Giúp người lao động vượt qua khủng hoảng kinh tế

"Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động sâu sắc đến tất cả các quốc gia, trong đó công nhân lao động là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Nguy cơ mất việc và thiếu việc làm vẫn đang là thách thức to lớn đối với người lao động và tổ chức công đoàn".

Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN trao đổi với khách quốc tế tại hội thảo. (LĐ) - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế "Khủng hoảng kinh tế thế giới và hành động của công đoàn (CĐ) trong việc đảm bảo việc làm cho người lao động (NLĐ)" tại Hà Nội ngày 27.7. Hội thảo có sự tham gia của 23 tổ chức CĐ đến từ 18 quốc gia ở 5 châu lục. Suy thoái kinh tế: Gánh nặng đè lên vai NLĐ Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính, thất nghiệp trên thế giới sẽ còn tiếp tục tăng, với số người mất việc từ 190 triệu năm 2007 lên 210 triệu năm 2009. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2008 VN có 67.000 LĐ mất việc làm, trong đó LĐ nữ chiếm 25%. Riêng trong quý I/2009, có hơn 65.000 LĐ mất việc làm và 39.000 người thiếu việc làm. Tại Cuba, NLĐ cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu cũng như giá cả các mặt hàng xuất khẩu chính yếu liên tục suy giảm, tác động đến nguồn thu ngân sách, ông Raymundo N.Fernandez - Ủy viên Ban Thư ký quốc gia Trung tâm NLĐ Cuba - cho biết. Bên cạnh đó, Cuba còn phải đương đầu với lệnh cấm vận kéo dài và vô lý nhất trong lịch sử do Mỹ áp đặt suốt 50 năm qua. "Chúng tôi hiểu rõ phong trào CĐ cần phải có những biện pháp mạnh mẽ để đương đầu với khủng hoảng" - ông cho hay. Tại Trung Quốc, tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính đã làm mất hơn 15% việc làm kể từ quý IV/2008, theo ông Li Zhipei - Trưởng ban Bảo hộ lao động, Tổng Công hội Trung Quốc. Chủ tịch Trung tâm phối hợp Công đoàn Ấn Độ, ông G.R.Shivashankar, cho rằng, các nước thuộc thế giới thứ ba là đối tượng chủ yếu chịu sự bất bình đẳng kinh tế. "Các số liệu thống kê cho thấy 1% dân số thế giới sở hữu hơn 40% của cải toàn thế giới, trong khi 50% dân số thế giới sống trong nghèo đói và sở hữu 1% của cải" - ông dẫn chứng. Vẫn theo ông Shivashankar, do khủng hoảng, hàng nghìn DN phải đóng cửa mỗi ngày và người sử dụng LĐ đưa ra các quyết định dãn thợ lớn mà không xem xét đến luật lao động hiện hành. Giúp NLĐ vượt "bão" Tại VN, Tổng LĐLĐVN đã kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ LĐ mất việc do "cơn bão" khủng hoảng kinh tế. Chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ DN và NLĐ mất việc. Ngoài ra, các cấp CĐ luôn cố gắng nắm bắt kịp thời về tình hình LĐ mất việc, phân loại LĐ để có giải pháp với từng đối tượng khác nhau, cũng như đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm cho NLĐ mất việc... Theo đề xuất của Liên hiệp CĐ Thế giới (WFTU), để NLĐ không phải gánh chịu hậu quả của khủng hoảng cần chấm dứt các chương trình vũ trang và giảm thiểu các chi phí quân sự; tăng cường đầu tư công; tăng cường nguồn lực trực tiếp cho NLĐ; mở rộng quyền lao động... Tổng Thư ký WFTU, ông George Mavrikos, đồng thời kêu gọi các nước giàu nên xóa nợ cho các nước thế giới thứ ba. "Cuộc khủng hoảng hiện nay mang tính chất toàn cầu và không một đất nước nào có thể thành công trong việc đẩy lùi nó một cách đơn độc. Các quốc gia, các tổ chức CĐ cần tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi và hợp tác để cùng vượt qua cuộc khủng hoảng" - ông Li Zhipei - đại biểu Trung Quốc nhấn mạnh. Phương Thủy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/giup-nguoi-lao-dong-vuot-qua-khung-hoang-kinh-te/20097/148725.laodong