Góc khuất ít người biết về Donald Trump - Người đàn ông cô độc nhất thế gian

Vẻ bề ngoài dễ xúc động của Trump cho thấy ông ta chỉ thể hiện được một vài cung bậc cảm xúc, chẳng hạn như tức giận và hung hăng. Theo một cách nào đó, phong cách của ông trong buổi tranh luận giống như loài linh trưởng đang phô trương sức mạnh – đấp ngực thùm thụp và gầm gừ đầy đe dọa. Nhưng ít ra loài động vật ấy còn có bầy, Trump thì chỉ có một mình.

Hillary Clinton và Donald Trump, ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ? (ảnh: Atlantic)

LTS: Cuộc marathon đường dài nhằm cạnh tranh cho vị trí người đứng đầu Nhà Trắng năm nay đang dần đi đến hồi kết. Cho dù kết quả cuối cùng có như thế nào đi chăng nữa, cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đang dần trở thành một trong những sự kiện chính trị đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ bởi tính chất bước ngoặt cũng như những tranh cãi vô tiền khoáng hậu, không chỉ thu hút sự chú ý của người dân Mỹ mà còn được cả thế giới quan tâm.

Góp phần kiến tạo nên những mảng màu đa sắc cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, không ai khác ngoài 2 ứng cử viên đại diện cho 2 chính đảng lớn nhất nước này: Donald Trump đến từ đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Nếu Hillary Clinton vốn được biết đến như một chính trị gia dạn dĩ, đầy kinh nghiệm, một nhà ngoại giao hàng đầu thế giới được nhiều người ngưỡng mộ, thì tỷ phú bất động sản Donald Trump, với khối tài sản khổng lồ cùng sự lọc lõi và khả năng đi vào lòng người nhờ những tháng năm chinh chiến trên thương trường, đã chứng minh rằng ông không phải là “tay mơ” trên trường chính trị. Cuộc đua, vì thế, hứa hẹn sẽ ẩn chứa đầy kịch tính, bất ngờ và gây nhiều tranh cãi cho đến tận phút chót.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều về 2 ứng cử viên, Vntinnhanh đã song hành và giới thiệu nhiều bài viết có chiều sâu về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Khép lại một mùa bầu cử đáng nhớ và tốn nhiều giấy mực nhất trong nhiều năm trở lại đây, Vntinnhanh xin gửi tới độc giả 2 bài viết về Donald Trump và Hillary Clinton, trên một khía cạnh khác ít người biết tới - khía cạnh đời thường nhất, con người nhất, và xúc cảm nhất đằng sau ánh hào quang.

Mở màn sẽ là bài viết về Donald Trump - ứng cử viên Tổng thống Mỹ đại diện cho đảng Cộng hòa. Trong tất cả những điều khác thường nổi lên tại các mùa tranh cử Tổng thống Mỹ, không gì thu hút được sự chú ý như “hiện tượng” Donald Trump. Nhất cử nhất động, mọi phát ngôn, cử chỉ, thậm chí cả một lời nói vu vơ của vị tỷ phú bất động sản này cũng trở thành tâm điểm của truyền thông. Thế nhưng, bằng lăng kính của riêng mình, 2 cây bút Maggie Haberman và David Brook của tờ New York Times lại cho thấy một Donald Trump đơn độc, nhạy cảm, dễ tổn thương ẩn chứa bên trong vẻ bề ngoài phóng túng, thô ráp thường thấy.

Vntinnhanh xin giới thiệu bản chuyển ngữ 2 bài viết nói trên, với tựa đề “Donald Trump – Người đàn ông cô độc nhất thế gian”.

Người đàn ông cô độc nhất thế gian

Các cuộc tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình là cơ hội quý giá để các cử tri bình thường cũng có thể đặt câu hỏi cho ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong những cuộc tranh luận kiểu này, ứng viên thường hướng về phía cử tri, chăm chú lắng nghe và giải đáp một phần nào đó những vấn đề mà cử tri quan tâm. Họ hiểu rằng, những hành động đó thể hiện sự coi trọng và kết nối bền chặt với người đang nói chuyện với mình.

Bản thân Hillary Clinton không phải là người quá thân thiện. Thế nhưng nữ chính trị gia đã cố gắng cư xử với những cử tri còn đang phân vân với sự lựa chọn của mình theo cách lịch thiệp nhất có thể. Donald Trump thì không như vậy. Trump coi những người đặt câu hỏi cho mình như thể họ là những cỗ máy di động và không hề coi trọng những câu trả lời mà tỷ phú này đưa ra, ngay cả khi ông có cơ hội để bày tỏ sự đồng cảm với một phụ nữ Hồi giáo trẻ tuổi.

Chính trị là một nỗ lực để kết nối con người, nhưng có vẻ như Trump không có khả năng đó. Ông không dựa vào những người trợ lý để nhận lời khuyên, cũng không có bạn tâm giao kề bên. Đội ngũ vận động tranh cử của Trump chỉ toàn những kẻ lạnh lùng, chẳng hạn như Roger Ailes – cựu chủ tịch kênh truyền hình Fox News. Trong khi đó, chính những thành viên trong đảng Cộng hòa coi Trump là “vết nhơ” không thể tẩy rửa nổi.

Chính trị là một nỗ lực để kết nối con người, nhưng có vẻ như Trump không có khả năng đó (ảnh: Getty)

Sinh ra đã là một cậu ấm được “ngậm thìa vàng”, trong phần lớn quãng đời của mình, Trump sợ bẩn và tránh giao tiếp với người khác. Những dòng tweet vào 3 giờ sáng đã phần nào hé mở về một Donald Trump cô độc trong tòa tháp ngà, hậm hực “trả đũa” những dòng bình luận không hay nhằm vào ông giữa đêm khuya.

Cứ mỗi tuần trôi qua, Trump lại phá kỷ lục thế giới do chính ông lập ra về mức độ thù hằn mà người ta dành cho ông. Nó cũng tỷ lệ nghịch với những con số trên các cuộc thăm dò dự luận, nơi sự ủng hộ dành cho ông ngày càng chìm sâu một cách khó có thể cứu vãn. Sự tương phản này, càng khiến Trump cô đơn hơn bao giờ hết.

Thử tưởng tượng, ngày nào cũng như ngày nào, bạn phải chia sẻ những khoảnh khắc “tử tế” với cả bạn bè và những người lạ mặt.

Thử tưởng tượng, bạn phải trải qua một tuần lễ dài dặc dặc, hứng chịu những lời lẽ đầy thù hận, bao quanh bởi những kẻ thù tự tạo, trở thành tâm điểm của sự ghê tởm và nhạo báng.

Thử đặt mình vào vị thế bị sỉ nhục, hành hạ như vậy, có lẽ bạn sẽ nổi đóa lên và tìm cách trả thù cả thế giới. Vậy mà đối với Trump, đó chính là cả cuộc đời của ông ta.

Vì lẽ đó, Trump liên tục thể hiện mình là người không có khả năng định dạng hoặc mô tả các cảm xúc của chính bản thân mình (alexithymia). Chính vì không hiểu được bản thân, những người mắc chứng này thường không thể thấu hiểu, liên hệ hoặc gắn bó với những người khác.

Để chứng minh sự tồn tại của mình, họ không ngừng thèm khát sự chú ý của người khác. Thiếu đi những đánh giá về giá trị bản thân, họ phụ thuộc vào những giá trị ảo không bền vững như sức khỏe, sắc đẹp, sự nổi tiếng và sự phục tùng của kẻ khác.

Trong trường hợp của Trump, ông từ chối mọi niềm vui mà tình bạn và sự hợp tác đem lại. Phụ nữ đem lại tình yêu và cảm xúc cho cuộc sống, thế nhưng Trump chỉ biết ghét bỏ và làm nhục họ. Mỗi khi Trump cố tỏ ra thân thiện, vẻ mặt của ông hiện lên rõ vẻ giả tạo. Ông nhào tới ôm phụ nữ cứ như thể họ chỉ là một bị thịt, không hơn.

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy ấm lòng khi cảm thấy cuộc sống của mình đã đạt được một số giá trị cơ bản. Nhưng Trump sống trong một hành tinh khác đầy vô luân, nơi ông không thể tận hưởng sự ngọt ngào mà lòng vị tha và tinh thần cộng đồng đem lại.

Thử đặt mình vào vị thế bị sỉ nhục, hành hạ như vậy, có lẽ bạn sẽ nổi đóa lên và tìm cách trả thù cả thế giới. Vậy mà đối với Trump, đó chính là cả cuộc đời của ông ta.

Những kẻ bắt nạt chỉ cảm nhận được sự yêu bình khi họ trở nên tàn nhẫn. Thử tưởng tượng bạn là Trump, bị dắt mũi hết cuộc tranh luận này đến cuộc tranh luận khác. Bạn đang chạy đua vào một vị trí hoàn toàn quá tầm so với khả năng của bạn. Bạn đang theo đuổi một tia hy vọng đang ngày một mong manh.
Bạn chỉ cảm thấy hài lòng khi được xúc phạm một ai đó, khi được cao giọng dọa tống đối thủ vào tù, khi được người khác coi như một tay côn đồ chỉ chực tung nắm đấm, khi được xỉa xói đối phương “có một trái tim tràn đầy thù hận, khi mà rõ ràng những hành động đó chỉ là hình ảnh soi chiếu cho chính con người của bạn.

Vẻ bề ngoài dễ xúc động của Trump cho thấy ông ta chỉ thể hiện được một vài cung bậc cảm xúc, chẳng hạn như tức giận và hung hăng. Theo một cách nào đó, phong cách của ông trong buổi tranh luận giống như loài linh trưởng đang phô trương sức mạnh – đấp ngực thùm thụp và gầm gừ đầy đe dọa. Nhưng ít ra loài động vật ấy còn có bầy, Trump thì chỉ có một mình. Nếu có sự cố gì xảy ra với ông ta chắc cũng chẳng ai thèm quan tâm.

Ông hoàng cô độc trong tòa tháp ngà

Tháp Trump – tòa nhà cao chọc trời tọa lạc ngay giữa khu phố sầm uất nhất của Manhattan, là niềm tự hào, là thánh điện thể hiện quyền uy và tham vọng của Donald Trump.

Thế nhưng, thánh điện bất khả xâm phạm ấy bỗng chốc trở nên cô độc và lạnh lẽo kể từ sau buổi chiều ngày 7/10. Ngày hôm đó, Trump được yêu cầu không tới dự một buổi họp quan trọng của đảng Cộng hòa ở Wisconsin. Tại đây, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cùng một số lãnh đạo có uy tín đã chỉ trích thậm tệ ứng cử viên mà họ đã bầu ra vào cuối tháng 7 vừa qua để tranh đấu cùng đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Vì lẽ đó, Trump chọn ở yên trong căn hộ sang trọng của mình trên tầng 66 của tòa tháp Trump, gần như cả ngày 7 và 8/10. Thỉnh thoảng, một số trợ lý thân cận tới giúp ông chuẩn bị cho cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 với đối thủ Hillary Clinton, sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Nhưng lần này, họ có một nhiệm vụ khác quan trọng hơn. Đó là dành thời gian mổ xẻ, tìm cách khắc phục hậu quả mà đoạn băng ghi lại những lời lẽ thô tục của ông nhằm vào phụ nữ 11 năm về trước, bỗng nhiên bị báo chí đào xới lên.

Vẻ bề ngoài dễ xúc động của Trump cho thấy ông ta chỉ thể hiện được một vài cung bậc cảm xúc, chẳng hạn như tức giận và hung hăng (ảnh: Reuters)

Đôi lúc, ông mở Twitter, đăng lại những bài viết từ một tài khoản tự xưng là người phụ nữ bị cựu Tổng thống Bill Clinton hiếp dâm nhiều năm về trước. Trump gọi điện cho vài phóng viên một cách thiếu hào hứng hơn hẳn so với thường lệ. Vị tỷ phú liên tục theo dõi những bản tin trên CNN, kênh truyền hình mà ông luôn cho là luôn đưa tin không công bằng về mình, và buồn khôn tả khi thấy các quan chức đảng Cộng hòa, từng người từng người một, lên án ông.

Kể từ khi vụ bê bối sàm sỡ phụ nữ trong đoạn băng năm 2005 bị tờ Washington Post phanh phui, Trump luôn cố tỏ ra khiêm nhường, và dường như công chúng có thể cảm thận được thái độ đó thông qua đoạn băng xin lỗi mà ông đăng tải sáng sớm ngày 8/10. Những Trump bị chỉ trích không thương tiếc vì kết thúc những lời xin lỗi bằng cách xỉa xói nhà Clinton và không hề tỏ ra hối lỗi với người vợ hiện tại Melania. Đối với Trump, sự chỉ trích chỉ là lời khẳng định rằng cho dù ông nói hay làm điều gì cũng không thể làm vơi đi thái độ thù địch hướng về phía mình.

Bên trong tòa tháp Trump vào ngày 8/10, những bản kế hoạch khác nhau đã được đưa ra bàn luận. Trump cùng các cố vấn cân nhắc tổ chức một cuộc phỏng vấn trên một kênh truyền hình lớn với sự tham gia của cả ông và bà Melania. Ý tưởng này bắt nguồn từ vụ bê bối tình dục của ông Bill Clinton vào năm 1992. Khi đó, để chữa cháy, vợ chồng Clinton đã phải xuất hiện tronng chương trình “60 phút” của đài CBS sau khi bà Gennifer Flowers tuyên bố ông Bill quan hệ bất chính với cô và phản bội bà Hillary.

Kế hoạch tổ chức cuộc phỏng vấn được Trump chấp thuận, bất chấp việc bà Melania không hề thích thú với việc xuất hiện trước ống kính máy quay. Thế nhưng, dự định nhanh chóng sụp đổ khi Nancy O'Dell, người từng dẫn chương trình "Access Hollywood" và là người phụ nữ được cho là “nạn nhân” trong đoạn băng 2005 của Trump, bỗng đăng tải một thông báo lên án những bình luận của ông. Sau đó, nhiều đoạn ghi âm ghi lại Trump nói chuyện thô lỗ về phụ nữ trên truyền hình, lần này là trong chương trình "The Howard Stern Show", lần lượt bị phanh phui. Ý tưởng tổ chức cuộc phỏng vấn nhanh chóng bị dẹp bỏ.

Đối với Trump, sự chỉ trích chỉ là lời khẳng định rằng cho dù ông nói hay làm điều gì cũng không thể làm vơi đi thái độ thù địch hướng về phía mình.

Jared Kushner – con rể của Trump, là một trong những người có mặt tại căn hộ của ông trong thời điểm đó. Cùng với Kushner còn có con trai cả Donald Jr., thống đốc bang New Jersey Chris Christie và cựu thị trưởng New York Rudolph W. Giuliani và chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus. Christie và Priebus nói với Trump rằng, tình hình đối với các thành viên khác trong đảng Cộng hòa đang ngày một xấu đi. Một số cố vấn khác quả quyết với ông rằng, tấn công vào bê bối tấn công tình dục phụ nữ của ông Bill Clinton sẽ đưa tinh thần của đảng Cộng hòa lên cao trong cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ.

Bà Melania và các thành viên khác trong gia đình lên kế hoạch đi cùng ông tới buổi tranh luận như một cách để thúc đẩy tinh thần.

Nhưng nguồn động viên tinh thần thực sự đối với Trump lúc này có vẻ như lại đến từ một nhóm nhỏ những người ủng hộ đang giơ cao những tấm biểu ngữ có tên ông trên đại lộ Fifth Avenue bên ngoài tòa tháp Trump. Những người này xô xát với người qua đường. Thậm chí, một người phụ nữ nói với một người trong nhóm ủng hộ Trump rằng cô ta nên trở về với “cái máng lợn” của mình đi.

Trump không thể chịu được cảnh tượng đó. Khoảng 5 giờ chiều, ông rời khỏi nơi mà những cố vấn thân cận gọi là “thánh địa”, băng qua dãy hành lang lát bằng đá cẩm thạch, cùng con trai và người quản lý chiến dịch Kellyanne Conway.

Ông bước qua những dãy cửa kính bóng loáng, khiến những người ủng hộ tập trung trước tòa nhà phải giật mình.

Đám đông hò hét, vươn tay ra để chạm vào áo vest của ông. Trump hòa mình vào đám đông đang bày tỏ sự hâm mộ cuồng nhiệt.

Trump giơ nắm đấm lên không trung và nở nụ cười tươi. Lúc này nhìn ông như trẻ ra.

Ông đứng đó khoảng 5 phút, cảm thấy vô cùng kích thích.

Trước khi rời đi, một phóng viên hét lớn, hỏi rằng ông có thể bám trụ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hay không. “100 phần trăm”, Trump đáp lại.
Ông quay lưng lại và tiến vào tòa tháp, vỗ tay như để cổ vũ những người ủng hộ, và cũng là để cổ vũ chính mình.

Bởi sau ngày 9/11, ngày mà Trump phải nhận lấy thất bại cay đắng, không còn ai quan tâm tới sự cô độc và những lời oán giận của ông nữa. Tất cả đều đã rời bỏ ông mà đi rồi.

Nam Anh (theo New York Times)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/goc-khuat-it-nguoi-biet-ve-donald-trump---nguoi-dan-ong-co-doc-nhat-the-gian-131489