Giữ gìn hình ảnh người cán bộ

Tác phong, cách sống, thái độ ứng xử của người cán bộ phản ảnh không chỉ riêng phẩm chất, tư cách của người đó mà còn là hình ảnh của cơ quan nhà nước, chính quyền, ngành nghề mà ông ta đang phục vụ. Vì thế, người cán bộ cần phải xử sự gương mẫu, giữ thể diện không chỉ cho chính mình

Ảnh mi họa. (Ngọc Diệp)

Gần đây, hiện tượng người nhà, con cháu, họ hàng của cán bộ lãnh đạo cùng trong một cơ quan, đơn vị, giữ cương vị và trọng trách nhất định ở cơ quan, địa phương đó khá phổ biến.

Hiện tượng này khiến người dân nghi ngờ về sự trong sáng, bất vị thân của công tác tổ chức cán bộ, gây nên dư luận không tốt cho chính quyền.

Mới nhất là một Giám đốc Bảo hiểm cấp huyện về hưu, được cơ quan tổ chức tiễn long trọng, Giấy mời dự đóng dấu đỏ. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã làm tổn hại không nhỏ hình ảnh của cơ quan nhà nước và cả cá nhân ông Giám đốc nữa.

Một sỹ quan Công an, Phó trưởng phòng ở một tỉnh, nhận chạy vào trường thuộc ngành Công an, chiếm đoạt của dân hơn 3 tỷ đồng. Đáng nói là ông này tiến hành một hành vi phạm pháp nhưng rất công khai, có “hợp đồng” đánh máy, chữ ký, chức vụ cùng với các điều khoản, cam kết rất rõ ràng.

Khi biết bị lừa, người dân tố cáo, cơ quan chủ quản xác định là tố cáo đúng. Ông này đã không biết giữ gìn thể diện của mình cũng như chính cái ngành mà ông đang công tác, phục vụ thực hiện một chức năng đặc biệt là bảo vệ pháp luật.

Một cán bộ, Phó ban Tổ chức huyện ủy uống rượu, lái xe gây tai nạn rồi bỏ đi. Dân đuổi theo, buộc phải quay lại hiện trường, chờ Công an đến xử lý.

Rõ ràng, đây là cách hành xử thiếu văn hóa, không đúng với tác phong của một người cán bộ và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đội ngũ cán bộ tại địa phương đó.

Xã hội chúng ta không ít tấm gương của cán bộ trong việc giữ gìn hình ảnh của mình. Đại tá Hoàng Xuân Vinh từ chối danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú”, đơn giản là ông đã được vinh danh tại quê hương mình.

Ngày nay, cử tri Đà Nẵng đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, việc này được nhiều người hưởng ứng, nhưng lúc sinh thời chính ông Nguyễn Bá Thanh từng từ chối vinh dự này.

Hoặc, một vị tướng quân đội là đại biểu Quốc hội, mới đây đã thẳng thắn vạch ra cái cơ chế “2 hệ thống sổ sách” khiến cơ quan Kiểm toán bất lực.

Ai cũng biết đến cái “cơ chế” không minh bạch này nhưng vạch ra thì không đủ dũng khí. Vị tướng quân đội đó giữ hình ảnh quân nhân của mình bằng một tác phong mạnh mẽ, nói thẳng, nói thật.

Xây dựng một chính quyền vững mạnh, hiệu quả, hợp lòng dân cần đến sự gương mẫu trong lối sống, tuân thủ pháp luật của từng cán bộ. Nếu khác đi, niềm tin của nhân dân giảm sút bắt đầu từ những chuyện “cá nhân” nhưng hết sức phản cảm của người cán bộ.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giu-gin-hinh-anh-nguoi-can-bo-d26238.html