Giúp đồng bào Khmer tự lực vươn lên từ mảnh đất nghĩa tình

Những năm qua, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh được thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào Khmer đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện; tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, dân số toàn tỉnh hiện có hơn một triệu người; trong đó, đồng bào Khmer chiếm 31,5%. Đa số đồng bào Khmer làm nghề nông, tuy nhiên, nhiều người phải cầm cố, bán đất dẫn đến thiếu đất và không đất để sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh còn hơn 14 nghìn hộ nông dân không có đất sản xuất, trong đó có hơn 6.000 hộ là người dân tộc Khmer. Không có đất sản xuất, đồng bào phải duy trì cuộc sống bằng cách làm khác nhau. Đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để chuyển ngành nghề sang chăn nuôi, mua bán nhỏ, trồng nấm rơm, đan đát, đốt than gáo dừa… bước đầu đã phát huy hiệu quả. Đối với lực lượng lao động trẻ, họ có thể vào các khu công nghiệp. Riêng những lao động trung niên đã quen nghề nông, thì làm những công việc quen thuộc nghề như: làm đất, cấy sạ lúa, phun thuốc trừ sâu, làm cỏ, cắt lúa, hái ớt, thu hoạch bắp… Công việc này có tiền công thấp và người làm công thường lâm vào tình trạng thất nghiệp khi trái mùa, trái vụ.

Để giúp đồng bào Khmer vốn quen làm nghề nông có đất sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tỉnh Trà Vinh đã huy động các đoàn thể vận động những người nhiều đất, có thu nhập khá trong xóm, ấp giúp đỡ hộ nghèo không đất trên tinh thần “tình làng nghĩa xóm”, cho mượn đất để trồng các loại cây ngắn ngày xen vào giữa các vụ chính. Tuy nhiên, cách làm này chỉ giải quyết khó khăn tạm thời. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ đồng bào Khmer trong tỉnh có đất ở, đất sản xuất…

Chúng tôi về thăm huyện Cầu Kè, nơi có hơn 32,6% đồng bào Khmer sinh sống. Ông Thạch Buôl Nát, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cầu Kè, cho biết: Trên địa bàn huyện, hiện có 07/10 xã và 01 thị trấn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Huyện có 10 ấp được công nhận là ấp đặc biệt khó khăn. Đến nay, đã cấp đất ở cho 257 hộ, diện tích gần 109 nghìn m², với tổng kinh phí gầ 8.500 tỷ đồng; giải ngân cho 68 hộ vay vốn chuộc đất sản xuất, với tổng kinh phí hơn hai tỷ đồng. Nhìn chung, đa số các hộ sau khi có đất sản xuất đã phát huy được hiệu quả, kinh tế gia đình ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Xã Phong Phú, huyện Cầu Kè là địa phương có nhiều hộ được hỗ trợ vay vốn chuộc đất giải quyết việc làm theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg. Ông Huỳnh Tấn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Sau hơn hai năm nhận vốn chuộc đất, hơn 50% số hộ đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Riêng ở ấp 3, có 04/08 hộ nghèo được vay vốn chuộc đất đã thoát nghèo và có tích lũy trong sản xuất nhờ kết hợp với các nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các mô hình chăn nuôi bò, heo và gia cầm.

Chị Thạch Thị Lành (ấp 3, xã Phong Phú) phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: năm 2014, gia đình được Nhà nước hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng, chị chuộc lại 2.000m2 đất đã cầm cố từ năm 2009, với số tiền 15 triệu đồng; 5 triệu đồng còn lại chị đầu tư nuôi gà, rồi chuyển sang nuôi heo. Sau khi nhận đất về, gia đình bắt tay ngay vào sản xuất lúa ba vụ/năm. Thu nhập từ sản xuất lúa, chăn nuôi gà, heo và được vay thêm 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư năm 2016, gia đình mua được đàn bò ba con. Hiện, cuộc sống gia đình tương đối ổn định và thoát khỏi hộ nghèo từ năm 2015.

Anh Thạch Nhiên (cùng ngụ ấp 3, xã Phong Phú) cho biết: Anh rất vui và biết ơn Nhà nước đã hỗ trợ vay vốn chuộc lại đất sản xuất. Năm 2015, gia đình anh thoát nghèo và bắt đầu có cuộc sống ổn định. Anh Nhiên giãi bày: năm 2009, để lo cho hai đứa con trong độ tuổi ăn học, vợ chồng anh buộc phải cầm cố 3.500m2 đất trồng lúa để trang trải cuộc sống. Không có đất canh tác, cả gia đình phải đi thuê đất để sản xuất và làm thuê mới đủ sống qua ngày. Năm 2014, được Nhà nước cho vay 30 triệu đồng để chuộc lại đất sản xuất, vợ chồng anh tiến hành sản xuất ba vụ lúa/năm; bình quân cho năng suất bảy tấn/ha. Vui nhất là hiện nay các con của anh đã tốt nghiệp Trung cấp Y tế và THPT. Không những vậy, gia đình đã thêm tiền góp vào nguồn vốn vay 167/CP để cất được căn nhà tương đối khang trang.

Để căn nhà tình nghĩa của Nhà nước cất cho cha mẹ khang trang hơn, chị Thạch Thị Pha Ly (ấp 3, xã Phong Phú) đã phải cầm 3.000m2 đất trồng lúa. Không còn đất sản xuất, mà phải lo cho ba đứa con nhỏ học hành… cuộc sống gia đình chị ngày càng gặp nhiều khó khăn. Chị rất mừng vì năm 2016 được Nhà nước hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để chuộc lại đất sản xuất. Ngoài sản xuất lúa, hằng ngày chị tranh thủ làm thuê cho các hộ chung quanh; hiện gia đình không còn là hộ nghèo nữa.

Thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua hàng nghìn hộ Khmer nghèo trong tỉnh Trà Vinh được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn sản xuất, học nghề… để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm; từ 23,63% vào năm 2011 xuống còn 7,61% vào năm 2016; riêng vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 33,4 triệu đồng/người/năm.

ĐẶNG VĂN BƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34137902-giup-dong-bao-khmer-tu-luc-vuon-len-tu-manh-dat-nghia-tinh.html