Gợi ý cách viết thư quốc tế UPU 46: Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là ai?

Chủ đề cuộc thi UPU lần thứ 46 năm 2017: “Hãy hình dung, nếu bạn là cố vấn Tổng thư ký Liên hợp quốc mới, bạn sẽ cố vấn cho ngài ấy vấn đề nào của thế giới cần xử lý đầu tiên và giải quyết vấn đề đó bằng cách nào?”. Vậy, Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc, nguyên Thủ tướng Bồ Đào Nha, Antonio Guterres, là ai?

Thủ tướng đầu tiên trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

Trong quá trình tranh cử vào chức Tổng Thư ký, ông Guterres nhận được sự ủng hộ của 13 trong tổng số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và không có thành viên có quyền phủ quyết nào (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cản trở việc ông trở thành Tổng Thư ký tiếp theo.

Chân dung Tân Tổng thư ký Liên hợp quốc, nguyên Thủ tướng Bồ Đào Nha, Antonio Guterres

Để có thể chính thức thay thế ông Ban Ki-moon vào ngày 1/1/2017 tới, ông Guterres vẫn cần phải được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thủ tục.

Ông Guterres là quan chức đứng đầu Chính phủ một quốc gia đầu tiên trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - chức vụ vốn chủ yếu được dành cho cựu Ngoại trưởng các nước.

Là “người hùng” cho người tị nạn

Sinh tại Lisbon vào ngày 30/4/1949, ông Guterres gia nhập đảng Xã hội Bồ Đào Nha sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng tại nước này vào năm 1974, chấm dứt 5 thập kỷ nước này chịu sự cai trị của chế độ độc tài.

Năm 1976, ông Guterres trở thành nghị sĩ sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Bồ Đào Nha sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng. Từ một kỹ sư, ông Guterres nhanh chóng nổi lên trở thành một chính trị gia có tài hùng biện.

Đến năm 1992, ông Guterres trở thành Tổng Bí thư Đảng Xã hội Bồ Đào. Đến năm 1995, ông tiếp tục dẫn dắt Đảng Xã hội Bồ Đào Nha giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử và trở thành Thủ tướng.

Trong giai đoạn nắm quyền Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 - 2002, ông Guterres được mệnh danh là “nhà bảo trợ không mệt mỏi cho những người tị nạn”.

Ông Guterres đã chiến đấu một cách không khoan nhượng để bảo vệ quyền của người tị nạn trong suốt một thập kỷ làm Cao ủy của Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn từ tháng 6/2005-12/2015.

Ông Guterres đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng hàng triệu người tị nạn rời khỏi Syria, Iraq, Afghanistan và nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ đổ dồn sang châu Âu nếu các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan từ chối tiếp nhận họ. Theo ông Guterres, các quốc gia giàu có cần phải tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn.

“Những người nói rằng, họ không thể tiếp nhận người tị nạn Syria bởi họ là người Hồi giáo chính là những người đang ủng hộ các tổ chức khủng bố và giúp chúng tuyển mộ binh sĩ một cách hiệu quả hơn”, ông Guterres tuyên bố hồi tháng 12/2015 ngay trước khi mãn nhiệm Cao ủy của Liên Hợp Quốc về Người Tị nạn.

Những lời chúc mừng gửi tới Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc

Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc Syed Akbaruddin đã chúc mừng ông Guterres trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: “Xin chúc mừng và chúc ông mọi điều tốt lành. Ấn Độ hoan nghênh việc ông Antonio Manuel de Olivera Guterres trở thành tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc”.

Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre ca ngợi việc lựa chọn ông Guterres - một người nói được tiếng Pháp, Anh và Tây Ban Nha “như tiếng mẹ đẻ” - là “một tin tức tốt lành cho Liên Hợp Quốc”. Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft khẳng định, ông Guterres sẽ là “một Tổng Thư ký mạnh mẽ và làm việc hiệu quả”.

Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa ca ngợi ông Guterres là “một người xuất chúng” và là “sự lựa chọn tốt cho thế giới, cho Liên Hợp Quốc và cả cho Bồ Đào Nha”.

Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Liên Hợp Quốc Louis Charbonneau khẳng định, ông Guterres sẽ “cất lên tiếng nói hoàn toàn mới trong vấn đề nhân quyền tại thời điểm có rất nhiều thách thức như hiện nay”. Tuy nhiên, ông Charbonneau thận trọng cho rằng, năng lực thực sự của ông Guterres sẽ chỉ được kiểm chứng khi ông phải đối đầu với các quốc gia có quyền phủ quyết.

PV (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tham-khao-viet-thu-quoc-te-upu-46-tan-tong-thu-ky-lien-hop-quoc-la-ai-post214924.info