Gỡ khó giúp y tế biển, đảo phát triển

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm; có vùng nội thủy, lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích hơn một triệu km2... Việt Nam xác định kinh tế biển là mũi nhọn ưu tiên phát triển. Vì vậy, việc phát triển y tế biển, đảo nhằm vừa thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, người lao động trên biển vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương đầu tư cho phát triển mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe lực lượng vũ trang và người lao động đang sinh sống, hoạt động trong vùng biển, đảo Việt Nam; giúp người dân an tâm làm ăn, sinh sống, bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua bốn năm triển khai Đề án, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Nhờ đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên các huyện đảo, xã đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giúp người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng hơn. Thống kê cho thấy, trên toàn tuyến biển, đảo các lực lượng dân y, quân y đã thực hiện cấp cứu, điều trị cho hàng chục nghìn lượt người bệnh; khám bệnh, phát thuốc điều trị cho hàng trăm nghìn người; phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp; tổ chức hàng chục chuyến bay trực thăng và chuyến tàu quân sự vận chuyển người bệnh an toàn về đất liền…

Chương trình “Cùng ngư dân bám biển” được cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tích cực tham gia quyên góp mua tặng hàng nghìn tủ thuốc cho các nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt xa bờ của các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng. Hàng loạt đề án đang được triển khai, từ việc luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về giúp đỡ tuyến dưới theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” đến xây dựng “ngân hàng máu” trong cộng đồng dân cư trên các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa... Từ năm 2015 đến nay Bệnh viện Bạch Mai tổ chức đào tạo, chuyển giao 17 gói kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu thuộc 11 chuyên ngành: cấp cứu, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần, thận tiết niệu, thận nhân tạo, hóa sinh, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, nội soi tiêu hóa, dược, quản lý bệnh viện cho lực lượng Quân y Hải quân. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức đào tạo, cập nhật chuyên môn tại các đơn vị Quân y Hải quân, hỗ trợ Viện Y học Hải quân qua hệ thống trực tuyến; triển khai hỗ trợ phương tiện vận chuyển cấp cứu, trang thiết bị y tế cho Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo Bạch Long Vĩ, huyện đảo Lý Sơn…

Thông qua kinh phí dự án “Kết hợp quân dân y” cũng bổ sung trang bị kỹ thuật số có thể kết nối hệ thống Telemedicine cho phòng mổ của trung tâm y tế quân dân y các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Phú Quý và xã đảo Thổ Châu và nhiều trang thiết bị y tế chăm sóc chuyên khoa cho các huyện, xã đảo. Hệ thống Telemedicine kết nối giữa huyện đảo Bạch Long Vĩ với Viện Y học biển và Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, xử lý kịp thời một số ca bệnh hiểm nghèo.

Lực lượng quân y của các đơn vị quân đội và ngành y tế các địa phương đã triển khai tuyên truyền cho người dân biết tự bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra khơi; tập huấn cho ngư dân biết cách phòng tránh bệnh tật và biết tự cấp cứu khi bị thương; biết trang bị và sử dụng thuốc điều trị thông thường trên biển; tổ chức và huấn luyện các đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng tăng cường ra biển… Đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân sống ở ven biển, trên các huyện đảo, xã đảo. Riêng các địa phương có huyện đảo đã quan tâm đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế, chế độ chính sách cho nhân viên y tế công tác tại các huyện đảo.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Một số mục tiêu của đề án vẫn chưa được triển khai, trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều. Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực phấn đấu để triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Hiện nay, y tế ở các huyện đảo, xã đảo, các ngành kinh tế biển, lực lượng vận tải biển, lực lượng bảo vệ trên biển… mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là khi có thiên tai thảm họa và những tình huống đặc biệt xảy ra như tai nạn, những bệnh lý cấp tính… Các đơn vị chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp trên biển; trang thiết bị chuyên dụng và thuốc thiết yếu thiếu; việc phổ cập kiến thức về y học biển cho lực lượng còn hạn chế; ý thức chủ quan, kiến thức tự bảo vệ sức khỏe của người lao động, ngư dân trên biển vẫn còn là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư riêng cho Đề án 317. Ngân sách đầu tư cho y tế biển, đảo thời gian qua còn dàn trải và chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương và các bộ, ngành cho nên chưa có nguồn lực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Để triển khai được các nhiệm vụ, nội dung của Đề án giai đoạn 2017 - 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo Phạm Lê Tuấn cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền các địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch tổng thể, kế hoạch hằng năm và các dự án để triển khai. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức, điều phối hệ thống vận chuyển cấp cứu trên biển bằng các phương tiện do các địa phương, bộ, ngành quản lý; đề xuất chủ trương đầu tư đóng mới, hoán cải tàu biển hiện có để có đủ điều kiện cấp cứu, điều trị trên các tàu quân sự, cảnh sát biển; đầu tư cho một số cơ sở cấp cứu biển để thực hiện nhiệm vụ đề án đề ra. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và UBQG Tìm kiếm cứu nạn xây dựng các phương án tổ chức, huy động phương tiện tàu thuyền, máy bay phục vụ công tác cấp cứu, cứu nạn trên biển; tăng cường công tác kết hợp quân dân y củng cố y tế cơ sở, xây dựng các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội.

Các bộ, ngành rà soát, xây dựng dự án nâng cao năng lực các trung tâm y tế để phục vụ y tế biển, đảo; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn viện trợ, ODA… và bố trí ngân sách ưu tiên để triển khai các hoạt động của Đề án. Đối với các địa phương ven biển cần rà soát, kiện toàn kế hoạch triển khai thực hiện theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 317, bổ sung các dự án vào danh mục đầu tư công của địa phương và chủ động bố trí ngân sách từ nhiều nguồn để thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tăng cường kết hợp quân dân y trong củng cố y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng, chống dịch bệnh và góp phần xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/32652502-go-kho-giup-y-te-bien-dao-phat-trien.html