Giữ đất lúa bao nhiêu?

Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030 diện tích đất lúa cả nước tối thiểu cần giữ là 3,2 triệu ha với diện tích gieo trồng 6 triệu ha và năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha.

Ông Bùi Bá Bổng

Một vấn đề thời sự đặt ra là nên duy trì diện tích đất lúa bao nhiêu ở ĐBSCL từ diện tích đất lúa hiện nay 1,85 triệu ha?

Quy hoạch, sử dụng đất lúa

Nếu diện tích đất lúa cả nước tối thiểu 3,2 triệu ha thì đất lúa ở ĐBSCL cần duy trì tối thiểu ở mức 1,5 triệu ha, tức có thể chuyển sang mục đích khác 350.000 ha, gồm chuyển cho phi nông nghiệp (xây dựng cơ sở hạ tầng công ích) hoặc cho sản xuất chuyên canh thủy sản, cây ăn trái, cơ sở chăn nuôi... Việc chuyển đất lúa vĩnh viễn này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp phê duyệt để tránh chuyển đổi tự phát, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo phương án giữ đất lúa ở mức tối thiểu cho an ninh lương thực (ANLT), xuất khẩu gạo sẽ giảm dần và đến năm 2030 hầu như không còn xuất khẩu gạo hoặc xuất không đáng kể. Trường hợp xuất hiện những yếu tố xuất khẩu gạo đem lại lợi ích thì nếu giữ đất lúa ở khoảng 3,5 triệu ha Việt Nam sẽ có khả năng xuất khẩu gạo đạt 4-5 triệu tấn/năm.

Trên diện tích đất lúa được giữ lại nên sử dụng thế nào để đạt hiệu quả cao, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, được nông dân ủng hộ?

- Xác định vùng chuyên canh lúa trọng điểm ở ĐBSCL, đây là vùng sản xuất thuận lợi, đảm bảo 2 vụ lúa năng suất cao. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới, vùng chuyên canh này nằm ở 30 huyện thuộc 8 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, đây được xem như vựa lúa của đồng bằng và cũng là cả nước, vì hiện nay sản lượng lúa của các huyện này chiếm 50% tổng sản lượng lúa ĐBSCL, đóng góp 75% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Đối với vùng này nhà nước cần đầu tư thích đáng để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, thương mại, đạt cơ giới hóa 100%, đạt sản xuất theo phương thức tập thể, liên kết, liên doanh 100%, áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chuỗi giá trị. Vùng này ngoài hai vụ lúa là chính, tùy theo tình hình cụ thể có thể sản xuất thêm một vụ cây trồng ngắn ngày (2 lúa luân canh rau màu, đậu) hoặc lúa vụ ba (ba vụ lúa/năm).

Cơ cấu 2 vụ lúa luân canh cây ngắn ngày nên được khuyến khích, cơ cấu ba vụ lúa chỉ nên làm ở những nơi ăn chắc, khi lúa có giá tốt, và luân phiên cắt vụ ba để lấy phù sa. Diện tích đất lúa vùng chuyên canh trọng điểm nên được giữ ổn định khoảng 800.000 ha. Vùng này chủ yếu chuyên trồng giống lúa thơm cao sản, lúa chất lượng cao.

- Xác định vùng sản xuất lúa thơm đặc sản, lúa hữu cơ dựa vào điều kiện thích ứng BĐKH và điều kiện sinh thái tự nhiên. Đây là vùng luân canh tôm - lúa ở các tỉnh ven biển và vùng lúa mùa một vụ ở bán đảo Cà Mau. Đối với vùng này nhà nước cần đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ cho cơ cấu luân canh tôm - lúa (nếu có hệ thống thủy lợi tốt có thể tăng thêm 100.000 ha luân canh tôm - lúa và củng cố diện tích tôm - lúa hiện có khoảng 150.000 ha). Ngoài hệ thống thủy lợi nhà nước hỗ trợ tuyển chọn giống lúa đặc sản và có chính sách khuyến khích sản xuất lúa hữu cơ. Sản phẩm gạo ở vùng này có thể đi vào phân khúc thị trường gạo đặc sản có giá cao nhất trên thị trường thế giới hiện nay. Diện tích vùng này sau khi ổn định khoảng 500.000 ha.

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

- Vùng còn lại sản xuất lúa linh hoạt luân canh một vụ lúa với cây trồng cạn hoặc chuyển sang trồng chuyên cây trồng cạn ngắn ngày (rau, đậu, màu, hoa, cỏ phục vụ chăn nuôi...) khi cần thiết có thể chuyển sang trồng lúa. Diện tích vùng này sau khi ổn định khoảng 200.000 ha.

Gỡ các nút thắt

Tích tụ ruộng đất dù khi đã nới rộng hạn điền hoặc bỏ hạn điền vẫn theo các hướng chủ yếu sau:

- Tích tụ thông qua hợp tác, liên kết nông hộ dù là nông hộ nhỏ hiện nay hoặc nông hộ có quy hô lớn hơn từ kết quả của nới rộng hoặc bãi bỏ hạn điền.

- Tích tụ thông qua liên minh nông hộ - doanh nghiệp (liên minh cụm nông - công nghiệp).

Theo kinh nghiệm của các nước sản xuất lúa mà điển hình nhất là Indonesia và Philippines, do có các chính sách không phù hợp trước đây, đã tuột dốc từ nước tự túc được gạo trở thành nước nhập khẩu gạo lớn trong nhiều năm qua mà chính phủ họ đã đầu tư hàng tỷ USD để khôi phục sản xuất lúa nhằm không phải nhập khẩu gạo nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Nhiều nước trong vùng châu Á Thái Bình Dương cũng lâm vào tình trạng tương tự như Bhutan và Fiji. Kinh nghiệm ở đây cho thấy, để cho sản xuất lúa tuột dốc rất dễ, thậm chí từ nước xuất gạo trở thành nhập khẩu gạo, nhưng ngược lại để khôi phục lại sản xuất lúa lại rất khó.

Khả năng khi nới rộng hoặc bãi bỏ hạn điền, kinh nghiệm ở các nước châu Á cho thấy, sẽ không dẫn đến sự hình thành đại điền như ở các châu lục khác. Ví dụ ở Mỹ, bình quân một trang trại trồng lúa là 160 ha, ở Úc còn lớn hơn, nhưng ở các nước châu Á, bình quân hộ trồng lúa từ 1-3 ha. Tích tụ ruộng đất ở ĐBSCL sẽ dẫn đến tăng quy mô ruộng đất/nông hộ, xuất hiện các trang trại trung nông nhưng tỷ lệ các trang trại đại điền sẽ không nhiều. Vì vậy chủ trương hỗ trợ của nhà nước để tổ chức sản xuất nông hộ là có ý nghĩa rất lớn hiện nay cũng như trong tương lai khi Luật Đất đai có những thay đổi về hạn điền.

Xây dựng thương hiệu gạo

Thời gian qua có nhiều bàn cãi xung quanh việc xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu, cách tiếp cận hiện nay được hiểu là muốn chụp từ ngọn đến gốc tức muốn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đồng thời với thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu địa phương. Cách tiếp cận này sẽ không bao giờ làm được, vì vậy nên làm ngược lại, tức nhà nước khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho gạo của mình để xuất khẩu (một số doanh nghiệp như doanh nghiệp Cỏ May ở Đồng Tháp đã làm như vậy).

Sự phát triển của thương hiệu doanh nhiệp sẽ làm ló dạng thương hiệu quốc gia khi loại gạo đó có khối lượng xuất khẩu lớn (ví dụ gạo Jasmine Việt Nam hiện nay) và nhà nước sẽ quản lý về tiêu chuẩn chất lượng loại gạo xuất khẩu đó và cấp chứng nhận gạo quốc gia như cách làm của Thái Lan và Ấn Độ (chứ không có thương hiệu gạo quốc gia như mình nghĩ) còn thương hiệu vẫn là thương hiệu doanh nghiệp.

Từ cách tiếp cận trên, nhà nước trước tiên nên hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu rồi sau đó tính đến chứng nhận gạo quốc gia khi đã có nhiều doanh nhiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu.

Về khả năng xây dựng thương hiệu trên giống lúa thơm Jasmine 85, có ý kiến cho rằng sử dụng giống Jasmine 85 sẽ vi phạm bản quyền của Mỹ hoặc Thái Lan (giống Jasmine 85 đang được trồng và xuất khẩu ở Mỹ). Theo tôi không sợ điều này vì nguồn gốc giống Jasmine 85 là do IRRI lai tạo và được du nhập về Mỹ và Việt Nam ở cùng thời điểm.

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Vừa rồi tôi có đi công tác ở Fiji, một quần đảo ở Thái Bình Dương cho FAO, khi vào các siêu thị để tìm gạo Việt Nam thì thấy gạo Việt Nam đã được đóng gói dưới tên thương hiệu của công ty Úc, nhưng có thể do quy định nghiêm túc của Úc, mặt sau của bịch gạo vẫn có in dòng chữ "Gạo được sản xuất tại Việt Nam”, dòng chữ này in rất nhỏ, khó nhận ra. Điều này cho thấy gạo Việt Nam xuất khẩu không thương hiệu nhưng đến nhà nhập khẩu đều được đóng gói lại và gắn thương hiệu của họ, đây là một điều thiệt thòi cho đất nước.

Về giống lúa xuất khẩu có giá trị cao

Hiện nay chúng ta có một cách hiểu chưa chính xác, vì sao Thái Lan, Campuchia có những giống lúa xuất khẩu đạt tới 1.000 USD/tấn nhưng Việt Nam không có. Xin thưa các giống lúa này là các giống lúa cổ truyền do ông cha họ để lại, mỗi năm chỉ trồng một vụ ở một số vùng nhất định và cho năng suất khoảng trên dưới 2 tấn/ha. Thái Lan hoặc Campuchia họ trồng lúa nước trời, không có thủy lợi nên duy trì các giống cổ truyền này.

Ở Việt Nam, không thể trồng giống lúa năng suất thấp mỗi năm một vụ trên diện rộng vì như vậy sẽ không sản xuất đủ gạo và phải nhập khẩu nói gì đến xuất khẩu. Tuy nhiên như đã nêu trên, nếu khai thác lợi thế vùng tôm - lúa và vùng lúa mùa ở ĐBSCL để sản xuất lúa đặc sản sinh thái, lúa hữu cơ thì có khả năng đạt giá trị cao như giống cổ truyền của Thái Lan hoặc Campuchia.

Điều cần học từ Thái Lan và Campuchia là chuỗi giá trị gạo của các giống lúa đem lại giá trị cao này họ làm rất tốt nên tạo được uy tín trên thị trường thế giới.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/giu-dat-lua-bao-nhieu-post189744.html