Giống ớt cay chỉ thiên 108

Ớt cay chỉ thiên 108 năng suất cao, chất lượng tốt Vụ thu đông 2012, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc trồng trình diễn giống ớt chỉ thiên 108 ở xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc.

Ớt cay chỉ thiên 108 năng suất cao, chất lượng tốt

Thời tiết trong suốt quá trình gieo trồng rất bất thuận, sau trồng gặp mưa lớn, nhiệt độ thấp kéo dài các giống ớt khác đều sinh trưởng phát triển kém, cây còi cọc, bị bệnh nhiều chỉ duy nhất cây ớt 108 vẫn phát triển tốt.

Ông Hồ Minh Trung, một người trồng ớt dày dạn kinh nghiệm tại địa phương đã trực tiếp gieo trồng giống này cho biết, nhà ông trồng 1 sào ớt chỉ thiên 108, sau 70 - 75 ngày thu hoạch lứa quả đầu sau đó cứ 4 - 5 ngày thu 1 lần và mỗi lần thu được 45 - 50 kg/sào, tổng thời gian thu hoạch khoảng 4 tháng.

Ông đánh giá chỉ thiên 108 là giống ớt tốt nhất mà ông đã trồng do có nhiều ưu điểm nổi trội: Dễ tính, không kén đất, không đòi hỏi đầu tư thâm canh, sinh trưởng mạnh kể cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ngập úng, mùa đông giá lạnh; khả năng chống chịu sâu, bệnh virus và thán thư rất tốt.

Ớt chỉ thiên 108 phân tán lớn, nhiều hoa dễ đậu quả, năng suất cao đạt 1.200 kg quả/sào; dạng hình quả thuôn dài và màu sắc quả chín đỏ tươi được thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn các giống khác.

Ông Phạm Thành Luân, cán bộ kỹ thuật của SSC cho biết: Giống ớt chỉ thiên 108 không những được trình diễn ở Vĩnh Phúc mà còn được triển khai tại các điểm ở huyện Thanh Trì - Hà Nội, Gia Lộc - Hải Dương… đều cho kết quả tốt. Từ tháng 5/2013, SSC đã chuẩn bị đủ giống ớt cay 108 nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của SX vụ thu đông.

Để trồng giống ớt cay 108 đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất bà con chú ý một số khâu trong kỹ thuật gieo trồng sau:

1. Nguồn gốc và đặc điểm

Chỉ thiên 108 là giống ớt lai nhập nội từ Đài Loan, SSC độc quyền phân phối tại VN. Đây là giống ớt thích nghi rộng, dễ chăm sóc, chống chịu bệnh thán thư, vi rút tốt, chịu hạn, chịu úng và chịu rét rất tốt, phân cành mạnh, tạo tán tốt, năng suất trung bình 25 - 30 tấn/ha thâm canh cao có thể đạt 40 - 45 tấn/ha. Quả thuôn nhỏ dài 5 - 6 cm, đồng đều cao, khi chín màu đỏ tươi, bóng láng, thịt dày, chắc cứng, rất cay và thơm.

2. Thời vụ

Vụ thu đông gieo tháng 6 - 7, trồng tháng 8 - 9 dương lịch, vụ ĐX gieo tháng 11 - 12, trồng tháng 1 - 2. Thông thường vào thời điểm tháng 10 đang là mùa mưa bão ở miền Trung, miền Nam thường khan hiếm ớt, vì vậy để bán được giá, dễ tiêu thụ và đạt hiệu quả kinh tế cao nên gieo cây con vào tháng 6 trồng ra ruộng vào tháng 7.

3. Đất, làm đất và phân bón

Có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất bãi, đất ruộng lúa, ruộng màu, tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha có độ phì cao, thoát nước tốt. Để hạn chế mầm bệnh từ đất, nên trồng ớt trên đất sau vụ lúa, ngô, tránh trồng trên đất đã trồng cà, ớt bị nhiễm bệnh nặng vụ trước.

Độ pH đất thích hợp khoảng 6,5, nếu đất chua phải bón vôi 500 - 1.000 kg/ha trước khi cày. Cày ải phơi đất trước, lên luống cao 20 - 25 cm, rộng 1 - 1,2 m, rãnh 25 - 30 cm. Bón lót 25 - 30 tấn phân chuồng hoai tốt nhất là phân gà, 400 - 500 kg phân lân hoặc NPK 16-16-8, phủ màng ni lông đen để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, giảm hao hụt phân bón.

4. Gieo trồng

Lượng hạt giống cho 1 sào 360 m2 cần 7 - 8 gr (1,5 gói 5 gr). Ngâm ủ trước khi gieo hạt vào bầu hoặc vườn ươm, rải thuốc Furadan hay Basudin để ngừa kiến, gieo xong phủ một lớp đất bột mỏng rồi phủ trấu hoặc rơm rạ.

Cấy cây con ra đồng khi có 5 - 6 lá thật (25 - 30 ngày sau gieo). Trước cấy 2 - 3 ngày, giảm tưới nước và phun thuốc ngừa sâu bệnh (Benlat C, Rovral…) cho cây con. Có thể trồng ớt theo hàng đơn cây cách cây 40 cm mật độ 650 - 700 cây/sào, tốt nhất là trồng hàng đôi (chéo nanh sấu, cây cách cây 55 - 60 cm), mật độ 850 - 900 cây/sào.

5. Chăm sóc

- Tưới tiêu: Giữ ẩm thường xuyên cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng phát triển chú ý tiêu nước kịp thời sau khi mưa lớn. Tuyệt đối không để khô hạn hoặc ngập úng.

- Bón thúc: Bón 3 đợt lúc cây bén rễ hồi xanh, trước khi ra hoa và thu quả lứa đầu, kết hợp vun hai bên luống, cần bón nhiều lân để cây bền lâu. Phun phân bón lá Supermes giai đoạn cây tăng trưởng. Giai đoạn nuôi quả cần bón đủ kali, phun CaCl2 định kỳ 10 - 15 ngày/lần để ngừa thối đuôi quả. Phun phân vi lượng có Bo như Botrax, A-xit Bo-ric để dễ đậu quả.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Bọ trĩ thường cưa hút lá, bọ phấn chích hút gây bệnh xoăn lá để phòng trừ hai đối tượng này dùng Regent, Confidor, Lannate, Danitol, Admire… phun khi thấy 2 - 3 con/lá.

Bệnh thán thư: Mùa mưa bệnh nhiều, cần phun chế phẩm EM để tăng sức đề kháng của cây, phun Foraxyl 35WP, Score hay Ridomil khi bệnh mới chớm xuất hiện, phun nhắc lại mỗi tuần nếu thời tiết nóng ẩm kéo dài.

Bệnh sương mai phun Daconil, Carbendazim, Aliette…

7. Thu hoạch

Bắt đầu thu hoạch 100 - 110 ngày sau gieo hay 75 - 80 ngày sau trồng. Cứ 3 - 4 ngày thu một lần, chăm sóc tốt thời gian thu có thể kéo dài hơn 3 tháng. Thu cả cuống tránh làm gãy cành, không gây ảnh hưởng đến các chùm hoa trên cây.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/110098/giong-ot-cay-chi-thien-108.aspx