Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tránh nhóm cổ phiếu thị giá thấp

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia chứng khoán nhận định, thị trường cần ít nhất từ 2 đến 3 tuần để tìm được điểm cân bằng và trong thời điểm này, nhà đầu tư nên tránh giải ngân vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp có tính rủi ro cao.

Thị trường đã có 4 phiên tiếp tuần qua, đặc biệt là có những lúc thị trường rơi rất mạnh. Phân tích về mặt kỹ thuật, thị trường đang rơi vào xu hướng tiếp tục điều chỉnh trước áp lực bán tăng mạnh tại nhiều nhóm cổ phiếu, cùng với đó là sự phân hóa khá mạnh tại nhóm cổ phiếu trụ cột. Liệu xu hướng này còn kéo dài trong thời gian bao lâu, theo cảm quan của ông/bà?

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Chỉ số VN-Index liên tục điều chỉnh giảm sau khi tiếp cận ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 680 điểm 2 lần, liền sau đó giao dịch với nhiều biến động mạnh ngay trong phiên tại các vùng 660-670 và 650-660 điểm, qua đó khiến cho tâm lý của đại bộ phận nhà đầu tư trở nên chán nản với xu thế chung.

Áp lực bán xuất hiện và mạnh dần lên qua từng phiên như một quy luật tất yếu. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thị trường cần ít nhất từ 2 đến 3 tuần để tìm được điểm cân bằng. Trong trường hợp xấu nhất, VN-Index có thể lùi về vùng hỗ trợ mạnh 630-640 điểm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thị trường tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt chỉ số VN-Index đã giảm về sát mức 640 điểm và lực cầu tại mức hỗ trợ này cũng tỏ ra khá mạnh mẽ đã giúp chỉ số VN-Index cũng thu hẹp đà giảm. Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ hồi phục trong tuần giao dịch tới, nhưng nhìn chung thị trường đã tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, nghĩa là xu hướng giảm có thể sẽ còn diễn ra trong ngắn hạn.

Bluechips như VIC, HPG, HSG… đều ghi nhận sụt giảm rất mạnh trong vài phiên gần đây sau khi đạt được ngưỡng “cao trào” và dòng tiền đang tìm đến những mã cổ phiếu chưa tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy vậy, việc đầu tư vào những cổ phiếu thị giá thấp có mang nhiều rủi ro tại thời điểm này không, đặc biệt là sau một loạt những cổ phiếu có giao dịch bất thường như KSA, KHB, VNH…, theo ông/bà?

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Dòng tiền hiện tại vẫn chưa tập trung mạnh tại bất kỳ nhóm cổ phiếu nào, mà chỉ đang luân chuyển tại 1 số cổ phiếu nhất định với các thông tin hỗ trợ đặc biệt (kết quả kinh doanh nửa năm tích cực, cổ tức,…). nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Ông Ngô Thế Hiển

Như nhà đầu tư có thể thấy, những giao dịch bất thường tại một số cổ phiếu như KSA, KHB, VNH là rất khó kiểm soát. Trong khi đó, xu hướng thị trường hiện tại chưa rõ ràng và khi lực bán xuất hiện mạnh, khó có cổ phiếu nào có thể trụ vững, đặc biệt là các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Do vậy, chúng tôi không đánh giá cao việc giải ngân vào những cổ phiếu thị giá thấp có mang nhiều rủi ro tại thời điểm này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong tuần giao dịch vừa qua, nhiều cổ phiếu đã giảm khá mạnh sau giai đoạn tăng kéo dài trước đó, đây là diễn biến bình thường khi nhiều cổ phiếu đang bị định giá khá cao, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa đã có P/E trung bình lên đến mức 17 - 18 lần.

Nhìn chung trong năm nay, dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu cơ bản và dòng tiền đầu cơ dường như vắng bóng trên thị trường, nên tôi đánh giá rủi ro sẽ rất cao nếu đánh cược vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đang diễn ra và sẽ tập trung vào nhiều nội dung và được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá. Thông thường, TTCK cũng có những phản ứng “thăm dò” tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Điều này có tiếp tục diễn ra trong lần này?

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Trong quá khứ, thị trường thường phản ứng khá tiêu cực với nhiều lần giảm điểm hơn là tăng trong thời gian của các kỳ họp Quốc hội. Điều này đã và đang diễn ra trong vài phiên gần đây, tuy nhiên đây vẫn chỉ là những ảnh hưởng mang hơi hướng thông tin không rõ ràng và ngắn hạn, do vậy khó có thể đưa ra các đánh giá về mối tương quan giữa TTCK với sự kiện nói trên.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thông tin từ các kỳ họp của Quốc hội có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, trong đó có tác động diễn biến trên TTCK cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thế Minh

Nhìn lại quá khứ, phần lớn thị trường có diễn biến tiêu cực khi diễn ra kỳ họp và thị trường có tâm lý lạc quan hơn ngay sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, việc giảm mạnh trong các phiên giao dịch vừa đã khiến nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái bị quá bán, nên tôi đánh giá nhà đầu tư có thể sẽ thực hiện mua “thăm dò” trong tuần tới.

Việc các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý II/2016 có tiếp tục tạo ra sự phân hóa giữa các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu, theo các ông/bà?

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng phân tích, CTCK SHS

Điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra và còn được thể hiện rõ ràng hơn sau khi xu hướng thị trường bình ổn trở lại. Theo tôi, sự phân hóa này thậm chí sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn khi các cổ phiếu thuộc 1 nhóm ngành tích cực cũng chưa chắc tăng giá cùng nhau và sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nội tại của từng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)

Nhìn chung, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp có chiều hướng tích cực trong năm nay, nhưng tôi đánh giá việc này đã phản ánh hầu hết vào giá cho nên khi các doanh nghiệp công bố kết quả quý II/2016 thì giá cổ phiếu đều giảm rất mạnh, đây cũng là điều dễ hiểu vì kết quả này phần lớn đã đạt đúng kỳ vọng của nhà đầu tư.

Hải Vân

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dinh/goc-nhin-chuyen-gia-tuan-moi-tranh-nhom-co-phieu-thi-gia-thap-159063.html