao động ở mức 13%-15%/năm. Mức này vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay ở các ngân hàng, như tại Ngân hàng An Bình là 5%-6,5%/năm và tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín là 4%-5%/năm… Đối với thanh khoản của hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ, chỉ tính riêng ngoại tệ dư thừa đã được các ngân hàng thương mại thực hiện giao dịch hoán đổi với Ngân hàng Nhà nước là khoảng 600 triệu USD đã có thể thấy nguồn ngoại tệ nhàn rỗi của các ngân hàng thương mại tương đối dồi dào, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định. Hơn nữa, cũng theo ông Huy, một số ngân hàng có hoạt động huy động, cho vay ngoại tệ lớn và các ngân hàng này vừa báo cáo với Ngân hàng Nhà nước là tỉ lệ huy động và cho vay ở mức an toàn. Lãi suất cơ bản được duy trì 8%/năm Từ ngày 1-7, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm là nội dung quyết định được thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký hôm 24-6. Như vậy, kể từ ngày 1-12-2009 đến nay, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam liên tục được duy trì ổn định tám tháng liên tiếp. Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo từ ngày 1-7, mức lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 8%/năm; lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng là 6%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng là 8%/năm. LÊ THANH

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010062612214224p0c1014/gom-dola-chi-la-tin-don.htm