Góc khuất buồn ở ngôi làng tỷ phú

Giờ đây, làng buôn đồng nát xuyên biên giới ngày nào đã trở thành làng tỷ phú với hàng trăm biệt thự, siêu xe bạc tỷ. Nhưng đằng sau sự giàu có của nhiều gia đình là không ít góc khuất buồn. Có người đã phải đánh đổi cả mạng sống khi mưu sinh xứ người.

Làng tỷ phú Diễn Tháp

Làng tỷ phú Diễn Tháp

Từ vùng đất nước ngập và đói kém, nhờ sự nhạy bén cộng với một chút “máu liều”, người dân ngôi làng này đã nhanh chóng thay đổi cuộc sống.

Làng “đại gia”

Nằm cách khá xa trung tâm huyện nhưng Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) có diện mạo khang trang hơn hẳn nhiều thị xã, thành phố khác. Hai bên đường dẫn vào xã là những dãy nhà biệt thự liền kề nằm san sát nhau. Trước những ngôi nhà mặt đường là dãy xe tải chờ “ăn” hàng xuất khẩu sang Lào.

Mặt hàng người dân nơi đây chủ yếu đưa sang nước bạn gồm đồ nhôm nhựa, chăn, chiếu, đệm, sắt, thép... Những mặt hàng này một phần được nhập vào các sạp hàng ở chợ, còn phần lớn sẽ chất sau những chiếc xe máy rong ruổi khắp phố xa đến các bản làng để phục vụ nhu cầu của người dân nước Lào.

Người dân nơi đây cho hay, mỗi chuyến hàng như vậy có khi kéo dài đến cả tháng trời. Dù cực nhọc, nhưng doanh thu đem lại rất lớn. Diễn Tháp thậm chí còn có tên trong danh sách những làng giàu nhất của Việt Nam theo đánh giá của một số nhà xã hội học và chuyên gia kinh tế.

Nhìn lại quá khứ, chỉ cách đây vài thập kỷ, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Trước những năm 1990, Diễn Tháp được xem là xã nghèo của huyện Diễn Châu. Đây là nơi đồng không mông quạnh, quanh năm nước ngập. Người dân hầu hết làm nông, chật vật kiếm sống.

Trong làng còn có nghề đúc đồng lâu đời nên cứ xong vụ mùa, già, trẻ, trai, gái trong làng lại đổ đi khắp nơi gom đồng nát về phục vụ nghề. Trong những chuyến đi xa đó, họ còn mua luôn nhiều mặt hàng khác như lông vịt, dép nhựa hỏng, bao bì, chai lọ… về nhập cho các xưởng chế biến kiếm thêm thu nhập.

Thấy nghề gom đồng nát kiếm kiếm tiền hơn làm ruộng nên nhà nhà, người người tập trung đi làm. Thời điểm ấy, phế liệu bên Lào nhiều, lại rẻ nên một số người bắt đầu sang nước bạn thu mua. Sau nhiều lần “trúng đậm”, nhận thấy đây là nguồn lợi lớn, người dân Diễn Tháp ồ ạt kéo nhau sang Lào.

Lúc đầu, họ vận chuyển đồng nát bằng xe máy, rồi gửi xe khách, sau đó sắm ô tô để đi thu gom. Sau công đoạn phân loại, tái chế, hàng lại được họ đưa sang Lào bán với giá cao. Nhờ việc nắm bắt thị trường tốt, cộng với một chút “liều”, người dân làng này đã đưa một số mặt hàng từ Việt Nam sang Lào bán. Cuộc sống bắt đầu thay đổi rõ rệt.

Thời điểm Diễn Tháp chuyển mình rõ rệt nhất là năm 2000. Năm đó Diễn Tháp bắt đầu có nhiều nhà tầng, biệt thự khiến dân quanh vùng không khỏi ngạc nhiên. Trong thời gian ngắn, cơ sở hạ tầng nơi đây đã “lột xác”. Những dãy biệt thự nằm san sát thành một con phố dài dọc trung tâm xã.

Theo thống kê, toàn xã Diễn Tháp hiện có gần 1400 lao động đang buôn bán, làm việc tại Lào với độ tuổi từ 20 đến 50. Hơn 1/3 trong số đó là hộ giàu, sắm ô tô bạc tỷ và đại lý kinh doanh. Hầu như gia đình nào cũng xây được nhà khang trang.

Bà Huệ rơi nước mắt khi nhắc đến người con trai gặp nạn nơi xứ người

Trong đó phải kể đến cơ ngơi hàng tỷ đồng của anh Trần Hùng, ngụ xóm 5. Trước khi trở thành “đại gia” có tiếng ở Lào, anh Hùng từng trải qua cuộc sống cơ cực. Cách đây chừng 20 năm, anh đánh liều theo đám bạn sang Lào làm ăn. Lúc đầu, vốn ít, buôn bán nhỏ, dần dần anh tạo dựng được một đại lý lớn, mua 2 ô tô chở hàng và hơn chục nhân công phân loại phế liệu, bốc dỡ hàng hóa có mức thu nhập khá mỗi tháng.

Nhờ sự nhanh nhạy, khôn khéo kinh doanh nên ngoài những tỷ phú U40, U50, ngôi làng này còn có nhiều ông chủ, bà chủ trẻ thuộc thế hệ 9X. Như anh Ngô Sỹ Quyết (1995, ngụ xóm 5). Xuất thân từ cảnh nghèo nhưng sau một thời gian mưu sinh bên nước Lào, chàng trai này đã có xe ô tô con và xe tải vận chuyển hàng. Hay như anh Ngô Sỹ Vinh (SN 1995, ngụ xóm 9) cũng đã xây dựng được cơ ngơi riêng nhờ sang Lào làm ăn.

“Sinh nghề, tử nghiệp”

Nhưng trong hàng nghìn lao động sang Lào làm ăn, buôn bán thành công, đã có những người không may gặp rủi ro, bị tai nạn, thậm chí mất mạng trên đất khách quê người.

Một trong số đó là anh Lê Văn Yên, ngụ xóm 8. Anh Yên cùng 10 người nữa là nạn nhân tử vong trong vụ nổ xe khách xảy ra vào tháng 6/2016 tại Lào. Theo mẹ anh Yên, đến nay việc giải quyết đền bù vẫn chưa xong. Gạt nước mắt, bà Phạm Thị Huệ (SN 1950, mẹ anh Yên) nói:

“Đành rằng không có số tiền cụ thể nào đánh đổi được mạng người, nhưng con trai tôi là trụ cột gia đình. Nó mất đi để lại người vợ, hai đứa con thơ cùng mẹ già, đã đẩy gia đình tôi rơi vào bi kịch khó khăn”.

Theo chia sẻ của người mẹ, anh Yên sang Lào làm ăn được 7 năm thì gặp nạn. Trong quá trình làm việc, dù không giàu có như nhiều người khác, nhưng gánh hàng của anh ở xứ người đã nuôi cả gia đình. Giờ anh mất đi, cả gia đình như chới với giữa dòng nước.

“Số tiền hàng hơn 400 triệu đồng, người ta còn nợ bên Lào đến nay gia đình tôi vẫn chưa đòi lại được. Sau khi con trai tôi mất, con dâu tôi có nhờ người cùng sang bên đó lấy nợ nhưng họ nhất quyết không trả. Vì con trai tôi không còn nữa nên chúng tôi sợ cơ hội để lấy lại khoản nợ đó rất mong manh”, bà Huệ cho biết.

Việc người đàn ông trụ cột của gia đình không may gặp nạn khiến cuộc sống của vợ con anh Yên rất chật vật. Bà Huệ cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, vợ anh Yên ở nhà trông hai con, mở quán tạp hóa kiếm thêm thu nhập. Công việc khá thuận lợi. Nhưng từ khi anh Yên mất, không hiểu vì sao quán tạp hóa của gia đình bỗng vắng khách hẳn. Bà Huệ thở dài: “Từ khi gia đình gặp chuyện buồn, người ta ít đến mua hàng hẳn, trong khi chúng tôi vẫn buôn bán với giá bình thường”.

Hay trường hợp của chị Hồ Thị Lý (SN 1964). Gia đình chị Lý mới cất được ngôi nhà khá khang trang nằm ở cuối làng. Nhưng trước đó chị Lý cũng phải đánh đổi nhiều giọt nước mắt. Hơn 20 năm qua, một mình chị gồng gánh nuôi 3 đứa con và người chồng ốm yếu. Chồng chị sau thời gian đi bộ đội về đã phát bệnh thần kinh, không làm được việc gì. Do vậy, mọi công việc trong nhà đều do chị đảm nhận.

Thấy công việc đồng ruộng vất vả lại chỉ đủ ăn, chị theo hàng xóm sang Lào buôn bán. Nhờ sự chịu khó, tần tảo nên hơn 6 năm làm ăn nơi xứ người, một tay chị đã nuôi các con ăn học đàng hoàng, lo thuốc men cho chồng. Chưa hết, người phụ nữ ấy còn gây dựng được cơ ngơi khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Chị Lý chia sẻ những năm tháng vất vả tại Lào

“Lúc trước, mỗi chuyến hàng của tôi kéo dài đến vài tháng, nhưng vài năm trở lại đây, do bị tiểu đường nên hàng tháng tôi phải về Việt Nam để đi khám, lấy thuốc. Làm ăn bên đó có tiền nhưng đòi hỏi mình phải siêng, chịu khó. Cũng nhờ buôn hàng sang Lào mà tôi mới nuôi được chồng con, chứ làm ruộng không biết khi nào mới có căn nhà mới mà ở”, chị Lý chia sẻ.

Ông Đậu Xuân Mạnh, Phó chủ tịch xã Diễn Tháp cho hay, theo thống kê sơ bộ, đến nay toàn xã có khoảng 10 trường hợp không may gặp nạn, tử vong khi đang làm ăn tại Lào. ““Sinh nghề, tử nghiệp” đó là chuyện không ai muốn nhưng con số đó cũng khiến chính quyền đau đầu, băn khoăn, là nỗi mất mát lớn với các gia đình mất người thân”, ông nói.

Ông Đậu Xuân Mạnh, Phó chủ tịch xã Diễn Tháp cho biết thêm, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,03%. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào các hộ gia đình tàn tật, già cả, tâm thần. Còn gia đình nào có người trong độ tuổi lao động đều khá giả. Nhờ đi Lào, đời sống người dân từ nghèo đã trở nên khấm khá hơn.

Ông Mạnh khẳng định, tuy giàu có nhưng ở Diễn Tháp không có tệ nạn xã hội. Từ chuyện trộm cắp vặt, đánh bài ăn tiền đến ma túy, buôn lậu… hầu như không có suốt chục năm nay.

Một điều đặc biệt là dù sống trong môi trường đủ đầy về vật chất nhưng con em Diễn Tháp vẫn phát huy đức tính tiết kiệm, cần cù, và nuôi ý chí thăng tiến. Diễn Tháp là xã luôn nằm trong tốp đầu về tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng so với các xã trong huyện. Mỗi năm xã này có chừng 30 em đậu các trường đại học trên cả nước.

Long Trần

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/goc-khuat-buon-o-ngoi-lang-ty-phu-326611.html