Gom đầu mối quản lý thanh tra xây dựng

Bộ Xây dựng đề nghị sát nhập thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, phường, xã vào Thanh tra Sở Xây dựng.

Theo Luật Thanh tra (có hiệu lực từ ngày 1-7), thanh tra chuyên ngành không có ở cấp quận, huyện, phường, xã. Vậy sắp tới, lực lượng thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, phường, xã ở Hà Nội và TP.HCM sẽ về đâu? Trật tự xây dựng ở địa phương do ai quản. Đó là những nội dung được quan tâm nhiều nhất tại Hội nghị tổng kết sáu tháng đầu năm do Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức ngày 20-7. Hai nơi cùng quản Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho biết Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phương án sát nhập thanh tra xây dựng cấp quận, huyện, phường, xã của TP.HCM và Hà Nội vào Thanh tra Sở Xây dựng. Bộ phận này được tổ chức thành các đội thanh tra xây dựng thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và đặt tại các quận, huyện. Theo Bộ Xây dựng, phương án trên không làm phát sinh thêm đầu mối. Lực lượng này chịu sự quản lý, chỉ đạo về chuyên môn của Sở Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng; chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của các cơ quan trên hoặc của UBND quận, huyện. Như vậy, các đội thanh tra xây dựng tại các quận, huyện là “cánh tay nối dài” của Thanh tra Sở Xây dựng, đồng thời là công cụ giúp UBND quận, huyện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Dự kiến thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, cơ chế hoạt động của đội thanh tra xây dựng. Thanh tra xây dựng địa phương đang cưỡng chế phá bỏ một công trình chiếm dụng vỉa hè trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD Địa phương sẽ đùn đẩy trách nhiệm? Đồng tình với phương án sắp xếp lại nêu trên, tuy nhiên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ cho biết: Nếu thực hiện theo mô hình này, việc quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi khi đã có thanh tra của Sở Xây dựng đóng trên địa bàn, chính quyền địa phương có thể đùn đẩy hết trách nhiệm cho lực lượng này, buông lỏng việc xử lý sai phạm. “Tình hình vi phạm xây dựng đang diễn ra hằng ngày ở các ngõ xóm, khu dân cư với tốc độ rất nhanh. Chỉ sau một đêm, một khung nhà bốn tầng đã được dựng lên. Có công trình xây chớp nhoáng chỉ trong 3-5 ngày là xong. Nếu đơn vị quản lý không phải là chính quyền địa phương, không gắn bó trực tiếp với địa bàn thì không thể kiểm soát nổi việc xây dựng trái phép” - ông Thọ nêu. Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM Hồ Thị Kim Loan cũng cho rằng mô hình này khiến việc phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, phường, xã với đội thanh tra xây dựng trong nhiều trường hợp sẽ không suôn sẻ. “Khi lực lượng này thuộc sở, UBND địa phương có thể trực tiếp chỉ đạo việc thanh tra hay điều động cán bộ để thực hiện một quyết định cưỡng chế không? Nếu xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan, trách nhiệm chính thuộc về Sở Xây dựng hay địa phương?” - bà Loan băn khoăn. Bà Loan đề xuất nên biệt phái thanh tra xây dựng cho quận, huyện quản lý và địa phương chịu trách nhiệm quản lý lực lượng này. Ông Thọ cũng đề nghị nên lập các đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND các quận, huyện, phường, xã trên cơ sở sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng ở địa phương. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Xây dựng cho rằng các đề xuất trên không hợp lý vì khi đó lực lượng thanh tra xây dựng vẫn thuộc cấp quận, huyện. Điều này không chính danh và không phù hợp với Luật Thanh tra. Trong sáu tháng đầu năm, thanh tra các địa phương đã xử lý trên 6.200 vụ việc vi phạm xây dựng, trong đó chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép. Thanh tra các sở đã xử phạt gần 3.700 vụ việc, phạt trên 32 tỉ đồng; đình chỉ thi công, yêu cầu tự phá dỡ gần 600 công trình. (Trích báo cáo ngày 20-7 của Thanh tra Bộ Xây dựng) HOÀNG VÂN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011072112092718p0c1013/gom-dau-moi-quan-ly-thanh-tra-xay-dung.htm