Giỗ cha

Nếu được ước một điều, chị ước thế gian không có tiền bạc và con người chỉ cần tình yêu thương để lớn lên, trưởng thành và kết nối.

Minh họa: Bình Minh.

Minh họa: Bình Minh.

Chị bước lên xe khách, mưng mưng nước mắt. Vài người xung quanh tò mò lén nhìn. Chị, một người đàn bà nom không giàu, chẳng nghèo, không còn trẻ, chỉ có một thứ nổi bật nhất - gương mặt buồn bã thê thảm. Chiếc xe khách lăn bánh ngay. Người đàn bà buồn bã có vẻ như đã trấn tĩnh lại, tự hỏi: mọi việc có nhanh quá không?

Chiều tối qua, bước chân vào nhà của mẹ, chị không khỏi ngạc nhiên khi thấy năm sáu cái chậu lớn nhỏ giăng một hàng dài. Chị hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ để nhiều chậu thế, mai là giỗ bố. Con trai, con dâu về…” Chưa hết câu, mắt chị “đụng” vào một vết nứt lớn trên trần nhà. Giọng chị dịu lại: “Thì mẹ để khi nào mưa hãy đặt chậu có được không?”. Mẹ chị yếu ớt nói: “Nhỡ nửa đêm mưa thì làm sao? Đặt xong ngần ấy cái chậu thì mất ngủ à?” Chị bỗng thấy mình thật xấu xa, bất hiếu, muốn òa khóc, muốn xà vào lòng mẹ để xin lỗi bà, để xỉ vả mình, nhưng, em trai, em dâu ngồi đó. Chị nuốt nước mắt. Bình tĩnh hơn, chị phát hiện thêm một điều - cả căn hộ nồng nặc mùi bể phốt, ngột ngạt.

Những việc thuộc về thủ tục diễn ra nhanh chóng. Cô dâu út khéo léo dọn dẹp rồi chạy ra mua ít đồ ăn vặt. Bốn mẹ con vừa ăn vừa chuyện; không khí có vẻ dịu hơn. Có cái giường cá nhân cũ rích mẹ vẫn nằm từ khi bố mất, mẹ bảo thằng con trai út lên đó ngủ; mẹ, chị và em dâu trải cái chiếu ra đất nằm kế bên. Cái điều hòa lâu ngày không dùng hình như hết ga, chạy không ra hơi mát; cái quạt cây cũ của mẹ lọc xọc, rên rỉ. Muỗi vo ve liệng qua liệng lại. Chị thấy nhói đau nơi lồng ngực.

Mẹ chị, một nữ công nhân nhà máy dệt, từng sống qua cái thời giặc Mỹ hàng ngày dội bom vào các cơ quan trọng điểm. Năm ấy, ngày nào thành phố cũng không ngớt tiếng còi báo động. Mẹ chị được cấp một căn hộ nhỏ, nơi, bà, một nữ công nhân học chưa hết lớp bảy, nuôi ba đứa con trưởng thành nhất họ. Chị, người phụ nữ buồn bã, trở thành một cô giáo; người con trai thứ hai, bà hay gọi là trai trưởng, là một thương gia giàu có; cuối cùng, cậu út thành một đại trí thức. Mẹ vẫn tự hào khoe: nhà tôi có cô dâu út là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của họ Trần!

Hai tuần trước người đàn bà buồn bã về thăm mẹ khi bà còn đang ở với con trai trưởng. Nhìn mẹ mình được ngồi trong căn phòng có điều hòa mát mẻ, cơm ăn có người nấu, chị thấy thật an lòng; nhưng, khi chị nói lời tạm biệt, bàn tay héo khô của mẹ níu lấy chị: “Tuần tới mẹ về nhà mẹ ở”. Chị làm bộ bực mình, trách:

- Mẹ về đó làm gì, mẹ ở đây cho chị em con yên tâm.

- Nhưng mẹ khổ lắm!

- Khổ là sao, mẹ? Nhà cao cửa rộng, cơm không phải lo, nước không phải nghĩ. Chị vừa bước xuống cầu thang vừa nói oang oang vọng lên. Vừa hết câu nói, chị nghe có tiếng thì thầm: “Bà ý khổ thật đấy, có con giàu có mà chả được sung sướng!” - Chị lặng người. Nghe tiếng chân, mấy người im bặt. Quay ngược lên tầng tư, chị nắm bàn tay khô héo của mẹ dỗ dành:

- Mẹ ạ, con ở xa, mời mẹ lên ở, mẹ chả đi. Thôi mẹ cứ ở đây. Ngoài kia có bao nhiêu người già phải ngồi vỉa hè bán nước kiếm ăn, mẹ có biết không? Mẹ hỏi lại chị:

- Con người ta đâu chỉ cần có miếng ăn hả con? Từ mấy năm nay tao chả được lời hỏi, câu chào. Chị nghẹn cứng họng nhưng vẫn cố dối mẹ:

- Thôi, mẹ thông cảm cho các em. Đi làm cả ngày, tối về muộn, mệt rồi thì đi ngủ ngay, không kịp hỏi đến mẹ thôi mà.

Chị thở dài, lan man từ chuyện này qua chuyện khác. Tuần trước, cô nhân viên mát sa vừa kể với chị, cô ấy chả bao giờ chào mẹ chồng dù 2 người ở chung một nhà. Chị phải mất mấy chục phút để nói về đạo lý về bổn phận con dâu... Ai ngờ, chuyện ấy giờ lại vận ngay vào nhà mình! Vì công việc, vì ốm đau, chị phải chia tay mẹ. Chị khéo léo gọi điện cho em dâu cả:

- Chị cám ơn em đã chăm sóc mẹ chị chu đáo. Nhưng người già cả nghĩ. Em nhớ thi thoảng hỏi bà một câu cho bà vui vẻ.

- Ối giời, chị ơi! Em mà tỏ ra thân thiết, bà lại được thể lên nước. Em đã thống nhất với chồng em rồi, em là người sẽ (1) bà đi! Chị lặng người rồi cũng phải nói lựa:

- Chị biết mẹ chị khó tính. Người già vậy em ạ. Thôi, em cứ nhường mẹ tý nào hay tý ấy. Chị cám ơn em!

Hai tuần qua đi nhanh chóng, xét nghiệm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nay chị mới trở về, nhân dịp giỗ cha. Ngày ông mới mất, có những hôm, xong việc ở Hà Nội, chị đáp chuyến tàu 9 giờ 30 tối, ngủ với mẹ một đêm, sáng ra lặng lẽ lau nhà, nhìn mẹ ngon giấc. Xong việc, chị ngược xe khách về Hà Nội để kịp làm việc vào buổi sáng. Được vài hôm như vậy, mẹ chị la mắng:

- Từ hôm sau, chị về tôi sẽ để chị ở trong nhà, còn tôi, ra đường ngủ!

Tủi thân, chị nhặt đồ rồi đi, tiếng mẹ phân trần với hàng xóm phía sau: “ Tôi mà không làm thế, nó lại về, vất vả cho nó!”. Chị rơi nước mắt, sao mẹ lại thương con kiểu ấy cơ chứ. Cái ngày mà trai trưởng của mẹ làm mấy chục mâm cỗ để kỷ niệm một năm ngày cưới cho con gái với đủ tôm hùm, baba và hải sản quý, mẹ cũng bỏ về nhà mẹ. Từ nơi đèn hoa rực rỡ của lễ kỷ niệm ở nhà em trai, chị về nhà đón mẹ. Trong căn hộ đơn sơ, mẹ ngồi ăn miếng bánh mì khô. Cạnh mẹ là một túi cơm cháy, một túi bánh đa, mẹ giải thích: “Để cho tiện”. Lòng quặn đau, chị nói với mẹ: “Mời mẹ lên nhà em mừng 1 năm ngày cưới cháu nội. “Mẹ bảo: “Cỗ nhà chị đấy mà mời. Mẹ già rồi, làm xấu xí chúng nó, ở đây thôi”.

Chị lại thuyết phục, mẹ cáu: “Con ơi, mày mà ép quá, tao ra sông Hồng nhảy xuống một cái là xong!”. Chị chết điếng, lặng phắc. Đợi cho dòng nước mắt khô, chị vội vã trở về sân khấu kỷ niệm đình đám nhà em trai để vỗ tay, cười, chào khách, cho đủ “bộ” anh chị em nhà “trưởng thành, tri thức, giàu có” nhất họ. Những mảnh ký ức như thế cứ hiện về làm nước mắt chị tuôn rơi. Cái quạt mới mua, mẹ không dùng, lôi cái quạt gỉ mòn lọc xọc ra dùng chỉ vì đó là phần thưởng của “ông ấy” đạt lao động tiên tiến sau giải phóng. Muỗi vẫn vo ve. Cậu em út chưa ngủ. Chị nói với lên giường:

- Cậu ngủ chưa? Chị không ngủ được.

- Em cũng thế. Nóng quá!

- Em cũng chưa ngủ, cô dâu út lên tiếng. Chị quay sang em dâu hỏi:

- Hay chị đưa em ra khách sạn ngủ nhé.

- Thôi chị, em dâu út nói, bà tủi thân đấy - Chị thầm cảm ơn trời đã cho mẹ một cô con dâu như thế.

- Chị thương mẹ quá, không ngủ được. Mà sao mẹ cứ đòi về đây nhỉ?

- Mẹ có nỗi khổ của mẹ, em trai út nói, chị có biết cháu gái đích tôn của bà nói gì với bà không? Nó bảo: Bà chả biết điều! Bà sướng hơn bà nội của chồng cháu. Bà có ba đứa con đấy, bà ở với ai chả được mà bà cứ ở đây để hành mẹ cháu. Mẹ cháu biêng (2) bà đi từ lâu rồi! Đứa cháu nội mà ngày xưa bà phải mang về nuôi từ tấm bé, vì bố mẹ nó nghèo đã nói với người nuôi nó như thế.

- Sau ngày giỗ bố, chị và em phải giải quyết vụ này. Mấy nhà xung quanh, con người ta chỉ là công nhân hay thất nghiệp, mẹ người ta cũng không khổ thế.

- Cơ bản là mẹ. Cái gì cũng con trưởng, con trai!

- Chị phải thông cảm cho mẹ chứ. Mẹ đã trải qua những ngày vất vả, mẹ bệnh tật, ốm đau…

Không ai bảo ai, hai chị em lại ôn lại những ngày chiến tranh cùng cực, bữa đói, bữa no. Những hôm được cấp hàng viện trợ, ba chị em có bột trứng, có sữa khô để ăn. Thời gian còn lại toàn ăn bo bo, mì hạt - cái thứ mà ăn vào thế nào là đi ra như thế. Có những hôm ăn khoai, ăn sắn, bị say, các con sùi bọt mép, mẹ đã phải mang cái phiếu vải được cấp dùng cho một năm để đi bán, lấy tiền mua gạo cho các con - thêm một năm mẹ mặc quần đụp, áo vá đi làm. Khó khăn đến nỗi thời ấy nảy ra một phong trào “lấy cắp” vải vụn của nhà máy.

Thi thoảng, mẹ đi làm về, lôi những mảnh vải chừng 20 cm ra khỏi người. Cái nào dùng được, mẹ ngồi chắp vá để may cho các con; cái nào vụn quá, mẹ bán vải cân để lấy tiền mua gạo. Chị nhớ như in hình ảnh mẹ người mẹ gầy gò, ngồi trong khung cửa sổ ngược sáng, vuốt lại những mảnh vải vụn, khâu khâu, vá vá. Ba chị em đã lớn lên như thế. Chị và cậu út trở về thủ đô học tập. Cậu trai trưởng của mẹ ở lại thành phố dệt và trở thành một thương gia máu mặt.

Cậu em trai đã thở đều đều, còn chị không tài nào nhắm mắt. Chiếc đồng hồ báo 1 giờ sáng. Chị mở điện thoại và gõ nhanh phím chữ. Thằng con trai, ở cách mẹ 7 tiếng giờ trái đất, ngạc nhiên gõ vào face book messager (3):

- Mẹ chưa ngủ sao, mẹ yêu? Mẹ khỏe không?

- Mẹ khỏe con ạ. Con khỏe không? Mẹ buồn quá, không ngủ được.

- Có chuyện gì thế mẹ?

- Bà ở khổ quá con ạ. Tiện tay chị gửi cho con bức ảnh.

Sau một hồi giải thích chị bảo con:

- Sau này con đừng đối xử với mẹ thế nhé.

- Làm sao con thế được, mẹ yêu!

- Hay mẹ mua một cái nhà nhỏ, cạnh cái nhà mình bây giờ. Khi mẹ già, con cho mẹ sang đó ở. Con chả cần thăm nom đâu, cứ khoét cái lỗ vừa rộng để đặt bát cháo vào đó. Chỉ ăn cháo thôi, mẹ hứa đấy! =)) (4)

- Mẹ! Mẹ thật là… Sau này, con ở đâu thì mẹ ở đó. Con sẽ lừa vợ để vợ hiểu là con yêu vợ hơn; rồi lại lừa mẹ để mẹ hiểu con yêu mẹ hơn. Ha ha…

- Bố mày!

- Mẹ à, điều này đơn giản mà. Mẹ sửa lại nhà cho bà thôi.

- Khó con ạ. Chúng ta chịu ảnh hưởng của nho giáo trong truyền thống văn hóa người Việt. Trong gia đình, con trai trưởng có quyền to nhất, rồi đến con trai thứ, con gái là ngoại tộc.

- Ngoại tộc là sao hả mẹ?

- Là con gái lớn lên, đi lấy chồng thì theo nhà chồng và không có vai trò gì trong gia tộc nhà mình nữa. Con hiểu nôm na thế cho dễ nhé. Trong một lá sớ viết cho một gia đình, con trai trưởng đứng đầu, rồi đến trai thứ, rồi đến dâu trưởng, dâu thứ, đến bà mẹ rồi mới đến con gái, dù là gái cả. Con không được quên mình là người Việt Nam đâu nhé.

- Không, Mama ơi, học xong là con về mà, để còn nấu cháo đưa qua lỗ cửa cho Mama nữa chứ! =))

- Cha nhà anh!

- Như bọn con, Tây học, mẹ vẫn mắng con thế nhỉ, chỉ nghĩ thẳng băng: ai làm được thì làm mà.

- Đúng con ạ. Nhưng Mama là con gái, nếu đứng ra làm, thiên hạ sẽ cười chê cậu trai trưởng. Mẹ không muốn cậu khó xử.

- Thế đưa bà lên nhà mình?

- Đấy, lại cái tư tưởng nho giáo kia, cha mẹ thường ở với con trai trưởng, nếu không thì con trai thứ, chưa đến lượt con gái.

- Phức tạp nhỉ. Theo con, Mama cứ xin phép, các cậu đồng ý thì làm.

- Um, Mama cũng mong là như thế.

- Thôi Mama ngủ đi, giờ là 3 giờ sáng rồi đấy, kẻo lại ốm bây giờ.

- Cám ơn anh vẫn còn nhớ tật xấu của mẹ.

- Con yêu Mama mà!

Chị tắt máy và mỉm cười khi nghĩ đến con, đến thời thơ bé của nó. Con đã chỉ vào cái khách sạn to đẹp và bảo: sau này con lớn, sẽ xây cho Mama cái nhà to thế kia. Chị mơ hồ nghĩ: có thể ngày xưa, em trai chị cũng chỉ vào khách sạn nào đó và nói với mẹ mình: con sẽ …

Chị ứa nước mắt và chìm vào giấc ngủ. 5 giờ 30 sáng chị giật mình tỉnh giấc, nước mắt vẫn còn vương trên má. Chị gọi điện cho cậu trai trưởng. Ba mươi phút sau cậu xuất hiện với vẻ sáng bóng từ đầu đến chân. Cặp kính Kơn rất ăn nhập với đôi giầy bóng lộn và bộ quần áo đắt tiền. Cậu em vẫn thường khoe mua cái áo này, cái kính kia hàng chục triệu đồng, khoe cho người này người kia vài trăm triệu, vài chục triệu.

- Chị đấy à? Cậu chào.

- Vâng, cậu từ ngoài vào có ngửi thấy mùi gì không; có thấy hàng chậu mẹ xếp kia không?

- Này chị, một năm về thăm mẹ mấy lần mà chị hoạnh họe ?

- Chị không hoạnh họe, nhưng mẹ chúng ta... Hoặc là cậu sửa, hoặc là…

- Này chị, chị về thăm mẹ, Tết thì mang mấy hộp mứt, hộp kẹo… Chị làm gì được cho mẹ, nói đi!

Nghĩ đến đó, người đàn bà buồn bã lại trào nước mắt. Mọi việc xảy ra nhanh quá, chị chỉ còn nhớ người em trai đã luận tội chị rất nhiều: chị có giỏi, đưa mẹ đi mà nuôi; hai mấy năm nay tôi cưu mang ông bà ấy; … Chị nhớ mình đã cãi lại một cách yếu ớt, còn chủ yếu là khóc. Cậu sai rồi, cậu nuôi cha mẹ mà gọi là cưu mang sao? Tôi bảo cậu sửa nhà là để bảo vệ sĩ diện cho cậu. Cậu có tiền nhưng cậu hỏng rồi… Chị nhớ mình đã khóc và nghe người em trai chửi thề tục tĩu.

Chiếc điện thoại trong túi reo như rên. Chị mở máy, mẹ chị gọi. Tiếng mẹ nghẹn ngào: “Con ơi, con đừng trách em. Nó đang bận xây khu công nghiệp. Xây xong, nó sẽ sửa nhà cho mẹ.” Lòng chị nghẹn ngào: xây khu công nghiệp? Mẹ sẽ sống được bao ngày nữa mà đợi! Những hình ảnh về mẹ cứ hiện ra lộn xộn.

Một dạo, cậu trưởng đi bộ đội, người yêu cậu ở nhà có người khác; cậu bỏ đơn vị về nhà người yêu với một trái lựu đạn. Cậu bị bắt và khép vào tội lớn. Người mẹ đau khổ gày guộc vượt qua hàng trăm cây số lên đơn vị con trai, xin cho con được tha tội. Chiến tranh ác liệt, người mẹ như tàu lá héo, lòng vị tha, cái xuê xoa của thời chiến… đã cứu cậu khỏi tội trọng, không lẽ em chị đã quên rồi sao; ngày mới lập gia đình, em chị sáng tối lam lũ kiếm ăn, mẹ xúc từng bát gạo thời đói kém đưa cho con dâu, em chị quên rồi sao..? Sáng nay người con ấy đã trợn mắt nói với mẹ mình: “Tôi đồng ý với vợ tôi như vậy đấy. Xuống nước, thân thiện với bà để bà làm già à?”.

Lúc ấy, chị chỉ muốn tát cho người em một cái, nhưng nhìn người mẹ đau khổ trước những đứa con đang cãi vã, chị bước vào gian thờ, thầm nói với cha rằng con xin lỗi, rằng con bất hiếu, rằng con xin phép… và chị xách túi ra cửa. Người em út đưa chị ra bến xe. Vậy là xong, chị đã được thách đố sửa nhà cho mẹ. Tự an ủi về chiến thắng của mình một cách hài hước: được cấp giấy phép rồi nhé, làm đi! Hình như chị đã mơ hồ cười mãn nguyện với kế hoạch của mình thì phải, vì, khi người phụ xe thông báo: “Đến Giáp Bát rồi nhé!”, chị nhìn thấy mặt mình trong chiếc gương xe - cái miệng méo xệch chả ra cười trong gương đã mách bảo chị như vậy.

----------------------

(1) bơ: phớt lờ

(2) biêng: bơ đi

(3) face book messager: hình thức trò chuyện bằng tin nhắn trên face book.

(4) =)): biểu tượng cười ngả nghiêng trên tin nhắn.

Với trái tim phụ nữ nhạy cảm, thấu hiểu những phức tạp trong đời sống người Việt, Hồ Thu trần hiện một bi kịch gia đình xâu chuỗi trong một quãng thời gian từ bao cấp đến hiện tại. Đàn ông trong truyện ngắn - hai người con trai - đều là những kẻ vô tâm. Và những người đàn bà ở đây, là những Tấm và Cám hiện đại: thảy những xót xa, thương cảm; những tàn nhẫn, ác nghiệt đều bộc lộ đến tận cùng - dù rằng ở đây không có cái chết nào cả.

Hồ Thu là nhà báo chuyên về lĩnh vực giáo dục của báo Tiền Phong.

L.A.H

Truyện ngắn của Hồ Thu

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/gio-cha-1038360.tpo