"Gieo chữ" giữa lòng hồ

Không có đường bộ, bốn bề mênh mông nước, Cà Moong, Xốp Cháo (Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) trở thành những ốc đảo nằm tách biệt với bên ngoài. Khó khăn là thế, để giúp các em không thất học, các thầy, cô giáo trường Tiểu học Lượng Minh ngày đêm vượt lòng hồ, mang con chữ đến cho các học trò thân yêu của mình.

Thầy và trò điểm trường Xốp Cháo, ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để đến trường. Ảnh: Tiến Đông

Người "lái đò" thầm lặng

Đi cùng tôi là thầy Hiệu phó trường Tiểu học Lượng Minh có cái tên rất Lào - Vi Viêng Xay. Thầy Xay bảo tên mình do ông cậu đặt cho, vì cậu xa xứ trên đất bạn nên lấy tên mảnh đất nơi mình ở đặt tên cho cháu để khỏi quên được nhau. Thầy Xay từng có gần 20 năm thâm niên luồn núi, lách rừng để đưa con chữ đến với con em vùng sâu. Mờ sáng, từ Cửa Rào (nối Quốc lộ 7), chúng tôi đi xe máy 15 cây số ngược vào vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, nơi có bến Thượng Lưu để đón thuyền đến điểm trường Cà Moong, Xốp Cháo. Mùa mưa, nước dâng cao, dấu bùn non bàng bạc còn in hằn lên những nếp cây ven hồ. Chiếc thuyền tròng trành rẽ sóng, cánh quạt vè vè tung bọt trắng xóa, khuấy tan mặt hồ tĩnh lặng trong thoáng chốc rồi lại mất hút vào sâu thẳm màu xanh trầm mặc của bóng núi.

Tựa mạn thuyền, thầy Viêng Xay trầm tư kể cho tôi nghe những câu chuyện buồn vui của người giáo viên cắm bản. Vào nghề từ năm 1997, tót một cái, anh xung phong lên vùng Nhôn Mai, một xã biên giới của huyện Tương Dương. Ở miền núi cao, các thầy, cô giáo dạy học ở đây cứ dăm sáu năm lại luân chuyển đến các địa bàn khó, dễ khác nhau. Không ai bắt ép, nhưng đây chính là cách chia sẻ khó khăn. Cả hai vợ chồng thầy Viêng Xay đều là giáo viên, quen và cưới nhau khi cùng dạy ở trường Tiểu học Nhôn Mai. Cưới xong, hai vợ chồng mỗi người dạy một nơi, nay trường này, mai trường khác. Cứ thế biền biệt quanh năm, vợ đến, chồng đi, cứ như trốn chạy. Ngót 20 năm sau, anh chị mới có điều kiện hợp lý hóa gia đình, được chuyển về gần nhau để vun vén và chăm lo cho con cái.

Trường Tiểu học Lượng Minh có 520 học sinh, nhưng phải bố trí ở 9 điểm trường. Các điểm trường Cà Moong, Xốp Cháo mà chúng tôi đến thăm nằm cách trung tâm khoảng 50 cây số cả đường thủy và bộ. Cà Moong có 5 lớp với 94 học sinh và 5 giáo viên; Xốp Cháo có 52 em, chia thành 4 lớp. Các bản này trước thuộc xã Kim Đa, nay đã được tái định cư về huyện Thanh Chương. Khi xây dựng thủy điện Bản Vẽ, các bản khác trong xã được di dời, riêng 2 bản này được di vén quanh lòng hồ và nhập về xã Lượng Minh. Xa xôi, cách trở là thê, nhưng các thầy, cô giáo vẫn ngày đêm cắm bản, dạy các em từng nét chữ.

Cô giáo ở điểm trường Xốp Cháo đang giảng bài cho học sinh. Ảnh: Tiến Đông

Sau 2 giờ ngồi thuyền, cộng thêm hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi cũng đến được điểm trường Xốp Cháo. Học sinh tại điểm trường này 100% là con em đồng bào Khơ Mú. Đang giờ ra chơi, thấy có khách lạ, các em chạy lại khoanh tay đồng thanh "chào thầy ạ", nghe thật dễ thương. Ở điểm trường lẻ này có 4 thầy, cô giáo với 4 hoàn cảnh khác nhau. Thầy Bùi Văn Thắng, Điểm trưởng, là một người "lái đò" theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thầy Thắng công tác đã 33 năm, về trường Tiểu học Lượng Minh được 13 năm, thì 6 năm thầy vào điểm trường Xốp Cháo. Mấy năm trước, khi vào đây bằng thuyền khách thấy đắt đỏ quá, thầy Thắng tích cóp mua lại một chiếc thuyền cũ để đi lại. Đầu tuần, thầy gửi xe ở bến rồi lấy thuyền vào điểm trường dạy học. Đến khi ra lại gửi thuyền lấy xe máy về nhà. Học sinh cũng ở cách trở, có những chòm Xốp Vi, Xốp Pặng (đều thuộc bản Xốp Cháo) nằm xa điểm trường 30 phút đi thuyền.

Để học sinh không bỏ học, thầy bàn với phụ huynh cứ đầu tuần dẫn con ra bến, thầy sẽ ghé vào đưa các em đến lớp, cuối tuần thì đưa các em ra trả cho cha mẹ. Cứ thế, chiếc thuyền con của thầy trở thành phương tiện đưa đón các em đi tìm con chữ. Thầy trò chung một con thuyền, tiếng trẻ líu lo râm ran cả một góc bến. Hỏi việc đưa đón học sinh có nề hà gì không, thầy Thắng cười thật hiền "chừng đó có là gì so với việc các em không biết chữ, không được đi học".

Những chiếc chòi "nuôi" chữ

Điểm Xốp Cháo có 4 thầy cô, không đủ người đứng lớp nên đành phải bố trí 1 lớp ghép. Trong cùng một gian phòng chật chội đặt 2 tấm bảng, hai nhóm học sinh quay lưng vào nhau. Khi thầy dạy cho nhóm này thì nhóm kia ngồi làm bài tập hay viết chính tả. Cô giáo trẻ Cụt Thị Xáo, dạy lớp 3. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cô giáo Xáo được nhận vào làm giáo viên hợp đồng của trường. Nhà ở trung tâm xã, cô được gia đình dựng cho một chiếc chòi nhỏ gần điểm trường để ở, đầu tuần vào, cuối tuần lại ra với chồng con. Tôi ngước mắt nhìn lên tấm bảng đen và chợt thấy bài học hôm nay cô Xáo dạy rất ý nghĩa mang tên "Đất quý - Đất yêu", bài học đầu tiên của tuần thứ 11. Hiểu rằng, nơi thâm sơn cùng cốc này, có thực sự yêu quý mảnh đất, con người nơi đây thì các thầy, cô giáo mới vượt qua được những khó khăn để mang con chữ đến cho trò.

Để giúp các em theo học đến nơi đến chốn, ở những chòm xa, nhà trường đã vận động phụ huynh đến dựng chòi cho học sinh ở. Xung quanh điểm trường đóng, có 10 cái chòi, mỗi chòi rộng chừng 6-7m2. Tuy nhỏ, đơn sơ nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Mỗi chòi do 4 gia đình góp lại dựng lên đủ cho 4 cháu ở, cộng thêm mẹ, hoặc chị gái đến chăm nữa là 5. Việc chăm sóc các cháu được các gia đình thống nhất chia phiên. Chị Xeo Thị Hoa, có con học lớp 1, đưa con đến từ đầu tuần, cuối tuần lại đưa về. Gạo thì đem ở nhà đi, còn thức ăn thì hàng ngày khi các cháu đi học, chị lên rừng bẻ măng, hay xuống sông xúc cá về nấu. 4 gia đình chung nhau, nhưng cơ bản là chị Hoa ở lại chăm con.

Những căn chòi nhỏ được dựng lên và phụ huynh thay nhau đến chăm con. Ảnh: Tiến Đông

Nằm cạnh chòi nhà chị Hoa là chòi nhà chị Moong Thị My, chòi này cũng có 4 cháu ở. Bếp được đặt ngay trong chòi, mắm muối thì đặt trên gác bếp. Bữa ăn đơn sơ, đôi khi chỉ có nắm xôi vừng hông trong "háy" ám màu khói đen (háy, tiếng Thái nghĩa là vò hông xôi). Khi nào xúc được cá thì mẹ con có thức ăn cải thiện, không thì cơm trộn muối đắp đổi qua ngày. Khó có thể hình dung được những khó khăn thiếu thốn, nhưng phụ huynh vẫn quyết cho con đi học.

Việc vận động phụ huynh dựng chòi đưa các em đến trường cũng là một kỳ tích. Thầy Viêng Xay bảo, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phải lặn lội vào nhờ Ban quản lý các bản cùng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đến trường. Sau khi các em nhập trường thì các thầy, cô giáo cùng với dân bản bắt tay dựng chòi cho học sinh. Trong chiếc thuyền của thầy Thắng, tôi để ý luôn có 1 tay lưới. Đó là vật dụng để tranh thủ sau giờ học, các thầy xuống sông kiếm cá, kiếm được nhiều thì bữa ăn của thầy, trò được cải thiện. Ngày lại ngày, thầy trò cùng nhau đến lớp, cùng nhau ê a bài tập đọc. Thời gian cứ thế dần trôi.

Tiến Đông

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gieo-chu-giua-long-ho/