Giật mình 'tử thần' nấp trong quán karaoke hình 'nhà ống'

“Mô-típ kiến trúc các quán karaoke ở Việt Nam hiện nay đang thực sự có vấn đề. Cả ngôi nhà hình ống bị bịt kín bởi biển quảng cáo, lối vào cũng là đường thoát duy nhất thường rất bé...", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội chiều 2/11, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ sự chia sẻ với sự mất mát to lớn của gia đình 13 nạn nhân tử vong trong vụ cháy quán hát karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy – Hà Nội) chiều 1/11.

Từ sự việc trên, ông Nghiêm chỉ ra việc thiết kế, bố trí trang thiết bị của các quán hát karaoke đều có vấn đề. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi việc giám sát của ngành chức năng bị buông lỏng.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết ở Hà Nội. Ảnh: Vương Trần

“Thiết kế nhà hàng, khách sạn, quán hát hay khu vui chơi giải trí đều có những cơ quan thẩm định và duyệt về mức độ an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Những nơi này phải có hệ thống cảnh báo hỏa hoạn, tự động chữa cháy, tự động ngắt điện... Tuy nhiên, ở nhiều nơi và ngay cả tại thủ đô Hà Nội, việc này chưa được tuân thủ một cách đúng mực” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.

Theo lời TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, thiết kế thông thường tại những quán karaoke hiện nay là bịt kín với những vật liệu cách âm nhưng lại rất dễ bắt lửa như mút xốp, phông vải, ghế sofa… Những nguyên vật liệu này vừa dễ cháy và khi cháy thì lại sinh nhiệt độ rất cao và cả khí độc nên nhiều nạn nhân khi chưa tử vong vì cháy đã bị ngạt chết.

Không những thế, chủ cơ sở thường xuyên thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa, trang trí nội thất nhằm thu hút khách hàng. Đây chính là nguyên nhân để hỏa hoạn bùng phát nếu không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, hút thuốc, bật lửa trong phòng karaoke. Khi xảy ra cháy sẽ khó có thể dập tắt và thoát hiểm do cả căn nhà gần như bị bịt kín hoàn toàn.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra việc thiết kế, bố trí trang thiết bị của các quán hát karaoke hiện nay tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Ảnh: Cao Tuân

Từng có thời gian dài đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra việc sử dụng điện bừa bãi dẫn đến hiện tượng quá tải tại các quán hát. “Từ một căn nhà cao tầng với công năng sử dụng làm nhà ở hoặc văn phòng nhưng “biến” thành một quán karaoke thì hệ thống điện trên đã không còn phù hợp nữa. Đó là chưa kể các thiết bị điện đi kèm không đảm bảo, không thể chịu đựng được trước sức ép của hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ quán”, ông Nghiêm nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc cháy nổ tại các quán hát là hiện tượng đã được cảnh báo. Hầu hết các quán karaoke đều thiết kế theo kiểu bịt hết cửa sổ, ban công để làm phòng kín, cách âm. Hậu quả là khi xảy cháy người bên trong không có lối thoát hiểm, còn lực lượng chức năng muốn vào ứng cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khi cháy nổ, thiệt hại về người và tài sản vô cùng lớn.

Trước đó, khoảng 14h ngày 1/11, hỏa hoạn bùng phát từ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông. Lửa nhanh chóng lan ra các nhà lân cận. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ thuộc Công an Hà Nội, Cảnh sát PCCC Hà Nội, Bộ Tư lệnh thủ đô và các lực lượng liên quan đã đến hiện trường chữa cháy, tìm kiếm nạn nhân.

Sau 7 tiếng chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện 13 nạn nhân tử vong. Lửa thiêu rụi toàn bộ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông và mặt tiện 3 căn nhà gần đó.

Cảnh đổ nát sau vụ cháy quán karaoke Trần Thái Tông chiều 1/11. Ảnh: Tiến Tuấn

Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ cháy bước đầu được xác định do thiếu thận trọng khi hàn bảng quảng cáo tại tầng 2, nhà karaoke số 68. Cơ sở này có 9 tầng, diện tích mặt sàn khoảng 90 m2 đã bị cháy hoàn toàn; toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo của các số nhà 70, 72, 74 đều bị cháy.

Ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông do bà Nguyễn Diệu Linh 30 tuổi, ở quận Hà Đông làm chủ. Chủ kinh doanh này chưa đầy đủ các giấy phép theo yêu cầu của pháp luật như giấy thẩm định về phòng cháy chữa cháy, cũng như chưa có giấy phép về kinh doanh karaoke.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 - phụ trách quận Ba Đình và Đống Đa thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Trên địa bàn Hà Nội, hầu hết những quán karaoke đều là nhà dân được hoán cải, chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì thế, các tiêu chuẩn về an toàn PCCC không thể đáp ứng được ngay cả khi chủ cơ sở tuân thủ. Bởi theo quy định hiện nay, việc xây dựng phục vụ mục đích gì phải được thẩm duyệt an toàn PCCC từ khi khởi công và trước khi đưa vào sử dụng phải được cơ quan Cảnh sát PCCC nghiệm thu”.

Cũng theo phân tích của Đại tá Nguyễn Trường Sơn, những căn nhà ống chuyển thành điểm dịch vụ kinh doanh karaoke không thể đủ điều kiện về an toàn PCCC. Nhà ống có cách phân bố phòng chia cắt, không có lối thoát hiểm, hành lang thoát hiểm. Nếu xảy ra cháy ở những quán có kiến trúc dạng này thì người ở bên trong rất khó thoát ra, việc chữa cháy cũng hết sức phức tạp.

Thông tin chính thức về số thương vong trong vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông

GiadinhNet - Tại buổi thông tin nóng diễn ra đêm nay, nhà chức trách xác nhận quán karaoke bị cháy chưa có đủ giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, gồm thẩm định về PCCC, điều kiện an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh karaoke...

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/giat-minh-tu-than-nap-trong-quan-karaoke-hinh-nha-ong-201611021750469.htm