Gỡ bỏ quy định cấm người mẫu, hoa hậu chụp ảnh khỏa thân

Trước thông tư mới ban hành bãi bỏ quy định cấm người mẫu, người đẹp chụp ảnh khỏa thân, nhiều nhà nhiếp ảnh và người mẫu cho rằng, đây là bài học cần rút kinh nghiệm cho nhà quản lý. Là bởi, những gì thiếu thực tế hoặc không phù hợp thì sẽ bị loại thải. Trước khi ban hành một quy định nào đó, cần chú ý đến tính khả thi thay vì cấm xong rồi lại bỏ.

Người vui mừng, kẻ thờ ơ

Bộ VHTTDL vừa ban hành Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL sửa đổi và bãi bỏ một số điều chưa hợp lý của Thông tư 01/2016-BVHTTDL. Theo đó, Thông tư số 10 bãi bỏ Khoản 1 Điều 3 của Thông tư 01 quy định hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, phổ biến, lưu hành việc chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.

Như vậy, với điều chỉnh này, người mẫu, người đẹp đã đạt danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp và những người tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sẽ không bị điều chỉnh bởi quy định cấm chụp và phổ biến ảnh khỏa thân trên mạng viễn thông. Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 1.1.2017.

Nghệ sĩ dễ đi quá ranh giới mong manh giữa chụp ảnh nghệ thuật và khiêu dâm (ảnh minh họa).

Đa số các nhà nhiếp ảnh đều đồng tình với việc điều chỉnh thông tư lần này. Lý do, ngay từ khi ra thông tư trên, đã có nhiều ý kiến phản đối. Số đông công nhận nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tăng cường giám sát hoạt động của giới hoa hậu, người mẫu. Tuy vậy, quy định ban đầu chưa rõ ràng khiến những người hoạt động nghệ thuật, thời trang không phân định được đâu là giới hạn giữa nghệ thuật và sự phản cảm. Ngoài ra, nhiều người thắc mắc, liệu các người đẹp chưa đoạt danh hiệu có thể chụp và phổ biến ảnh nude trên mạng viễn thông hay không.

Với các người mẫu, họ không sợ bị phạt và chuyện chụp ảnh nude “đương nhiên” không có gì phải bàn. Tuy nhiên, quy định này khi được gỡ bỏ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà nhiếp ảnh. Cũng có người vui mừng, song cũng có người thờ ơ. Khi được hỏi ý kiến, Thái Phiên - nhà nhiếp ảnh chuyên chụp nude - đã từ chối trả lời và cho rằng, nên hỏi lại phía nhà quản lý tại sao lại ra những quy định lạ lùng như vậy. Bản thân ông không quan tâm đến những chuyện bên lề, mà dành thời gian để làm nghệ thuật, thay vì tranh cãi hay yêu cầu này nọ.

Nghệ sĩ và nhà quản lý đừng vội…

Nhà nhiếp ảnh Tam Thái nhìn nhận: “Vấn đề chụp ảnh nude tôi không quan tâm lắm, chỉ là chuyện vô thưởng vô phạt, ai thích thì theo. Tuy nhiên, về mặt pháp luật, phải có sự nhất quán ngay từ đầu, vì mỗi quyết định đưa ra đều có những ảnh hưởng không nhỏ đến các thành phần liên quan. Nên rút kinh nghiệm về sau. Khi đưa ra chủ trương nào cũng phải cân nhắc kỹ. Về chụp ảnh nude, mỗi xã hội, mỗi đất nước đều có một quan niệm riêng theo truyền thống văn hóa. Với phương Tây thì rất thoải mái, nhưng ở một nước mang đậm truyền thống Á Đông như Việt Nam, quan điểm đó có phần khác. Ai thích chụp thì cứ theo, không vấn đề gì đối với xã hội. Còn chuyện triển lãm có được mở để giới thiệu với công chúng thì theo tôi, không có cũng được. Bởi chụp ảnh nude đôi khi là con dao hai lưỡi. Chụp ảnh nghệ thuật khỏa thân đành rằng là tôn vinh cái đẹp chứ không quá lộ liễu, không quá mang màu sắc nhục dục như ảnh sex, song ở đây người ta còn hay nhìn nhận ở phương diện đạo đức. Con cháu sẽ nghĩ sao khi bậc lớn tuổi đi xem triển lãm ảnh nude chẳng hạn. Thế cho nên, theo tôi, đừng vội. Nhà nhiếp ảnh đừng vội, hãy chờ để có những tấm hình đẹp nhất, mang tính nghệ thuật tồn tại với thời gian. Về phía nhà quản lý cũng đừng vội. Muốn đánh giá về ảnh khỏa thân, cần lập một hội đồng thẩm định, để đưa ra những nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật, không nên quy chụp dưới góc nhìn khác”.

Nhà nhiếp ảnh Bá Hân bình luận: “Thực ra, tôi không chụp ảnh nude, có chăng chỉ là trong thời gian đi học ở Mỹ. Bản thân hình ảnh phụ nữ đã là một tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa, nhiều đồng nghiệp của tôi đã chọn thể loại này và nên tôn trọng họ. Mặc dù vậy, chụp ảnh nude cũng gặp nhiều chuyện khổ tâm, bị hiểu lầm, thị phi. Nhìn chung, chụp ảnh nude đòi hỏi nguyên tắc làm nghệ thuật riêng. Tại sao người họa sĩ, nhà điêu khắc đều có thể dùng mẫu nude để vẽ tranh, nặn tượng, còn nhà nhiếp ảnh thì coi như vào vùng… cấm? Đành rằng ảnh chụp thường thật hơn, dễ đi quá ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm, song nói gì thì nói, người nghệ sĩ nhiếp ảnh không vi phạm pháp luật là được. Quan trọng hơn, giữa nhà nhiếp ảnh và người mẫu phải có thỏa thuận rõ ràng để tránh những kiện tụng không đáng có sau này, về việc phát tán ảnh khỏa thân mà không xin phép người mẫu hay lợi dụng danh nghĩa làm nghệ thuật để làm chuyện khác… Khi muốn đem một bức ảnh nude đi triển lãm, bản thân tác giả phải xin phép người mẫu chứ không có chuyện chụp ảnh trả tiền là có thể… tùy nghi sử dụng. Nên cẩn trọng trong mọi chuyện…”.

MINH THI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/go-bo-quy-dinh-cam-nguoi-mau-hoa-hau-chup-anh-khoa-than-611495.bld