Giúp doanh nghiệp phát huy lợi thế cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) đang có sức lan tỏa sâu và rộng hơn bao giờ hết. Nếu phát huy được những lợi thế do cuộc cách mạng này mang lại, chắc chắn doanh nghiệp (DN) sẽ có được cơ hội để thật sự bứt phá. Ngược lại, những DN không chuẩn bị cho bối cảnh mới rất có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

DN lớn đã tiếp cận

Theo GS C.Soáp, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), về bản chất, CMCN 4.0 là cuộc công nghiệp số hóa, thông qua các công nghệ như in-tơ-nét vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR) hay phân tích dữ liệu lớn (SMAC),… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Nó không chỉ đơn thuần là sự kéo dài của cuộc CMCN lần thứ 3, mà là những biến đổi vô cùng to lớn về tốc độ, phạm vi và sự tác động có tính hệ thống.

Đặc biệt, tốc độ biến đổi của cuộc CMCN lần này nhanh chưa từng có, theo cấp số nhân và thậm chí là số mũ, gây biến đổi mọi nền công nghiệp ở tất cả các quốc gia, đồng thời tạo nên sự thay đổi về bản chất của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản trị DN. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo, ngoài những tác động to lớn và tích cực, CMCN 4.0 cũng tạo ra không ít tác động tiêu cực, trong đó có việc làm sâu sắc hơn sự phân hóa giữa các DN. Cụ thể, DN nào biết chú trọng đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển công nghệ hiện đại,… mới có thể tồn tại và phát triển. Vậy DN Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào trước “làn sóng” đổi mới công nghệ mạnh mẽ này?

Có thể thấy, những DN lớn, nhất là DN viễn thông, công nghệ thông tin đang có sự chuẩn bị tốt hơn do được tiếp cận thường xuyên với công nghệ, đồng thời có lợi thế vượt trội về nguồn lực. Thí dụ, một trong những yếu tố quan trọng của CMCN 4.0 chính là kết nối toàn cầu dựa trên nền tảng viễn thông và trong lĩnh vực này, DN Việt Nam đã bắt kịp với thế giới. Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nếu trước đây, Việt Nam mất gần 20 năm để có mạng viễn thông 2G, 10 năm để xây dựng mạng 3G thì với 4G, Viettel đã hoàn thành triển khai chỉ trong sáu tháng.

Mới đây, VNPT Technology, đơn vị chủ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cũng đã ký kết thành công thỏa thuận sử dụng bản quyền công nghệ với Qualcomm - Tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị viễn thông. Theo đó, VNPT Technology sẽ được sử dụng hàng loạt bằng sáng chế liên quan đến các công nghệ về WCDMA (công nghệ đa truy cập trong 3G), 4G, 5G,… có giá trị toàn cầu của Qualcomm để thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như điện thoại thông minh, thiết bị truy nhập vô tuyến, thiết bị 3G/4G-LTE cũng như các sản phẩm, thiết bị IoT,...

Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng khẳng định: Qualcomm nắm giữ nhiều công nghệ hàng đầu thế giới, nhất là các công nghệ di động đang thúc đẩy sự phát triển mang tính cách mạng của ngành thông tin di động toàn cầu, tạo tiền đề cơ bản và quan trọng dẫn đến cuộc CMCN 4.0. Được sử dụng sáng chế của Qualcomm, VNPT Technology chắc chắn sẽ nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến, đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc chuẩn bị hạ tầng và nguồn lực cho cuộc CMCN 4.0.

DN nhỏ còn gặp khó

Phần lớn các DN còn lại, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV) đều bỡ ngỡ và gặp phải thách thức không nhỏ trước cuộc CMCN mới, mà nguyên nhân xuất phát từ chính “sức khỏe” nội tại của DN. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội (HASMEA) Mạc Quốc Anh cho biết: Cộng đồng DN Việt Nam chỉ bắt đầu phát triển từ những năm 1990, khi thế giới đã bước một chặng đường dài trong cuộc CMCN lần thứ 3. Có thể nói, DN Việt Nam chưa bao giờ tham gia một cuộc CMCN thật sự, vì thế rất khó cảm nhận rõ những tác động do một cuộc CMCN mang lại.

Trong khi đó, các DN cũng không có được những thông tin cụ thể, chi tiết về cuộc CMCN đang diễn ra, hoàn toàn không biết mình đang đứng đâu, cần gì. Thông tin là một phần, nhưng để DN có thể “vượt sóng” thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó có nguồn lực về con người, nền tảng công nghệ, cơ sở hạ tầng và nhất là tài chính,… vốn là những hạn chế cơ bản của DNNVV Việt Nam. Vì vậy, DN không thể đứng lẻ loi trước “cơn sóng” mạnh mẽ này mà cần có sự hỗ trợ rõ ràng, hiệu quả, sự định hướng cụ thể từ phía Nhà nước.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNNVV đang chiếm khoảng 97% tổng số DN của Việt Nam với nhiều hạn chế cơ bản như quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, mức vốn chỉ ở mức từ bốn đến bảy tỷ đồng/DN; trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu;…

Theo khảo sát, 80 đến 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 – 1990; khoảng 75% số máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi đó, với những đòi hỏi về nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng những đổi thay hằng ngày về mặt công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, buộc các DN phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều này, DN cần có đủ nguồn lực tài chính, công nghệ, con người để tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ số, nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức sản xuất.

Các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần đưa ra một chiến lược cụ thể với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ các DN, nhất là DNNVV có đủ năng lực để tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ số, nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức sản xuất; ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ các DN trong nước tiếp nhận chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ cơ bản của CMCN 4.0. Trong đó, thay vì chỉ chú trọng hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị, cũng cần có những hỗ trợ nhiều hơn đối với những hoạt động chuyển giao phần mềm như tri thức, kỹ năng vận hành cũng như năng lực cải tiến các công nghệ được chuyển giao.

Theo kết quả khảo sát gần đây của HASMEA, hơn 80% số DN tại Hà Nội bày tỏ sự quan tâm và đánh giá, cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như hoạt động của cộng đồng DN nói riêng;… Tuy nhiên, 79% số DN cho biết, họ chưa chuẩn bị gì để đón làn sóng này; chỉ có 19% số DN đã xây dựng kế hoạch ứng phó và 12% số DN đang triển khai.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32936702-giup-doanh-nghiep-phat-huy-loi-the-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html