Giữ rừng Tây Nguyên - Cần tiếng nói chung

Pháp luật nước ta quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý; còn rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc vốn quý của quốc gia, cần được bảo vệ và khai thác sao cho thật hiệu quả về mọi mặt.

Lâu nay, phần lớn rừng được Nhà nước giao cho các nông, lâm trường, các ban quản lý rừng và cũng có lúc không ít diện tích rừng lại giao cho chính quyền địa phương quản lý...

Có thể nói, rừng ở địa bàn Tây Nguyên đã bị mất khá nhiều khi các chủ rừng được giao quyền quản lý không hiệu quả, thậm chí có người còn tìm nhiều cách để trục lợi từ rừng được giao. Nhiều chính sách giữ rừng, giao rừng chưa thiết thực để đem lại hiệu quả như mong muốn...

Ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, Gia Lai cho biết, đơn vị giao khoán hơn 7.600ha rừng cho dân làng bảo vệ thuộc 4 xã Ia Bá, Ia Tô, Ia Krai, Ia Khai (Ia Grai, Gia Lai) từ nguồn kinh phí dịch vụ rừng “rót” về.

Theo quy định bình quân mỗi hộ nhận khoán không quá 30ha, chi trả phí bình quân 260 ngàn đồng/ha/năm, chia đều bình quân mỗi tháng một hộ dân chỉ nhận khoảng 75 ngàn đồng để bảo vệ khoảng 30ha rừng, số tiền này mới đủ đổ một bình xăng xe máy. Chính sự bất hợp lý này mà người dân không mặn mà giữ rừng.

Có người cho rằng, một thời gian chúng ta giao rừng về cho chính quyền địa phương quản lý đã để mất hết rừng, bởi thực tế rừng đã bị thả nổi như “cha chung không ai khóc” (?!). Nhiều Chủ tịch UBND xã không hề biết diện tích rừng được giao cho mình, khi bị mất rừng thì quy trách nhiệm rất khó khăn.

Mặt khác, việc giao khoán rừng cho người dân thì giá tiền quá thấp, không đủ để sống mà giữ rừng. Tuy nhiên, Nhà nước không thể bỏ tiền ngân sách ra giao khoán bảo vệ rừng mà vấn đề cốt lõi là làm sao phải có nguồn thu từ rừng để bảo vệ rừng một cách bền vững.

Muốn vậy, Nhà nước phải có phương án phát triển rừng gắn với quản lý, sản xuất để tạo thu nhập cho người giữ rừng.

Nghĩa là Nhà nước phải có chính sách cụ thể cho người dân sống gần rừng được hưởng lợi từ rừng một cách thực sự như ngoài việc hỗ trợ kinh phí bảo vệ, người dân nhận giữ rừng còn được quyền sản xuất, canh tác diện tích đất dưới tán rừng, được khai thác lâm sản phụ, được trồng các loại rau, thảo dược phù hợp các loại, hoặc chăn nuôi... để thu nguồn lợi từ rừng một cách chính đáng mà giữ được rừng.

Lực lượng Công an và Kiểm lâm tăng cường phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng.

Ở các Vườn Quốc gia Yok Đôn, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, đây là những khu rừng quản lý nghiêm ngặt ở Tây Nguyên nhưng tình trạng vi phạm lâm luật vẫn xảy ra do người dân sống xung quanh vùng đệm lén lút vào vùng lõi của vườn để đốn hạ gỗ quý, khai thác săn bắt trái phép... Có những đối tượng “đầu nậu” (cầm đầu) lợi dụng, mua chuộc những người dân xung quanh rừng để thuê họ cảnh giới, chỉ đường khai thác gỗ...

Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho rằng, hiện ở vùng đệm Vườn Quốc gia này có khoảng gần 31 ngàn người sinh sống; hơn 80% cư dân trong vùng là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bah Nar sinh sống ở hai huyện KBang và Đăk Đoa, Mang Yang... nhưng đa số là những hộ nghèo thiếu vốn, thiếu đất để sản xuất, công ăn việc làm chưa ổn định, nhiều hộ sống dưới mức nghèo, đói.

Vì vậy, để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học một cách bền vững cần phải giải quyết triệt để được những mâu thuẫn gay gắt giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học với sự phát triển KT-XH, văn hóa truyền thống của cộng đồng ở địa phương.

Cần đổi mới cơ chế tài chính cho công tác bảo vệ rừng từ nhiều nguồn thu trong quản lý dịch vụ rừng, hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ việc phục hồi các ngành nghề truyền thống gắn với văn hóa truyền thống để kết hợp việc bảo vệ rừng với phát triển du lịch sinh thái.

Nhà nước phải có những chính sánh, quy định cụ thể việc chia sẻ lợi ích từ rừng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; người dân được tham gia bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ thành quả bảo vệ rừng như việc thu hái lâm sản phụ dưới tán rừng...

Theo ông Bùi Văn Quang, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), việc giao rừng cho cộng đồng làng sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện nay, rừng đặc dụng vẫn thiếu kinh phí để giao khoán cho cộng đồng làng, người dân nhận khoán không đủ sống từ rừng để bảo vệ và giao trọng trách cho họ.

“Thực tế, ngoài yếu tố con người, kinh phí phù hợp, cái cốt lõi giữ rừng quý phải được giải quyết bằng cách tạo cho môi trường sống của người dân xung quanh rừng một cách bền vững để họ có trách nhiệm với rừng và không thể không giữ rừng được”, ông Quang chia sẻ.

Trong hội nghị bàn giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra mục tiêu bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực này đến năm 2020 đạt 2,71 triệu hécta và nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,8%.

Đồng thời sẽ phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và giữ vững an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên.

Nhưng để đạt được mục tiêu đặt ra, trước hết phải xác định vai trò, trách nhiệm của người giữ rừng, cần mở rộng quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh và nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ đối với rừng sản xuất của chủ rừng, tăng thu nhập ổn định cho người làm nghề rừng nhằm bảo vệ, khôi phục được rừng, thúc đẩy, tạo động lực cho phát triển KT-XH của vùng Tây Nguyên.

Đặng Ngọc Như

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/bai-cuoi-can-tieng-noi-chung-401672/