Gỡ khó cho du lịch đường sông

Cần có nhiều chính sách thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng bến bãi để loại hình du lịch đường sông có thể phát triển được như kỳ vọng... Đây là những kiến nghị của đại biểu tại hội thảo “Du lịch đường sông – hướng phát triển đặc sắc du lịch TP Hồ Chí Minh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 22/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn vướng mắc

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, phát triển du lịch đường sông là chủ trương đã có từ lâu, ngành du lịch cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư tour tuyến nhưng hiện chưa phát triển đúng tiềm năng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất để phát triển du lịch đường sông hiện còn nghèo nàn, hệ thống cầu tàu, bến bãi còn thiếu và yếu; nguồn nước của kênh rạch còn ô nhiễm, bị lấn chiếm; khu vực trung tâm cảnh quan đẹp nhưng đi xa hơn cảnh quan còn đơn điệu chưa thu hút du khách…

“Mặc dù đã có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển du lịch đường sông, xong hiệu quả chưa cao. Nếu như năm 2011 có khoảng 37 doanh nghiệp với 130 phương tiện tham gia phát triển du lịch đường sông thì nay đã giảm còn 19 doanh nghiệp với 100 phương tiện tham gia. Vì vậy, cần phải có nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích hợp lý để tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch đường sông”, ông Vũ cho biết.

Muốn du lịch đường sông phát triển, Thành phố cần kêu gọi xã hội hóa với chính sách kêu gọi thông thoáng, minh bạch (ảnh chụp khu vực bến Nhà Rồng bên sông Sài Gòn).

Được xem là đơn vị tham gia khai thác tour tuyến du lịch đường sông từ khá sớm nhưng đến nay hoạt động du lịch đường sông của Saigontourist vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty du lịch Sài Gòn, cho biết du lịch đường sông nằm trong chiến lược phát triển của đơn vị. Cuối 2012, Saigontourist được UBND Thành phố chỉ đạo chủ lực khai thác du lịch đường sông. Theo đó, cũng đã có nhiều đơn vị thành viên khai thác loại hình du lịch này.

Tháng 6/2013, Saigontourist thực hiện giới thiệu chào bán 7 tour đường sông và đã đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm thông qua việc phát hành miễn phí các ấn phẩm liên quan bằng các ngôn ngữ đến khách du lịch tại các cơ sở lữ hành, khách sạn, nhà hàng… Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên kết quả du lịch đường sông của đơn vị trong những năm qua chưa đạt kì vọng như ban đầu.

Theo ông Bình, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống cầu tàu, bến bãi, các điểm dừng chân, dịch vụ dọc hai bên bờ, độ tĩnh không thông thuyền của các cây cầu… chưa hoàn thiện. Ngoài ra, với tính đặc thù, giá tour đường sông cao hơn tour đường bộ nên cũng chưa thu hút khách, tính phối kết hợp giữa các bên liên quan trong việc khai thác sản phẩm cũng có những hạn chế.

Kêu gọi xã hội hóa

Để phát triển du lịch đường sông, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, chính quyền cần tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp tham gia.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, muốn du lịch đường sông phát triển và trở thành thương hiệu của TP Hồ Chí Minh, trước hết cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân, chính quyền về du lịch đường sông. Ngoài ra, muốn du lịch đường sông phát triển bền vững thì tất cả các vấn đề về cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ đi theo phục vụ loại hình du lịch này cần được thực hiện xã hội hóa.

Trong đó, chính quyền chỉ cần quy hoạch nơi bến đỗ của các loại thuyền để doanh nghiệp thực hiện. Chính quyền cũng cần ban hành những cơ chế trong sáng, minh bạch mới kêu gọi được doanh nghiệp tham gia.

“Mặt khác, chúng ta phải xây dựng được các âu tàu (bến đậu, cầu tàu) ngay trung tâm thành phố, bởi âu tàu là điểm nhấn, là điều kiện cần có cho du lịch đường sông phát triển và nó làm cho thành phố sang trọng. Một khi có âu tàu cho tàu thuyền neo đậu thì các doanh nghiệp mới có điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch đi kèm. Thành phố cũng cần “làm mồi” để đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch đường sông, việc đào tạo nguồn nhân lực đường sông nó khác hẳn nguồn nhân lực trên đất liền”, ông Thọ cho biết.

Tương tự, đại diện Tập đoàn Trung Thủy cũng chia sẻ rằng chính sách quản lý đường sông của thành phố hiện nay quá chặt chẽ, nghiêm ngặt nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Trên một dòng sông mà có quá nhiều nơi kiểm tra, kiểm soát khiến nhiều loại chi phí đè nặng lên doanh nghiệp đầu tư vào du lịch đường sông dẫn đến doanh nghiệp “ngại” tham gia. Vì vậy, muốn phát triển du lịch đường sông, rất mong chính quyền thành phố sẽ tạo cơ hội thông thoáng để kêu gọi hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Một khi doanh nghiệp tham gia mà có lời thì sẽ lôi cuốn các doanh nghiệp khác cùng vào đầu tư.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, cho biết đã xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có giá trị gia tăng cao theo định hướng phát triển của thành phố. "Để trở thành mũi nhọn phải có nhiều việc phải làm, trong đó phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch để du khách đến rồi quay lại thành phố. Phải triển du lịch du lịch đường sông là mục tiêu để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Có thể mời cả chuyên gia nước ngoài để tư vấn cho thành phố xây dựng quy hoạch du lịch đường sông"

Theo ông Phong, đây là điều cấp bách phải làm nhưng không thể làm một sớm một chiều, nhưng các đơn vị cần bắt tay làm ngay, với mục tiêu vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Theo đó, trước hết thành phố sẽ rà soát lại quy hoạch dọc đường sông Sài Gòn, tạo hành lang thông thoáng cho du khách thưởng ngoạn các thắng cảnh xung quanh dòng sông. Về bến đậu cho các tàu du lịch, cần kết hợp với trạm xe buýt, taxi; phân luồng giao thông không làm ách tắc giao thông trên bến dưới thuyền; đồng thời quy hoạch bến đậu có tầm nhìn và hiện đại.

Hoàng Tuyết

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/du-lich/go-kho-cho-du-lich-duong-song-20161122174556970.htm