'Góc tối' thủy điện Nậm Mô: 'Nóng' kiện tụng phí nhân công phi lý!

Vụ kiện tranh chấp hợp đồng xây dựng thủy điện Nậm Mô giữa Tổng công ty 36 và Công ty Cổ phần Tổng Công ty phát triển năng lượng Nghệ An (EDCNA) còn có vấn đề cần được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Tranh cãi chi phí nhân công

Vụ việc có thể tóm tắt như sau: Năm 2010 và năm 2011, Tổng Công ty 36 và Công ty EDCNA đã ký hai hợp đồng xây dựng số 1 và số 17, tổng giá trị 187,59 tỷ đồng để xây dựng thủy điện Nậm Mô. Do một số công việc nhà thầu không thực hiện theo đơn giá hợp đồng, Chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu 159,3 tỷ đồng. Số tiền còn lại chưa thanh toán do trượt giá nhân công và vật liệu trong quá trình thi công.

Khi bất đồng giữa 2 bên chưa giải quyết thì ngày 16/11/2015, Tổng công ty 36 đã khởi kiện Chủ đầu tư ra TAND TP Vinh. Phiên tòa sơ thẩm ra quyết định buộc chủ đầu tư phải thanh toán 51 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã kháng cáo và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã kháng nghị hủy án sơ thẩm, chỉ ra 5 vi phạm của bản án sơ thẩm. Song phiên tòa phúc thẩm vào ngày 12/9/2016 vẫn tuyên buộc chủ đầu tư phải thanh toán số tiền trên 55 tỷ đồng.

Công trình thủy điện Nậm Mô

Trong đơn kêu cứu, ông Nguyễn Tám, Tổng giám đốc Công ty EDCNA cho biết, Tổng công ty 36 đã cung cấp cho Tòa án nhiều nội dung thiếu trung thực.

Theo đó, qua nhiều lần, Tổng công ty 36 không hoàn thiện Hồ sơ quyết toán theo qui định. Giá trị yêu cầu Quyết toán lên tới hơn 207,2 tỷ đồng nhưng EDCNA không chấp nhận vì có nhiều điểm sai.

Trong đó điểm sai lớn nhất là căn cứ vào tính toán các Bảng lương ngày công xây lắp được thỏa thuận tại Hợp đồng 01 và Hồ sơ dự thầu của gói thầu số 17 thì lương tối thiểu ở đây là lương tối thiểu chung nhưng Tổng công ty 36 lấy lương tối thiểu vùng để tính toán và yêu cầu Chủ đầu tư bù thêm 31 tỷ đồng tiền lương cho Hợp đồng 17 trong khi đơn giá tiền lương gốc tại Hợp đồng là khoảng 39 tỷ. Trong vòng chưa đến 2 năm lương tăng 81%, một điều quá vô lý.

“Đây không phải là công trình duy nhất chúng tôi làm chủ đầu tư. Có tới 3 thủy điện khác tương tự ở cùng khu vực Nghệ An, mức chi phí nhân công chỉ bằng 1/3 so với mức Tổng công ty 36 yêu cầu.

Chúng tôi sẵn sàng đề nghị kiểm toán vào cuộc làm rõ cho minh bạch, chứ không thể bịa ra để đòi tiền. Các cổ đông đều là người lao động, đồng tiền mồ hôi nước mắt, không thể tùy tiện bỏ ra hơn 30 tỷ đồng một cách vô tội vạ” – ông Nguyễn Tám bức xúc cho biết.

Có hay không việc Tòa án hiểu sai công văn của Bộ Xây dựng?

Do hai bên không thống nhất được dùng lương tối thiểu chung hay lương tối thiểu vùng để tính bù giá nên hai bên thống nhất cùng hỏi Bộ Xây dựng. Bộ này có hai văn bản trả lời, một gửi Tổng công ty 36, một gửi Công ty EDCNA.

Tại văn bản 1933/BXD-KTDT khẳng định các nội dung tại Công văn 2353 (công văn trả lời Tổng công ty 36 cũng về vấn đề chi phí nhân công) không phù hợp với Công trình thủy điện Nậm Mô.

Tại Công văn số 188/BXD-KTXD, ngày 28/01/2016 trả lời Cty EDCNA, Bộ Xây dựng tiếp tục khẳng định: “Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 15 (Lập đơn giá xây dựng công trình) Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình: Giá nhân công xây dựng được xác định trên cơ sở tính đúng, tính đủ tiền lương nhân công và phù hợp với mặt bằng thị trường lao động phổ biến của từng khu vực, tỉnh theo từng ngành nghề cần sử dụng.”.

Tổng công ty 36 và Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đều lấy lý do để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nên yêu cầu thanh toán khoản tiền bù giá nhân công hơn 31 tỷ đồng.

Nhưng khi Công ty EDCNA đặt nghi vấn, yêu cầu nhà thầu Tổng công ty 36 cung cấp bảng lương trả cho người lao động thì nhà thầu không cung cấp được.

Vậy không hiểu căn cứ vào đâu để TAND tỉnh Nghệ An vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty 36?

Viện KSND tối cao cần xem lại vụ việc

Trước đó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Quyết định kháng nghị số 845/KN-VKS-P10 ngày 23/05/2016, chỉ ra 5 vi phạm nghiệm trọng về xác định điều kiện khởi kiện, không đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và vi phạm trong việc tuyên lãi suất chậm trả. Thế nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm, những vấn đề này không được làm rõ thỏa đáng.

Theo luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Hà Nội), trong khi công trình chưa được quyết toán, chưa có Biên bản thống nhất về khối lượng và giá trị quyết toán giữa Nhà thầu, Tư vấn QLDA và Tư vấn giám sát, chủ đầu tư mà HĐXX hai cấp đã chấp nhận toàn bộ số liệu tự quyết toán hơn 207 tỷ đồng của Nhà thầu tự đưa ra, không cần tham vấn, xác minh làm rõ của bất cứ cơ quan có chuyên môn nào là điều không thể chấp nhận. Viện KSND tối cao cần xem xét lại vụ việc, có sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán.

Việc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tổng Công ty phát triển năng lượng Nghệ An tố Tổng công ty 36 thuê nhân công chỉ bằng 1/3 đơn giá tại Hợp đồng gốc đã ký và không có chuyện điều chỉnh đơn giá đến ngày 16/10/2014 đang cho vụ việc còn nhiều tình tiết cần được điều tra làm rõ. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, hai cấp tòa tại Nghệ An đều “phớt lờ”, bỏ qua nội dung này?

Anh Trí

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/goc-toi-thuy-dien-nam-mo-nong-kien-tung-phi-nhan-cong-phi-ly-post210706.info