Giây phút 'cân não' khi điều trị cho sản phụ ung thư phổi

Dù vừa bị ung thư phổi giai đoạn muộn, vừa mang thai nhưng Trâm vẫn kiên cường chiến đấu để bảo vệ con trai của mình.

Trâm đang được các bác sĩ chăm sóc.

Sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt

Chiều ngày 14/7, sau gần 4 ngày phẫu thuật lấy thai, sức khỏe của Đậu Thị Huyền Trâm – người mẹ có nghị lực phi thường sinh con khi đang bị ung thư giai đoạn cuối đã khá hơn, tiến triển tốt.

Bà Lê Thị Trang, mẹ của Trâm vừa chăm sóc con gái vừa khóc. Có ai đến bà cũng khóc bởi ở vào tình cảnh ấy, bà không biết phải làm gì. Mấy ngày nay, bà và con rể chia nhau ra mỗi người 1 nơi để chăm cháu và chăm con. Trâm là con út trong gia đình. Lúc em lấy chồng và mang thai ai cũng vui nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài được bao lâu thì tin cô bị ung thư phổi như án tử hình đổ xuống cả gia đình.

Không nói nhiều về nghị lực của con gái, bà chỉ ngồi cầm tay con và khóc bởi thực sự rất buồn, không còn gì để nói.

Mang thai 11 tuần, chị Trâm phát hiện có nhiều hạch ở cổ và đến Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh, bác sĩ nghi ngờ ung thư. Chị Trâm đến bệnh viện K kiểm tra tổng thể và đến 19 tuần bác sĩ kết luận chính thức Trâm bị ung thư phổi giai đoạn muộn đã có di căn hạch cổ.

Lúc này, với bản thân Trâm là một cuộc chiến về tinh thần. Thạc sĩ Bác sĩ Lê Thị Yến – Khoa Nội 2, Bệnh viện K trung ương tâm sự, khi gặp Yến, các bác sĩ trong khoa đều cảm phục nghị lực phi thường của em. Suốt hai tháng trời chưa khi nào bác sĩ thấy cô nằm mà chỉ ngồi, thậm chí không ngủ, không khóc, không than thở điều gì. Cô chỉ thầm lặng chiến đấu với những cơn khó thở do phổi có tổn thương và thai nhi chèn ép.

Lúc nào Trâm cũng được các bác sĩ trong khoa lo lắng và dành sự quan tâm đặc biệt. Chỉ cần Trâm khó thở là các bác sĩ và điều dưỡng đến ngay bên em để theo dõi. Tuy nhiên khi Trâm có dấu hiệu về suy hô hấp, bác sĩ đã chuyển Trâm lên khoa Hồi Sức của bệnh viện để theo dõi sâu hơn. Bản thân Trâm và gia đình cũng luôn mong muốn thêm ngày nào sẽ tốt hơn cho con ngày ấy. Bất cứ trạng thái nào xấu đi cả khoa lại chạy vào bởi với họ đây là tính mạng của hai con người.

Thạc sĩ Phùng Thị Huyền – Phó trưởng khoa Nội 2 của Bệnh viện K cho biết, chị từng gặp bệnh nhân bị ung thư mang thai nhưng với Trâm, các bác sĩ ở Khoa có một tình cảm đặc biệt, đáng nhớ. Ngoài những căng thẳng về chuyên môn, đó còn là những câu chuyện cảm động.

Có lần, Bệnh viện K mời các bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai sang hội chẩn cho bệnh nhân. Lúc ấy, người nhà của bệnh nhân khóc, bác sĩ bệnh viện K khóc và bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng khóc.

Ca mổ đáng nhớ

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện K trung ương, những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Trâm những ngày chị nằm trong khoa hồi sức tâm sự, hầu như chẳng khi nào bệnh nhân nằm được vì tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân cũng từ chối thực hiện nhiều xét nghiệm và chỉ chấp nhận làm những xét nghiệm cơ bản để không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Việc điều trị cho bệnh nhân khi đó cũng chỉ điều trị triệu chứng viêm nhiễm bằng kháng sinh, hỗ trợ thở oxy, cho uống thuốc cầm máu, chọc dịch hàng ngày để giúp bệnh nhân dễ thở, hỗ trợ dinh dưỡng bằng tiêm truyền và ăn nhẹ.

Đây là ca bệnh thực sự đáng nhớ bởi người bệnh quá quyết tâm “chống lại” bác sĩ. Nhưng vì chứng kiến nghị lực của bệnh nhân nên các bác sĩ cũng hết lòng chữa trị với hi vọng tốt nhất cho bệnh nhân và con.

Đúng 17h ngày 10/7, là ngày nghỉ nhưng bệnh nhân Trâm vẫn được theo dõi bình thường và có dấu hiệu suy hô hấp rất nặng. Bác sĩ Thọ nhanh chóng gọi điện sang Bệnh viện sản Trung ương nhờ hỗ trợ. Chưa đầy 10 phút sau đoàn bác sĩ của bệnh viện Phụ sản Trung ương đã sang đến khoa và các bác sĩ tiến hành hội chẩn để chuẩn bị phương án mổ.

Bác sĩ Thọ kể: "Lúc đó hầu như các bác sĩ ai cũng căng như dây đàn vì đây là trường hợp quá đặc biệt. Các tư thế mổ đều được vạch ra rồi lại phân tích cái được và chưa được, làm thế nào chọn được phương pháp tốt nhất. Thời gian cho cuộc mổ cũng được ấn định đúng 20h đến 20h30 phút và đã thực hiện đúng như thế.

Cả ca mổ, hầu như ai cũng căng mắt nhìn vào chỉ số trên bảng điện tử mà không ai để ý xem bệnh nhân sắc mặt thế nào. Với bác sĩ, thành bại nằm trên tấm biển thông báo nhịp tim huyết áp của bệnh nhân.

Cũng may, ca mổ ngồi có một không hai đã thành công. Đến ngày 14/7, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã sang đặt dẫn lưu màng tim cho bệnh nhân Trâm để giúp tim được đập tốt hơn. Sáng 14/7, bệnh nhân đã đứng dậy được nhưng rất yếu chưa đi được. Nếu cứ tiến triển như thế này, khoảng 10 ngày nữa bệnh nhân có thể chuyển sang khoa điều trị khác".

Còn thạc sĩ Lê Thị Yến cho biết thời gian hậu phẫu của bệnh nhân Trâm khác với mọi người vì chị còn đang trong giai đoạn hậu sản. Tùy theo từng trường hợp bác sĩ sẽ quyết định. Tuy nhiên, bác sĩ Yến cho biết bệnh viện sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân và giải thích để bệnh nhân lựa chọn. Việc điều trị chỉ được tiến hành khi bệnh nhân đồng ý.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giay-phut-can-nao-dieu-tri-cho-san-phu-ung-thu-phoi-post203742.info