Giữ gìn bản sắc trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới

ND- CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn là góp phần tạo nên động lực đẩy nhanh quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế đã và đang làm thay đổi cơ cấu xã hội, tác động sâu sắc tới văn hóa nông thôn. Vấn đề đặt ra là, phải làm gì để vừa xây dựng đời sống văn hóa mới, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Nông nghiệp và nông thôn nước ta có một vị trí và vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Văn hóa nông thôn - cội rễ là văn hóa làng - là điểm hội tụ; là bản thể của văn hóa Việt. Bởi lẽ, từ xa xưa, cộng đồng nhỏ của người Việt, là những xóm làng bé nhỏ, khoảng mấy chục hoặc mấy trăm nóc nhà. Hầu như mọi sinh hoạt kinh tế và tinh thần đều được diễn ra trong làng. Làng luôn là điểm tựa tinh thần cho mỗi con người, tình làng nghĩa xóm là một tài sản quý báu của nền văn hóa Việt. Trong tâm thức của mỗi người Việt, hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình, dòng sông, bến đò, rặng tre, cánh đồng... vô cùng gần gụi. Theo thời gian, nông thôn Việt - làng Việt giờ đây đã khác xưa nhiều lắm. Nền kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra mau lẹ, cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội biến đổi, quỹ thời gian của con người trở nên eo hẹp, không gian văn hóa làng Việt - nông thôn Việt cũng theo đó mà biến đổi dần. Vẫn còn đó hồn xưa trong lễ hội làng, nhưng các khu công nghiệp đã "tràn về" sát vách; những làng quê yên ả ngày nào, giờ đang rộn rã công trường xây dựng; những làng lúa, làng hoa ngày ấy, giờ là những khu đô thị, khu chung cư cao tầng đông người; không gian kiến trúc của làng cứ mất dần đi, nhiều nơi không còn tìm đâu ra cây đa giếng nước mái đình; các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng thưa vắng hoặc mai một dần và tệ nạn xã hội đang có xu hướng thâm nhập vào các tầng lớp dân cư nông thôn... Vẫn biết những thay đổi này là tất yếu, nhưng cũng đem đến dự cảm buồn cho những ai đã từng gắn bó với làng, văn hóa làng đượm hồn quê Việt. Làm gì để vừa xây dựng văn hóa mới vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Trong những năm qua, thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", cả nước có hơn 13 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", đạt tỷ lệ 80,67%; có 41.530/86.761 làng văn hóa, đạt tỷ lệ 47,87%. Nhiều mô hình điểm sáng văn hóa quy mô cấp huyện được xây dựng, góp phần tạo nên sự vững mạnh về mọi mặt của các địa phương và cả nước... Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, trong đời sống văn hóa ở nông thôn hiện nay vẫn còn những mặt tiêu cực mới nảy sinh. Bên cạnh đó, mức hưởng thụ văn hóa ở làng, xã còn thấp; còn có sự chênh lệch quá lớn giữa các khu vực, vùng miền. Theo một điều tra xã hội học, chi tiêu của người dân ở TP Hồ Chí Minh dành cho vui chơi, giải trí chiếm 30% thu nhập trong gia đình. Ở Hà Nội, Huế, tỷ lệ đó là 20%. Còn ở nông thôn, chi tiêu đó vô cùng nhỏ bé. Hình thức giải trí chủ yếu là xem truyền hình, nghe đài. Báo chí cho bạn đọc nông thôn cũng rất thiếu, có nơi hầu như không có... Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020". Đề án nêu rõ, phát triển văn hóa nông thôn trên cơ sở kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn; việc xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại phải bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp từng vùng, miền, từng dân tộc... Mục tiêu của đề án đưa ra rất cụ thể ở các lĩnh vực từ thể thao, văn hóa cho đến giáo dục pháp luật, đội ngũ cán bộ... Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện Đề án cần có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các địa phương vùng, miền. Đồng thời, để phát triển văn hóa nông thôn trong quá trình đô thị hóa đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể và được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Quan trọng hơn nữa là tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, những hương ước, quy ước tiến bộ, nhằm xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại. Từ mục tiêu đến hiện thực là một quá trình. Điều quan trọng nhất của việc xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa nông thôn là tạo ra những giá trị mới của nông thôn - một nông thôn hiện đại phải có những giá trị mới về kinh tế, văn hóa văn minh, hiện đại nhưng vẫn phải bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Mục tiêu của Đề án "Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" Đến năm 2015: Vùng đồng bằng có 50% người dân nông thôn tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao; 70% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 70% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 60% làng giữ vững và phát huy danh hiệu "Làng văn hóa"; 80% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa; 90% cán bộ văn hóa, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ. Vùng núi, hải đảo, biên giới có khoảng 30% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao; 50% nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 60% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 50% làng giữ vững và phát huy danh hiệu "Làng văn hóa"; 70% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa; 80% cán bộ văn hóa, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ. * Định hướng đến giai đoạn năm 2020: Phấn đấu 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=173836&sub=127&top=39