Gìn giữ, phát huy các giá trị của lễ hội: Từ ý thức đến hành vi

Mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia lễ hội phải có trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh; khắc phục những hạn chế như: đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, đốt vàng mã, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chấn chỉnh các hành vi phản cảm trong lễ hội…

Lễ hội cầu ngư ở Xuân Hội, Nghi Xuân (Ảnh: Hoài Nam)

Bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh: Sẽ tiếp tục siết chặt công tác quản lý

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 70 lễ hội, trong đó có 1 lễ hội cấp quốc gia (lễ hội Hải Thượng Lãn Ông). Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động này, hằng năm, Sở VH-TT&DL ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các sai phạm phát sinh trong lễ hội.

Trong thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia lễ hội phải có trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tăng cường công tác thanh kiểm tra nhằm khắc phục những hạn chế ở một số lễ hội như: đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, đốt vàng mã, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chấn chỉnh các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội… Mong rằng, mỗi người dân tự nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Đại đức Thích Hạnh Minh - Trụ trì chùa Phổ Độ: Nên để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, không mưu cầu quá nhiều.

Đi lễ chùa đầu năm không nên mang quá nhiều đồ lễ. Khi vào chùa lễ Phật, mọi người nên để tâm mình an nhiên, thảnh thơi, không nên mưu cầu quá nhiều về công danh và tài lộc.

Phật dạy tất cả mọi thứ đều có luật nhân quả, gieo nhân tốt thì sẽ gặp quả lành. Khi đi chùa nên tận tâm cúng bái, còn lễ vật thì tùy theo khả năng của mình, miễn sao bản thân thấy thanh thản, trong sáng là được, còn tiền công đức thì tùy tâm. Theo quy định của nhà chùa, tiền công đức chỉ được dùng vào 3 việc là: cúng dường tam bảo, lo cho chư tăng và tu bổ chùa chiền chứ tuyệt đối không dùng vào việc khác. Các nhà chùa đều có “Hòm công đức” để bà con đưa tiền công đức. Tuyệt đối không được rải tiền khắp nơi trong chùa, càng không nên nhét tiền vào tay tượng Phật hoặc xoa tiền vào tượng Phật khiến nơi thờ cúng mất đi sự tôn nghiêm, hoặc đơn giản là số tiền đó dễ bị thất lạc, không được sử dụng đúng mục đích.

Riêng tại chùa Phổ Độ, vào mùa lễ hội và các ngày lễ lớn, nhà chùa thường chuẩn bị sẵn hoa, hương đăng và bố trí sẵn các bàn đón tiếp, hướng dẫn bà con phật tử và người dân làm lễ cúng dường theo đúng tinh thần Phật pháp; giữ gìn nét thanh tịnh của chốn thiền môn và nét thanh lịch của người đi lễ chùa.

Thầy Nguyễn Cương - Tổ trưởng tổ số 2 - đền Nguyễn Thị Bích Châu: Những người trực tiếp hành lễ phải làm gương.

Những người đi lễ tâm linh với nhiều lý do khác nhau nhưng có lẽ mục đích cuối cùng vẫn là cầu mọi điều an lành, gia đạo được hanh thông, công danh sự nghiệp rạng rỡ. Nhiều người cho rằng, cứ phải “tốt lễ” mới “dễ kêu”; đi lễ đền, chùa phải đốt thật nhiều hương, vàng mã, thánh thần, trời Phật mới chứng giám cho lòng thành và giúp cho những điều họ cầu xin được như sở nguyện. Nhưng đó là quan niệm sai lầm vì trong giáo lý nhà Phật, trong kinh văn của các đền, các bậc Phật, Thánh đều dạy chỉ cần một nén tâm nhang nhưng lòng phải thành kính.

Những năm gần đây, với sự nỗ lực của ban quản lý, ý thức của người dân khi đi lễ tại đền đã thay đổi rõ rệt. Không chỉ thông báo, tuyên truyền các quy định của nhà đền, chúng tôi còn phải nghiêm túc thực hiện việc đốt hương, dâng lễ, giữ gìn vệ sinh khuôn viên. Trước lo việc thánh, sau gánh việc trần, muốn cho người dân thực hiện nghiêm thì trước hết những người trực tiếp hành lễ như chúng tôi phải làm gương từ những việc nhỏ nhất.

Bà Nguyễn Thị Hà (pháp danh Diệu Hải) - phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh: Thành tâm thì một cây hương cũng thấu.

Đã hơn 40 năm tôi gắn bó với cửa phật, phục vụ việc hành lễ tại rất nhiều đền, chùa trong tỉnh, chứng kiến đủ kiểu người, đủ cách thức đi lễ của người dân. Không phải ai trong số đó cũng hiểu và thực hiện đúng nghi lễ nơi mình tìm đến, đa phần vẫn quan niệm cứ dâng nhiều lễ, đốt nhiều hương là tốt mà không hiểu rằng, chỉ cần thành tâm thì một cây hương cũng thấu tận thiên đình.

Những năm gần đây, tôi thấy quan niệm của người dân khi đi lễ đã thay đổi phần nào, họ đã chấp hành tốt hơn quy định tại các đền, chùa. Phật tử chúng tôi vẫn thường nhắc nhở nhau: “Về chùa thắp một cây hương. Lòng thành chư phật mười phương độ trì. Thắp nhiều vô ích làm chi. Khói hương đen tượng, đen nhà phúc đâu”.

Nhóm P.V

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/gin-giu-phat-huy-cac-gia-tri-cua-le-hoi-tu-y-thuc-den-hanh-vi/129165.htm