Góc khuất đau lòng của những phi công chuyển giới tại Mỹ

Phải phải "câm nín", phải tìm mọi cách để che giấu bản thân, đó là cách mà một bộ phận không nhỏ những sĩ quan không quân Mỹ đang phải làm để được... phục vụ, hy sinh cho đất nước.

Góc khuất đau lòng của những phi công chuyển giới tại Mỹ

Jane thích chạy bộ vào sáng sớm - từ khi ánh đèn đường vàng vọt vẫn chưa tắt và không khí vẫn còn hơi se lạnh.

Gần 5 giờ sáng, Jane chọn một bộ đồ màu hồng nhạt, một chiếc mũ Không quân Mỹ cũ rồi tiến về phía những con phố vắng lặng đang nằm khép nép và mơ màng trước buổi bình minh.

Khi chạy, cô có một tiếng đồng hồ để hoàn toàn quên đi những điều người khác nghĩ về mình. Cô có thể thoải mái sống trong thế giới thực mà bản thân vẫn hằng mơ ước, rồi lại mông lung suy xét về rất nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Có lẽ, Jane đã sẵn sàng để thay đổi cuộc sống hiện tại.

Và cô gái ấy đang chờ đợi thời điểm thích hợp để nói với Không Quân rằng "Tôi là người chuyển giới , nhưng tôi đã từng phục vụ cho Tổ quốc mình 25 năm với tư cách là một người đàn ông".

Đứng trước những định kiến khắt khe về giới tính, các quân nhân tại Mỹ thường không dám bước qua ranh giới phân chia ấy để sống thật với chính bản thân mình.

Cuộc sống "hai mặt" khi phục vụ trong quân đội Mỹ

Trong thời gian này, Jane đã tham gia mọi cuộc chiến lớn nhỏ của nước Mỹ - kể từ khi Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất diễn ra và nhận được rất nhiều huân chương có giá trị từ Chính phủ.

Cô yêu công việc của mình, coi nó là "vinh dự và quyền lợi" của bản thân. Tuy nhiên, công việc này cũng khiến cô phải sống một cuộc đời hai mặt.

Người chuyển giới nói riêng, hay những người "rối loạn xu hướng tình dục" nói chung đều bị cấm phục vụ trong quân đội Mỹ theo Chỉ dẫn về Quốc phòng 6130.03.

Dẫu vậy, trên thực tế vẫn có hơn 12.600 người chuyển giới đang làm việc cho quân đội Mỹ, và đa phần họ phải chấp nhận chôn vùi bí mật này mãi mãi.

Tháng 10 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ xem xét lại những quy định hà khắc trên. Kể từ đó, nhiều người chuyển giới đã công khai giới tính thật của mình, thậm chí còn tiến hành trị liệu hóc-môn để trở về với "bản năng" vốn có theo cách hoàn hảo nhất.

Đáng tiếc, quy định trong quân đội lại không hoàn toàn thống nhất giữa các đơn vị. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều người phải che giấu điều bí mật này như một nỗi đau ẩn sâu trong trái tim già cỗi của mình.

Họ phải tuyên thệ sẽ tuân thủ chặt chẽ Hiến pháp của đất nước, mặc dù trong lòng rất đau đớn vì bị dằn vặt giữa sự thật và lời hứa trước là cờ Tổ quốc.

Bạn có biết không, nếu những chỉ huy của Jane phát hiện ra việc cấp dưới nhận được trị liệu từ bác sĩ dân sự, cô chắc chắn sẽ bị phạt ngay lập tức. Tuy nhiên, những thay đổi trên cơ thể ngày càng khó để ngụy trang, và những nỗ lực nhằm che giấu điều này luôn khiến cô cảm thấy mỏi.

Bên ngoài doanh trại, Jane có thể tùy ý sống và ăn mặc theo sở thích - với điều kiện là phải tránh xa những nơi đồng nghiệp đang sinh sống.

Còn trong doanh trại, cô phải mặc đồng phục của nam giới, duy trì kiểu tóc theo những quy chuẩn đã được quy định dành cho quân nhân và phải sử dụng nhà vệ sinh nam.

Thật tâm, cô rất muốn công khai giới tính thực sự với các đồng nghiệp. Cô hy vọng mình có thể thực hiện nốt những cuộc đại phẫu để hoàn thành bước chuyển giới cuối cùng.

Nhưng đau lòng thay, hai ước muốn của Jane vẫn nằm ngoài tầm với cho tới khi quân đội chịu thay đổi những quy định đã có từ lâu.

"Tôi không biết tôi còn có thể chờ được bao lâu nữa" – Jane nói – "Tôi không biết liệu mình có đủ mạnh mẽ để tiếp tục chờ đợi lâu hơn nữa hay không".

Jane - một phi công chuyển giới đang dần trút bỏ lớp vỏ bọc nam tính để sống một cuộc đời như cô vẫn hằng mong ước.

Căng mình lên để đối phó với sự dò xét của đồng nghiệp

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong buồng lái của một chiếc máy bay chiến đấu. Trước mặt bạn là hàng loạt các loại đồng hồ, công tắc, thông số. Bạn cần phải tập trung cao độ.

Nhưng bạn chẳng thể quên đi những điều mông lung như: Giọng của tôi đã đúng chưa? Cách nói chuyện của tôi đã chuẩn chưa? Liệu tôi có phạm phải sai lầm gì khiến thân phận bị bại lộ hay không?

Khi làm việc, Jane không thể để mình lệch phương hướng trong từng cử chỉ hay hành động nhỏ nhặt nhất. Lấy ví dụ như một buổi chạy tập thể. Sau khi thấy mình đang dẫn đầu những đồng nghiệp khác, Jane bắt đầu quay cuồng trong mớ suy nghĩ hỗn độn.

Bỗng nhiên, dòng suy nghĩ ấy chợt bị cắt đứt bởi một giọng nói từ phía sau "Này sĩ quan, anh có biết là anh đang chạy như một cô gái không?"

Ngay sau đó, Jane cảm thấy những ánh mắt ngạc nhiên đang đổ dồn về đôi chân nhẵn bóng của mình.

Rồi một đồng nghiệp khác đã chạy lên và nói với cô rằng "Này, tôi thấy anh có thể trở thành một cô gái ngon đấy. Vì thế, nếu mọi thứ không như ý thì anh luôn có thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính".

Jane có một giọng nói nhẹ nhàng và ấm áp. Nhưng khi nhớ tới vị trí mà mình đang đứng, cô gái ấy vẫn cố trầm giọng xuống để trả lời "Sinh ra đã thế, tôi có thể làm được gì chứ?".

Jane sợ nếu bị đồng nghiệp phát hiện về giới tính thật, cô sẽ bị tẩy chay và xa lánh.

Một đồng nghiệp đã từng giấu nhẹm giới tính thật của Jane kể từ khi cả hai tham gia vào một bài kiểm tra sinh tồn dưới nước. Theo đó, họ vẫn phải mặc đầy đủ trang phụ bị như đang ngồi ở buồng lái, rồi nhanh chóng bơi hết quãng đường được quy định.

Đi lên từ dưới nước lên, ướt sũng, Jane cố gắng tìm kiếm phòng thay đồ. Nhưng không có phòng thay đồ nào cả. Những người khác hồn nhiên thoát y ngay tại chỗ, hoặc ngay bên cạnh chiếc xe chở quân.

Nhưng Jane không thể làm giống họ, vì bên dưới bộ đồ bay cô đang mặc là một chiếc áo ngực thể thao và khi bị ướt, chiếc áo co sát vào người khiến cô rất khó chịu.

"Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi. Tôi phải chạy sang bên kia chiếc xe, mở cửa ra để trốn đằng sau. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ trang phục để có thể thay đồ một cách nhanh nhất, nhưng khi tôi đang cởi chiếc áo ngực thể thao thì bỗng phát hiện có một người đang nhìn mình".

Người đồng nghiệp này nhìn Jane, rồi chợt quay mặt và bỏ đi. Mọi việc mà Jane có thể làm là chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thể xảy đến "Tôi đã chắc chắn là anh ta sẽ nói với ai đó. Lúc ấy, tôi chỉ muốn chết đi cho xong".

May mắn cho Jane là người đồng nghiệp kia đã không làm như vậy.

Tuy là người chuyển giới, nhưng Jane vẫn trở thành một phi công giỏi và có nhiều cống biến cho Tổ quốc.

Chấp nhận người chuyển giới trong quân đội là vấn đề phức tạp

Năm 2011, quân đội Mỹ đã chấm dứt chính sách "không hỏi, không nói" nhằm ngăn cấm người đồng tính phục vụ công khai trong các lực lượng vũ trang.

Nhưng hàng nghìn quân nhân, thủy thủ và phi công là người chuyển giới vẫn bị bỏ mặc và phải tiếp tục che dấu thân phận của mình.

Nhưng các nghiên cứu mới đây lại chỉ ra rằng, người chuyển giới có xu hướng tham gia phục vụ trong quân đội cao gấp đôi so với người dân Mỹ nói chung.

Một nghiên cứu công bố năm 2014 của Đại học California cũng khẳng định, có 21% cộng đồng người chuyển giới tại Mỹ đã ghi danh vào lực lượng quân đội, so với con số chỉ 10% trên toàn bộ dân số.

Hiệp hội Cựu chiến binh Chuyển giới Hoa Kỳ còn thống kê hiện có khoảng 135.000 cựu quân nhân tại Mỹ là người chuyển giới.

Nhiều người cũng lo ngại việc cho phép người chuyển giới phục vụ chung với phụ nữ sẽ làm tổn hại tới sự gắn kết bên trong mỗi đơn vị, và trị liệu hóc-môn cùng phẫu thuật điều chỉnh giới tính là không tương thích với điều kiện phục vụ chiến đấu.

Tuy nhiên, trên thế giới hiện đã có tới 18 nước chấp nhận cho người chuyển giới phục vụ trong quân đội, bao gồm cả Anh, Canada, và Australia.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết, việc chấp nhận người chuyển giới phục vụ chung với phụ nữ là "một vấn đề rất phức tạp, liên quan tới nhiều mặt bao gồm chăm sóc sức khỏe, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cũng như chi phí hoạt động".

Tuy nhiên, theo giáo sư Aaron Belkin, giám đốc Palm Centre - một trung tâm chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan tới giới tính trong lực lượng vũ trang, thì quan điểm trên hoàn toàn không chính xác.

"Điều đó hoàn toàn không hề phức tạp, đã có nhiều kinh nghiệm tiến hành từ các tổ chức vũ trang khác nhau, bao gồm cả quân đội Anh" – ông Belkin nói.

"Nếu xét về sự khó khăn thì điều này có thể đặt ở vị trí dưới cùng trong thang đánh giá độ khó khăn của việc mà quân đội Mỹ phải thực hiện".

Jane từng tham gia nhiều trận chiến lớn tại Mỹ và nhận được nhiều huân chương có giá trị từ Chính phủ.

Những phát hiện về bản thân khiến đứa trẻ 8 tuổi hoang mang

Năm 8 tuổi, Jane phát hiện ra hai điều về bản thân mình. Thứ nhất, cô muốn trở thành phi công lái máy bay chiến đấu. Thứ hai, cô đã bị sinh nhầm dưới lớp vỏ bọc của một người đàn ông.

Điều thứ nhất khiến Jane trở thành một cậu bé điển hình trong thị trấn nhỏ nơi cô sinh sống, còn điều thứ hai lại khiến cô cảm thấy mình là "đứa trẻ quái dị nhất".

Rồi một ngày, nhân vật chuyển giới xuất hiện trong bộ phim truyền hình Love Boat đã giúp Jane đã hiểu ra tất cả "Hồi đó, tôi cảm thấy mình rất cô đơn. Rồi tôi xem bộ phim Love Boat và nó đã khiến tôi vô cùng cảm động".

Cô đã từng tự mình nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên khi đó mạng Internet chưa được phổ biến, và tại nơi cô đang ở thì "họ không có tài liệu về điều đó trong thư viện".

Nhiều năm sau, khi Jane có thể tiếp xúc với mạng Internet thì đa phần kết quả mà cô nhận được chỉ là những bộ phim khiêu dâm. Điều này đã khiến Jane hết sức thất vọng.

Và vì vậy, Jane – một thanh niên mới lớn với bí mật mà chính mình cũng không hiểu nổi - đã ghi danh để tham gia phục vụ trong quân ngũ.

"Tôi nghĩ rằng nếu tôi trải qua huấn luyện cơ bản thì những cảm giác đó sẽ biến mất, nhưng chúng vẫn ở đó. Rồi tôi lại nghĩ rằng nếu tôi đạt đủ điều kiện nhập ngũ thì những cảm giác đó sẽ biến mất, nhưng chúng vẫn ở đó.

Rồi tôi nghĩ được rồi, có thể nếu tôi làm một công việc nguy hiểm thì những cảm giác đó sẽ biến mất…".

Jane không nghĩ rằng mình có thể nhận được công việc lái máy bay chiến đấu, nhưng cuối cùng cô cũng không thành công với dự định "xóa sổ" trí nhớ của mình. Cảm giác kỳ quái ấy vẫn chẳng hề biến mất.

Năm 1988, giáo sư George R Brown, một cựu chuyên gia tâm lý quân đội đã nghĩ ra khái niệm "bay vào sự siêu nam tính" nhằm miêu tả sự hấp dẫn khó hiểu của việc phục vụ trong quân đội đối với người chuyển giới.

"Đối với một số người, chỉ việc đăng ký nhập ngũ không thôi là chưa đủ. Họ cố tình chọn cho mình công việc nguy hiểm nhất có thể".

Tuy nhiên, do là một quân nhân nên những người chuyển giới như Jane có thể sẽ phải giữ im lặng về vấn đề này mãi mãi.

Người chuyển giới tin rằng nếu tham gia quân đội, họ có thể "tăng thêm sự mạnh mẽ và nam tính", đồng thời giúp bản thân trở nên "bình thường" như bao đồng nghiệp khác.

Nhưng khi họ nhận ra những cảm giác kỳ quái của mình sẽ không bao giờ mất đi thì môi trường quân ngũ lại khiến họ cảm thấy không được chào đón.

Để có thể tồn tại trong quân ngũ, Jane phải dành thời gian nghiên cứu kỹ càng hành động của những đồng nghiệp nam tính của mình, thu thập thông tin và manh mối nhằm hành động "đúng chuẩn" để không khiến người khác chú ý.

Điều đáng mỉa mai là chính vì thói quen luôn để ý tới từng chi tiết của Jane đã khiến cho cô trở thành một phi công xuất sắc.

Giờ đây, Jane vẫn đăng ký lại mỗi năm hai lần để có thể tiếp tục phục vụ trong quân đội. Mỗi lần như vậy, cô phải nâng tay phải lên và thề bảo vệ hiến pháp Mỹ.

Cô yêu việc phụng sự cho Tổ quốc, nhưng mỗi lần nâng tay phải lên và thề, cô đều tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục thề như vậy thêm bao nhiêu lần nữa - khi mà chính cô cũng không thể sống thật với bản thân dù chỉ là một giờ, một phút?

Những dự định cho tương lai

Chạy trên con đường gần nhà, Jane lên kế hoạch chi tiết cho những việc sẽ diễn ra trong ngày hôm nay. Nhưng cô cũng lật lại những kế hoạch khẩn cấp cho vài sự việc không thể tiên đoán trước:

Cô sẽ trả lời thế nào khi bị hỏi những câu hỏi tế nhị, cô sẽ làm thế nào nếu một người nhất định trong đơn vị phát hiện ra bí mật của mình, và làm thế nào để thông báo bước chuyển sắp tới cho mẹ của cô được biết?

Khi những người hàng xóm bắt đầu tỉnh giấc, Jane tựu nhẩm lại danh sách người thân và bạn bè, xác định ai sẽ chào đón sự xuất hiện của "Jane" và ai sẽ không chấp nhận cô. Cô đã bắt đầu tỏ ra xa cách với một số người nhất định.

Sự nghiệp mà Jane yêu thích đã khiến cô phải tạm hoãn lại một phần cuộc sống của mình. Giờ đây, điều cô mong mỏi nhất chính là có thể hoàn toàn trở thành một con người khác - giống như nhân vật đã xuất hiện trong bộ phim cô đã từng xem cách đây 35 năm trước.

Jane đã có một kế hoạch hoàn chỉnh trong đầu. Cô sẽ kiên nhẫn để chờ đợi quân đội thay đổi quy định cấm người chuyển giới, đồng thời xin chuyển sang một đơn vị mới cách xa nơi này để bắt đầu một cuộc sống tự do hơn

Nguồn Soha: http://soha.vn/goc-khuat-dau-long-cua-nhung-phi-cong-chuyen-gioi-tai-my-20160723115417316.htm