Giúp bệnh nhân ung thư giảm đau đớn

Biểu hiện của đau đớn trong ung thư rất đa dạng, từ hiện tượng đau của các cơ quan nội tạng, đau do cảm giác tự thân, đau có nguồn gốc thần kinh đến đau do tâm lý của người bệnh.

Ảnh minh họa

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đau đớn: suy sụp về cơ thể, suy sụp về tinh thần, sợ chết, sợ bệnh viện, lo lắng về gia đình, về công việc, cảm giác bị người thân bỏ rơi..

Trong điều trị giảm đau do ung thư phải đề cập đến các phương pháp điều trị lồng ghép trong điều trị ung thư, có nghĩa: những phương pháp để điều trị bệnh ung thư, giảm thiểu tổng khối tế bào ác tính đồng thời cũng làm giảm đau đớn cho bệnh nhân. Khi khối u giảm đi, đau đớn sẽ bớt dần và các phương pháp làm giảm đau cũng được loại bỏ dần dần.

Xạ trị: phương pháp giảm đau rất có hiệu quả, nhất là đối với những khối u ở các vị trí hiểm hóc như: u trung thất, u xương... Hiệu quả giảm đau hoàn toàn hay một phần có thể thấy được trên 80% các bệnh nhân khi được chiếu tia. Hiệu quả này sẽ tăng lên, nếu như bệnh nhân được xạ trị sớm, trước khi khối u gây ra đau đớn. Tuy nhiên, do tình hình kinh phí eo hẹp như hiện nay, các cơ sở Y tế có khả năng trang bị máy xạ trị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần đông bệnh nhân vẫn phải chờ đợi, có khi đến một vài tháng, đó là điều rất khó trong điều trị ung thư, khi mà mạng sống của con người chỉ tính bằng tháng bằng ngày.

Điều trị bằng hóa chất và nội tiết: Hiệu quả giảm kích thước khối u và giảm đau rõ rệt trong những bệnh ung thư máu và các thành phần của máu như: bệnh Hodgkin, Lymphoma… Thời gian giảm đau đạt được sau khi điều trị dao động từ 3 - 14 ngày.

Giảm đau bằng các loại thuốc giảm đau: nền tảng cơ bản nhất trong điều trị. Có nhiều loại thuốc và nhóm thuốc được sử dụng, việc chọn lựa thuốc và liều ban đầu được dựa vào mức độ đau của bệnh nhân. Trước tiên nên dùng bằng đường uống. Thuốc cần được uống đúng giờ, không phải chỉ khi nào đau mới uống. Các loại thuốc này đều có tác dụng phụ rất ít và có thể tránh được.

Các thuốc giảm đau và hạ sốt thuộc dòng thuốc kháng viêm không phải Steroides và Aspirin: loại thuốc rất được ưa dùng tại Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên khi dùng cho bệnh nhân Việt Nam, rất nhiều tác giả đã khuyên nên phải cẩn thận vì tác dụng phụ của nó và sự dung nạp thuốc kém của người Việt Nam. Những tác dụng ngoài ý muốn của người thầy thuốc hay gặp nhất trong khi sử dụng các thuốc giảm đau nhóm này là: ăn không tiêu, nóng rát dạ dày, viêm dạ dày và nặng nhất là xuất huyết dạ dày, một biến chứng có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Các loại thuốc này có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện.

Các thuốc thuộc nhóm Acetaminophen: tác dụng giảm đau hạn chế hơn, nên phải kết hợp với các thuốc giảm đau khác như: kết hợp với codein, kết hợp với thuốc kháng viêm không steroides khác như: ibuprophen, idometacin… khi dùng liều cao cần cẩn thận vì độc tính gây viêm gan của thuốc.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/giup-benh-nhan-ung-thu-giam-dau-don-post181657.html