'Giúp Campuchia, Việt Nam phải hy sinh rất nhiều'

TP - 'Vì giúp đỡ Campuchia, Việt Nam phải hy sinh bao nhiêu quân tình nguyện, bị bao vây, trừng phạt kinh tế, chính trị, ngoại giao...', Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định ngày 27/12.

Thủ tướng Hun Sen nói chuyện với khoảng 700 cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam từng sang giúp đỡ Campuchia. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Thủ tướng Hun Sen khẳng định tính đúng đắn và sự giúp đỡ quý báu của quân dân Việt Nam tại Hà Nội sáng 27/12, khi nói chuyện thân mật bằng tiếng Việt với khoảng 700 cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam từng sang giúp đỡ và chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Thủ tướng Hun Sen nói ông “không biết bắt đầu từ đâu vì thời gian chỉ chưa đầy 1 tiếng mà tôi cần ít nhất 300 tiếng đồng hồ, thậm chí 300 ngày mới nói hết tất cả những gì đã xảy ra” trong quan hệ hai nước.

Trong thời điểm nhân dân Campuchia chuẩn bị kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979), Thủ tướng Hun Sen hồi tưởng những ngày đầu tiên ông sang Việt Nam vào năm 1977, khi mới là một chiến sĩ 25 tuổi, góp phần xây dựng tình cảm thân thiết, tin cậy giữa ông với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen kể lại thời gian được làm việc với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cố Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cố Đại tướng Văn Tiến Dũng…, những người đã giúp ông gây dựng ngọn cờ chính trị để xây dựng lực lượng cách mạng Campuchia.

Tính đến cuối năm 2013, tổng vốn đăng ký của Việt Nam vào Campuchia là hơn 3 tỷ USD với 126 dự án, gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với trước năm 2010. Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, khai khoáng, tài chính, ngân hàng, hàng không và viễn thông. Việt Nam xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

“Quân dân Campuchia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế. Nếu Campuchia tự giải phóng thì dân Campuchia chết hết rồi”, Thủ tướng Hun Sen nói.

Khẳng định tính đúng đắn và sự giúp đỡ quý báu của quân dân Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen nói rằng, khi các trùm diệt chủng Khmer Đỏ như Nuon Chea, Khieu Samphan... bị xử trước tòa án quốc tế, “người ta mới thấy rõ sự đúng đắn của Việt Nam”.

Nói về thời kỳ sau giải phóng, Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia đi theo con đường phát triển kinh tế khác với Việt Nam. “Việt Nam và Campuchia có đàm phán, có trao đổi ý kiến, nhưng quyền quyết định thuộc về Campuchia. Việt Nam tôn trọng độc lập chủ quyền, tôn trọng quyết định của Campuchia”, Thủ tướng Hun Sen nói.

Thủ tướng Hun Sen khẳng định, quan hệ Việt Nam - Campuchia sẽ không thay đổi, dù đất nước liên tục đổi thay. “Từ ngày tôi làm Bộ trưởng Ngoại giao chỉ nhận được 16kg lương thực (10kg gạo, 6kg ngô) mỗi tháng, đến nay đã có nhiều phương tiện tốt hơn. Nhưng Hun Sen không thay đổi, cho dù kẻ thù luôn tấn công vào quan hệ Việt Nam - Campuchia. Ngay cả chuyến đi này của tôi sang Việt Nam cũng bị kẻ thù xuyên tạc”, ông Hun Sen nói.

Để tiếp nối quan hệ gắn bó tình cảm giữa hai nước, Thủ tướng Hun Sen cho rằng, con cháu của các cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam nên sang thăm Campuchia, thăm những nơi mà cha anh mình chiến đấu, hy sinh ở Campuchia để hiểu những gì đã xảy ra. Con trai của Thủ tướng Hun Sen cũng sang Việt Nam trong dịp này và thăm những nơi cha mình từng hoạt động cách mạng.

“Không có hôm qua thì không có ngày nay. Không có ngày nay thì không có ngày mai. Nếu không có ngày 2/12/1978 (ngày thành lập Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia) thì không có ngày 7/1/1979 (ngày lật đổ chế độ Pol Pot) thì sẽ không có ngày hôm nay”, Thủ tướng Hun Sen nói.

Mời gọi Việt Nam tăng cường đầu tư

Sau buổi nói chuyện kéo dài thêm nửa tiếng so với kế hoạch, Thủ tướng Hun Sen đến thăm Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), tại tòa nhà BIDV, Hàng Vôi, Hà Nội. khẳng định luôn hoan nghênh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, Chính phủ Campuchia đang cải cách triệt để trong lĩnh vực hành chính, quản lý đất đai, pháp luật và hệ thống tư pháp, nâng cao hệ thống phần mềm, phần cứng, tạo cơ sở đầu tư, thương mại ngày càng hiệu quả.

Campuchia mở rộng cơ hội đầu tư kinh tế cho mọi thành phần, không phân biệt trong và ngoài nước, và mở cửa toàn diện như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông..., trong khi nhiều nước trên thế giới không cho người nước ngoài đầu tư 100% vào những lĩnh vực này.

“Thay mặt chính phủ và nhân danh cá nhân, tôi thực lòng khen ngợi, đánh giá cao tất cả các nhà đầu tư Việt Nam đã quyết định đầu tư vào Campuchia, bất chấp khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu”, Thủ tướng Hun Sen nói. “Tôi xin khẳng định Campuchia luôn giữ lập trường cổ vũ mọi dự án đầu tư vào Campuchia, đồng thời tiếp tục duy trì mục tiêu mở rộng hợp tác kinh tế, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho các nhà đầu tư và kinh doanh”.

TRÚC QUỲNH

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/665856/giup-campuchia-viet-nam-phai-hy-sinh-rat-nhieu-tpp.html