'Góc phố danh vọng' và Mộng ước về nhạc kịch VN không xa vời

“Góc phố danh vọng” thực sự là “phép thử” ấn tượng và thú vị cho loại hình nhạc kịch đương đại cộp dấu “made in Việt Nam”. Sau thành công của "Đêm hè sau cuối", Phi Anh đã chứng minh, giấc mơ "sống được bằng nghề ở Việt Nam" với nhạc kịch là điều có thể trở thành hiện thực.

Xây dựng được một dự án lớn với ba vở diễn riêng rẽ về nội dung phải nói là một nỗ lực "kinh khủng" của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh và gần 100 cộng sự trẻ tuổi khác – hầu hết trong số đó đều là dân nghiệp dư. Đến với Dự án Hope (Mộng ước) và sân khấu nhạc kịch như một mối duyên thú vị, bắt nguồn từ đam mê và khát khao được cống hiến những điều mới mẻ cho thị trường giải trí đang trong giai đoạn bão hòa.

Nữ chính của vở "Góc phố danh vọng"

Vở diễn đầu tiên – “Đêm hè sau cuối” đã nhận được vô số lời khen ngợi từ phía công chúng và cả những “cây đa cây đề” trong làng nhạc Việt, cho nên, “Góc phố danh vọng” vô hình trung lại phải gánh chịu áp lực không nhỏ: phải tươi tắn, phải hấp dẫn và phải khác biệt hơn.

Thật may mắn, Nguyễn Phi Phi Anh đã tiếp tục mang đến cho khán giả những thăng hoa thực sự về mặt cảm xúc trong một câu chuyện đơn giản nhưng lôi cuốn và rất đáng yêu. “Góc phố danh vọng” đã thành công khi nhắm trực tiếp đến khán giả trẻ với những “tham chiếu” của cuộc sống hiện đại được cài cắm vào kịch bản một cách hài hước, tinh tế. Chính nét tự nhiên chỉ có ở tuổi trẻ cùng các yếu tố đương đại khéo léo chuyển hóa thành các những màn chọc cười thông minh đã khiến vở trôi đi dễ dàng trong khoảng hai tiếng đồng hồ mà không hề bị gượng gạo bởi sự rời rạc của mạch truyện.

Nói một cách chính xác, sự xuất sắc của các tình huống riêng rẽ đã đủ bù đắp cho những thiếu sót của tổng thể kịch bản và đại chúng khán giả dễ dàng chấp nhận điều này.

Tuyển chọn tốt – diễn viên vô danh thành gương mặt gây dấu ấn

Yếu tố quan trọng nhất, góp phần lớn nhất vào thành công của “Góc phố danh vọng” chính là khâu casting (tuyển chọn diễn viên).

Không phải là đối tượng chuyên nghiệp, được đào tạo ở bất cứ lĩnh vực liên quan nào, lần đầu làm quen với nhạc kịch, vậy mà các diễn viên vô danh đều đã đáp ứng rất tốt tối thiểu hai trên ba tiêu chí cơ bản nhất: vũ đạo – giọng hát – diễn xuất. Phong cách tự nhiên của tuổi trẻ đã giúp họ hóa thân trọn vẹn vào nhân vật của mình, đủ tăng thêm tính thuyết phục cho toàn bộ vở diễn.

Vũ Đỗ Quang Minh trong vai Rudolph

Bên cạnh đó, phần vũ đạo được dàn dựng khá kỹ lưỡng và đã hoàn toàn mang được tinh thần của nhạc kịch đương đại, cộng thêm tài năng xuất sắc của cá nhân Vũ Đỗ Quang Minh (trong vai Rudolph), khán giả đã có được thưởng thức một đêm diễn mãn nhãn.

Những điểm yếu dễ bắt bài bên cạnh điểm nhấn ấn tượng

Tuy nhiên, là vở nhạc kịch đầu tay nên “Góc phố danh vọng” của PPAN vẫn để lộ khá nhiều nhược điểm và dễ dàng bị “bắt bài” bởi những người đã quen thuộc với nhạc kịch.

Thứ nhất, nhạc và kịch là hai phần riêng rẽ chưa có độ gắn kết, tổng thể vở diễn vẫn chưa phải một câu chuyện được kể bằng âm nhạc. Có thể ví giống như Glee (phim truyền hình ca nhạc học đường của Mỹ) chuyển thể lên sân khấu, chứ không phải như Chicago, Rock Of Ages, Phantom Of The OperahayLes Misérables.

Thứ hai, nếu các ca khúc được lựa chọn cùng thuộc về một dòng nhạc sẽ mang đến sự cảm giác xuyên suốt và liền mạch hơn. Dù những người phụ trách phần hòa âm phối khí đã cố gắng đưa tất cả về một tông màu chung nhưng vẫn không thể hiện được sự kết nối cần thiết.

Bù lại, việc chơi live (hát trực tiếp) toàn bộ các ca khúc lại là một điểm nhấn ấn tượng, giúp mang đến sự phấn khích cho khán phòng. Sự góp mặt của bè dây ít nhiều cũng tạo được dấu ấn đáng kể trong việc làm mềm hóa các bản nhạc rock, dance hay R&B, đồng thời tăng thêm vẻ lãng mạn của những ca khúc nhạc kịch nguyên thủy, mà ví dụ điển hình nhất là bản Bohemian Rhapsody hay Memory. Cũng phải nói thêm, memory chuyển soạn cho giọng nam hát song ca hát cũng là một phá cách khá độc đáo và đáng khen ngợi.

Ngay cả ở khía cạnh dàn dựng những phân cảnh như Cell Block Tango, Roxie, Masquerade/Think Of Me, El Tango de Roxanne, dù chưa thể thoát khỏi nguyên tác thì vẫn mang lại hiệu ứng tươi mới của sức trẻ.

Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng” dù được coi là những sản phẩm nghiệp dư nhưng đã chinh phục được người xem sau một loạt đêm diễn và xứng đáng hiện diện trên sân khấu nhiều hơn, rộng khắp hơn, thay vì chỉ bó hẹp ở Hà Nội hoặc nếu sẽ được mang vào giới thiệu ở Tp.Hồ Chí Minh. Bởi đơn giản, bên cạnh việc giới thiệu cho công chúng một loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ, nó còn là câu chuyện thú vị về đam mê, về sáng tạo, về những nỗ lực của các bạn trẻ “dám nghĩ, dám làm” đồng thời nó còn là một thông điệp ngầm mạnh mẽ: người Việt Nam hoàn toàn có thể dàn dựng được những vở nhạc kịch hấp dẫn. Chắc chắn là như vậy!

Bài: Hoài Điệp

Ảnh: Đặng Dương

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/San-khau/Goc-pho-danh-vong-va-Mong-uoc-ve-nhac-kich-VN-khong-xa-voi/48894.dep