Giữ bầu trời lộng gió cho con…

Họ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đây không hề là tai nạn theo nghĩa ngồi chẻ chữ để toán tính… chính sách. Tính mạng của họ đã bỏ lại ngay trên thao trường.

Nhớ lần ngồi trên tàu qua nhà giàn DK 1 ở Trường Sa, thả hoa làm lễ tưởng niệm những người lính hải quân đã bỏ mình vì Tổ quốc, lúc anh sĩ quan đọc lời tưởng niệm “biển sâu lạnh lẽo bao la, sức người có hạn, mong sao nén nhang lòng sưởi ấm các đồng chí…”, tôi đã xúc động ngước nhìn trời xanh, mây trắng bay như lời chào của những linh hồn từ đáy trùng dương.

Biển xanh thăm thẳm như hiểu lòng người. Nhưng hôm nay, tôi cầu mong đến tê tái lòng xin biển xanh cho biết, đang giấu những người phi công ở đâu, hãy trả họ về với đất mẹ, với đồng đội, người thân, với triệu triệu con mắt đang dõi ra biển. Đã có một người về trong lạnh lẽo. Nước mắt đã tuôn dài sau những đợi chờ như đá đè trên ngực. Còn chín người khác, giờ đang ở đâu?

Liệu có phép màu nào không với họ? “Chờ đợi nặng nề lắm”, lời người mẹ của một trong chín sĩ quan đang biệt tích trên biển, như khối nước khổng lồ ép nghẹt tim người. Mẹ từng chờ con trong ngút ngàn khói lửa binh đao. Giờ mẹ lại chờ con trong thanh bình. Đất nước toàn những nông dân ra lính. Khi họ có mệnh hệ gì, lần lại hậu phương, mới biết gia cảnh họ thật gieo neo. Vợ yếu, con thơ, bố mẹ đau ốm, miếng cơm manh áo chỉ đắp đổi qua ngày, một chỗ ở qua mưa nắng cũng phải khất hẹn bao lần.

Tôi nghĩ đến người sĩ quan phi công đã hy sinh và những đồng đội của anh đang nằm đâu đó dưới trùng trùng nước lạnh. Họ đã bước lên máy bay từ chốn quê nghèo và khi cởi áo phi công, họ lại trở về là một nông dân với ruộng đất ngàn đời. Những cánh bay giữa ngút ngàn trời xanh, mang theo ước mơ của họ, của dòng tộc, gia đình, Tổ quốc, vẫn vương vít không thôi bùn đất quê nhà. Chính điều đó chứ không phải gì khác, đã khiến họ hiến dâng không chút toan tính, nề hà.

Họ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đây không hề là tai nạn theo nghĩa ngồi chẻ chữ để toán tính… chính sách. Tính mạng của họ đã bỏ lại ngay trên thao trường. Thời chiến thì cầm súng, thời bình thì luyện quân là chuyện thường tình. Và, ở cái đất nước “gian lao chưa bao giờ bình yên” này thì máu người lính có thể đổ bất kỳ lúc nào. Họ là những người lính đang làm bổn phận canh giữ bầu trời. Một khoảng trời xanh lộng gió cho mọi người ngắm nhìn, hít thở đâu phải tự nhiên mà có.

Có ai giật mình không khi sự cố xảy ra mới hiểu, họ vẫn hiện diện trên bầu trời mà mình chẳng hay, bình yên ta có được là từ họ. Họ mất đi, ai đỡ đần vợ trẻ con thơ, cha mẹ già yếu, ai điền vào chỗ trống trong đội hình canh trời mà Tổ quốc đã giao cho? Nhớ lúc thả hoa tưởng niệm những người lính Gạc Ma đã hóa thành sóng, dội trong tim tôi ý nghĩ: "Đất nước mình, đàn ông luôn trong tư thế xả thân".

Họ đã tung cánh bay vào trời xanh và lặng lẽ chìm trong biển xanh. Cũng màu xanh ấy, sao mà lạnh lẽo. “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Ngôn hoài - thiền sư Không Lộ - tạm hiểu: "Một tiếng kêu dài lạnh cả bầu trời)". Thèm một tiếng kêu đến tàn hơi, rằng trời xanh hãy soi tỏ chốn các anh nằm để đồng đội kịp tìm đến, để nước không còn lạnh…

Phi công như cánh đại bàng, như đàn sếu bay qua - những so sánh, ngưỡng vọng. Những đứa trẻ con của những người lính phi công, khi ngước nhìn trời xanh, sẽ thấy cha mình như mây trắng tha hồ bay, không bao giờ mất. Có đi cùng trời cuối đất, những đứa trẻ ấy vẫn nghĩ, cha đang ở trên kia, soi đường, bầu bạn, che chở con. Cha bên con, không còn là phi công nữa, mà biến thành hoàng tử bé như trong một tiểu thuyết nối tiếng của nhà văn kiêm phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry, thì thầm kể con nghe chuyện về những tinh tú xa xôi, về một ông cụ có gương mặt đỏ như gấc chín, về những cỏ dữ cỏ lành, tất thảy là những bí mật mở ra một thế giới diệu kỳ.

Giấc mơ ấy sẽ dìu con đi qua đớn đau, thành mật ngọt ru con vào đời, bởi cha đã hy sinh để giữ bầu trời lộng gió kia cho con… Tôi lại nhớ trong một truyện ngắn của Bảo Ninh, nhân vật là người lính lúc đi máy bay ngang qua biển, đã lặng lẽ rút một thẻ nhang, xin được đốt. Anh nói, ở biển sâu ấy có đồng đội tôi dưới đó, và nhờ đi máy bay, tôi mới biết Tổ quốc mình còn ở trên trời.

Trung Việt

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/thoi-su/tin-tuc/giu-bau-troi-long-gio-cho-con-77387/