Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

Ngày 27/7, tại Tp.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân Tp.HCM đã tổ chức hội nghị giao ban tình hình xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2009.

Theo Bộ Công Thương, đơn hàng doanh nghiệp đã có, sức mua tăng trở lại do vậy việc thiết yếu hiện nay là doanh nghiệp cần có chiến lược xúc tiến thương mại tốt hơn, cụ thể hơn. Như nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, trong khi GDP, thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp tăng thì xuất khẩu lại giảm. Trong 7 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 32,3 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kì 2008. Mục tiêu xuất khẩu cả nước trong năm 2009 là 64,6 tỷ USD. Như vậy, 5 tháng còn lại xuất khẩu phải đạt 32,3 tỷ USD. Sụt giảm kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là do yếu tố giá giảm. Hiện nay, các doanh nghiệp đều tỏ ra rất lo lắng cho hoạt động của các ngành nghề trong 5 tháng còn lại của năm. Mặc dù như nhận xét, nền kinh tế thế giới đang từng bước thoát ra thời kì khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự chấm hết chuỗi ngày gian nan, một hệ lụy để lại của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Thứ trưởng Biên nhận định, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong 5 tháng cuối năm sẽ khốc liệt hơn, khi nền kinh tế các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hồi phục sớm hơn dự kiến, nhất là Trung Quốc. Tiếp đó, “hàng rào” về kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu được dựng lên ngày một dầy hơn, như đạo luật nông trại, đạo luật an toàn cho người tiêu dùng (Mỹ); tại thị trường EU thì có quy định về hóa chất và an toàn hóa chất, nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện tại thị trường Mỹ, tôm sú Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với tôm của Thái Lan. Trong những tháng vừa rồi, tại Nhật Bản vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kháng sinh đang giám sát rất kĩ vì vậy 100% hàng nhập vào phải qua kiểm tra. Mặc dù thị trường Nga đã mở, nhưng cũng không thể kỳ vọng “cứu” ngành thủy sản trong những tháng cuối năm. Châu Âu là thị trường lớn nhưng cũng chỉ hấp thụ khoảng 1,5 tỷ USD. Năm nay, ngành thủy sản phấn đấu đạt từ 4 - 4,2 tỷ USD, không thể đạt được 4,5 tỷ USD như kế hoạch đầu năm. Đại diện Tổng công ty May Nhà Bè cho hay, doanh nghiệp ngành may đang đối mặt với thiếu vốn, 90% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, các đơn hàng phải trả tiền ngay. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu ít nhất phải 30 ngày, thậm chí đến 60 ngày sau khi giao hàng mới lấy được tiền. Ngành chế biến gỗ cũng đang đau đầu về tình hình xuất khẩu. Dù đơn hàng cho những tháng tới doanh nghiệp đã có lác đác nhưng xét về giá lại giảm rất nhiều. Công tác xúc tiến của ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ, như kiến nghị của ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Tp.HCM (Hawa), rất cần sự hỗ trợ về vốn và những kho ngoại quan tại các thị trường, từ đó giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn việc bán hàng. Từ nay đến cuối năm, nên tập trung vào thị trường truyền thống là Mỹ, EU, chưa vội thâm nhập vào các thị trường mới. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM nhận định rằng hiện nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi mà khó khăn chung chưa dừng lại. Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn rất khó khăn do cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ rất ít do không đáp ứng được về khâu thủ tục nên mới chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ được vay nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Vì vậy, rất cần chính sách thông thoáng và có tính xuyên suốt từ doanh nghiệp đến các bộ ngành. Một số thị trường mới như Nga, Cuba, Ba Lan có nhu cầu nhập hàng Việt Nam nhưng do phương thức thanh toán, cơ chế nên người mua và bán chưa thể gặp nhau. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ hai bên.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20090728095724634p0c10/go-kho-cho-doanh-nghiep-xuat-khau.htm