Gỡ vướng hậu tái định cư vùng Tây bắc - Kỳ 1

“Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, vùng Tây Bắc đã phải di chuyển một lượng lớn dân cư ra khỏi vùng ngập lòng hồ các công trình thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Huổi Quảng, Bản Chát, Bản Vẽ. Người dân về nơi ở mới, tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng vẫn còn không ít khó khăn, cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước để từng bước nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.

ĐỔI THAY TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

Xây dựng các công trình thủy điện là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và được người dân vui vẻ đồng thuận. Bà con dân tộc về nơi ở mới được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang, giao thông đi lại thuận lợi, con cháu được học gần trường, ốm đau và bệnh tật gần trung tâm nên được chữa trị kịp thời...

Cơ bản xóa nhà tạm

Lai Châu là tỉnh phải di dời hơn 6.500 hộ dân để xây dựng các công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát. Tái định cư, nhà cửa được xây dựng vững chắc, sạch sẽ, người dân sắm sửa các vật dụng trong gia đình, có nước hợp vệ sinh và con em được đi học gần nhà... Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Các hộ gia đình lên nơi ở mới, 100% dựng nhà kiên cố, vững chắc, sạch sẽ, có công trình nước hợp vệ sinh. Hiện nay, các hộ dân được cấp đất sản xuất, hỗ trợ ổn định đời sống. Khi có chủ trương chuyển bản nào khỏi vùng ngập thì Ban tái định cư tiến hành đo kiểm đếm cẩn thận không để thiệt cho dân, sau đó khảo sát mặt bằng và san ủi cấp đất cho dân dựng nhà”.

Nhà dân trong các điểm tái định cư được quy hoạch xây dựng khang trang.

Ở bản Gia, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) có 96 nóc nhà, sau gần 6 năm chuyển lên bản mới, đời sống người dân dần ổn định. Hiện nay, dân bản đã có điện thắp sáng, có nhà văn hóa, có điểm trường mầm non, có bể chứa nước sinh hoạt, nhà vệ sinh tự hủy, hầu hết các gia đình đều có ti vi và xe máy. Trưởng bản Lò Văn Dụng, 51 tuổi, dân tộc Thái chia sẻ: “Dân bản về nơi ở mới khá hơn, có nhà mới vững chắc, con em đi học gần trường, an ninh trật tự được đảm bảo”.

Chúng tôi có mặt tại bản Phiêng Nèn 2, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), từng dãy nhà sàn của người Thái được quy hoạch theo hàng lớp trông đẹp mắt. Trưởng bản Điêu Chính Vương đưa chúng tôi đi thăm một vài gia đình khá giả, trong ngôi nhà sàn kiên cố, có đầy đủ ti vi, xe máy, tủ lạnh... Ông Vương cho biết: “77 hộ tái định cư lên được gần 8 năm, bản Phiêng Nèn giờ không có hộ nghèo. Ra chỗ mới, đi lại thuận lợi hơn, gần trung tâm huyện nên bà con ốm đau bệnh tật được chữa trị kịp thời. Trường học, chợ gần nhà, thuận tiện cho con cái tới trường và giao thương mua bán. Tái định cư được cấp 350 m2, ngoài diện tích làm nhà, các hộ còn trồng rau, chăn nuôi lợn, gà... đời sống của người dân tốt hơn nhiều”.

Trường lớp khang trang

Trưởng bản Lò Văn Dụng phấn khởi khi nói về trường lớp kiên cố, thuận lợi cho con cháu tới trường học chữ. Ông cho biết, nơi ở cũ điểm trường mẫu giáo và tiểu học tạm bợ, dựng bằng tre, gianh, vách nứa. Mỗi khi mưa to gió lớn, cho con cháu đi học, phụ huynh và giáo viên lo lắng vì lớp học không an toàn, có hôm phải nghỉ học. Vào năm học mới, dân bản và giáo viên lại phải họp bàn, vận động, người góp công, người góp tiền tu sửa trường lớp để con em có chỗ học. Tái định cư được xây trường mới kiên cố, người dân yên tâm gửi gắm các con ăn, học tại trường... Chúng tôi có mặt tại một số điểm tái định cư thủy điện của tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, người dân ai cũng vui mừng vì trường lớp được đầu tư xây dựng kiên cố khang trang, sạch đẹp.

Tái định cư, trường lớp được xây dựng kiên cố, sạch đẹp, học sinh bán trú không phải ở lều gianh tạm bợ.

Rời bản Hỳ, chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu). Hiệu trưởng Hoàng Quang Hưng dẫn tôi tham quan một vòng quanh trường, thầy tâm sự: “Là người quản lý lâu năm, tôi đã từng mơ về một ngôi trường kiên cố khang trang, sạch đẹp để cô trò có điều kiện dạy và học được tốt hơn. Nhờ vào chính sách xây dựng vùng tái định cư thủy điện, trụ sở nhà trường được xây dựng 2 tầng kiên cố, thoáng mát như thế này!”.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Ta Gia chuyển lên điểm tái định cư mới đầu năm 2014, số lượng học sinh tăng lên hàng năm, học sinh bán trú có nhà xây để ở... Năm học 2015 - 2016 có 430 học sinh và dự kiến năm tới có 470 học sinh, trước khi chuyển trường là 370 em. Theo thầy cô giáo, chuyển lên trường mới số lượng và chất lượng học sinh có chuyển biến tích cực. Phụ huynh quan tâm đến việc học của con cái hơn. Thầy Hưng cho biết, nhìn thấy học sinh có chỗ ăn, chốn ở đàng hoàng trong lòng thầy cô phấn khởi, không còn lo nghĩ mỗi khi mưa to gió lớn đổ về. Con đường học chữ của các em học sinh vùng cao như được bớt khổ, không còn gian nan nữa...

Trong 2 ngày 14 và 15/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trên địa bàn. Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Lai Châu là tỉnh có nhiều công trình thủy điện lớn đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn, đã đóng góp nguồn điện năng to lớn cho cả nước. Lai Châu đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư phục vụ các công trình thủy điện, tạo điều kiện để bà con ổn định sản xuất và đời sống, có đất ở, đất sản xuất, có việc làm. Tổng Bí thư ghi nhận những kiến nghị chính đáng của tỉnh Lai Châu, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào tái định cư thủy điện.

Kỳ 2: Tái nghèo vì “phố hóa”

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su/go-vuong-hau-tai-dinh-cu-vung-tay-bac-ky-1-20160725230408743.htm