Giúp công nhân hiểu luật

Với nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật đa dạng, các cấp công đoàn (CĐ) ở TPHCM đã chủ động đưa kiến thức pháp luật xuống cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), giúp họ hiểu luật để hạn chế hành xử sai.

Đoàn công tác của Ban Quản lý KCN-KCX TPHCM và cơ quan chức năng quận 7 (TPHCM) trao đổi với công nhân về các quy định của pháp luật trong một cuộc tranh chấp lao động tập thể.Ảnh: L.T

Nhu cầu lớn nhưng ít thời gian

“Mấy hôm trước, trong lúc ăn cơm, cả nhóm tụi em phát hiện mâm cơm có con dòi, lại có mùi ôi. Tụi em chụp hình lại, mang lên phòng nhân sự khiếu nại. Thông tin cơm có dòi lan ra, công nhân (CN) tụ tập lại rất đông, hỏi ra thì bữa cơm của CN có giá 12.000 đồng, bao gồm cả công nấu! Khi nghe thông tin đó, một nữ CN mạnh dạn đứng lên phát biểu. Bạn ấy dẫn nghị quyết của Tổng LĐLĐVN về bữa ăn ca có giá ít nhất phải 15.000 đồng. Bạn đọc to cho các CN nghe. Ai nấy đều vỗ tay hoan hô, ban giám đốc thì… cứng họng! Em ngưỡng mộ ghê. Biết các quy định như bạn ấy thật là thích. Cái gì liên quan đến quyền lợi của mình mà luật quy định, Cty không thực hiện, mình biết thì mình đòi liền” - chị Nguyễn Thị Bé (ở trọ trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, làm việc tại KCN Tân Bình) chia sẻ.

Không chỉ chị Bé, rất nhiều CN mong muốn được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật nhưng không có thời gian hoặc không biết bắt đầu tìm hiểu từ đâu, điều khoản nào, luật nào cần thiết với mình để mà đọc. Chị Trần Thị Dung - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Kollan (KCX Linh Trung 1, TPHCM) - chia sẻ thêm, CN muốn tìm hiểu pháp luật nhưng không có thời gian. “Nên có các chương trình tập huấn cho cán bộ CĐ, tổ trưởng tổ CĐ, từ đó họ tranh thủ thời gian nghỉ trưa, về nhà trọ hoặc trên đường đi làm về, họ tư vấn lại cho CN, như vậy sẽ hiệu quả hơn” - chị Dung nói.

Mới đây, CĐ các KCX-KCN TPHCM và Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM vừa ký kết chương trình phối hợp tư vấn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ. Hai bên sẽ cùng phối hợp để trang bị kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý theo từng trường hợp hoặc phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại các doanh nghiệp (DN) trong KCX-KCN và Khu công nghệ cao. Hình thức tư vấn qua email, qua điện thoại, gặp gỡ trực tiếp, báo cáo viên tại DN, phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền.

Ông Nguyễn Thành Đô - Chủ tịch CĐ KCN-KCX TPHCM - cho rằng, trước mắt sẽ tập trung vào các đơn vị có số lượng đoàn viên, CNLĐ lớn, các đơn vị thường xuyên xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật về lao động. “Tuyên truyền không chỉ cho CN làm đúng, mà còn để cho DN hiểu rằng, CN có biết luật, bên cạnh đoàn viên, CNLĐ còn có tổ chức CĐ, DN cần hành xử đúng luật, chính điều này sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa” - ông Đô nói.

Cần tận dụng mạng xã hội để tuyên truyền

Bên cạnh các chương trình của CĐ cấp trên cơ sở, các CĐCS cũng có nhiều hoạt động tư vấn pháp luật cho đoàn viên của mình. Đơn cử, tại Cty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung 1), CĐCS có nhiều hình thức phổ biến pháp luật phù hợp với thời gian làm việc của đoàn viên, NLĐ. CĐCS đưa kiến thức pháp luật xuống cho CN bằng cách trao đổi và giải đáp chính sách pháp luật trên bản tin CĐ. Các câu hỏi, đáp trong bản tin liên quan trực tiếp đến các vấn đề mà CN hay gặp phải như hợp đồng lao động, phép năm, lương tối thiểu vùng… nên CN đón đọc rất nhiệt tình. Nắm vững luật, chắc chắn CN có thể tự giám sát quyền lợi cơ bản nhất mà mình được hưởng.

Tại các đơn vị thuộc TCty Dệt may Gia Định, kiến thức, văn bản mới về chính sách pháp luật lao động luôn được cập nhật và niêm yết công khai ở những nơi mà CN thường lui tới, tụ tập đông như nhà ăn, nơi rửa tay. Thông tin niêm yết được CĐCS biên tập ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhằm giúp CN có thể nắm chắc vấn đề mình quan tâm. Thông qua hệ thống loa phát thanh ở các xưởng, CĐCS cũng lựa chọn những vấn đề sát sườn nhất đến đời sống của CN để tuyên truyền.

Theo chị Trần Thị Dung, một kênh tiếp cận hiệu quả với CN hiện nay là Facebook nhưng chưa được tận dụng triệt để. “Ngày nay, CN nào cũng có điện thoại thông minh, họ có tham gia những nhóm trên Facebook như nhóm nhà trọ, nhóm đồng hương, nhóm cùng Cty… Việc đưa các tình huống pháp luật lên các nhóm này cũng là một cách tuyên truyền hiệu quả mà mình cần hướng đến” - chị Dung chia sẻ.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/giup-cong-nhan-hieu-luat-650212.bld