Giật mình công nghệ pha chế gia vị với hóa chất và... dòi

Trong thời gian ngắn cận Tết Quý Tỵ, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện hai lò chế biến gia vị thực phẩm quá hãi hùng, hàng loạt nước mắm, mắm tôm, sa tế... đều pha chế với hóa chất Trung Quốc.

Nước mắm “đậm đà, ngon miệng” phải có hóa chất…

Ngày 31/1, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 2, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đã bất ngờ kiểm tra và phát hiện một khu nhà trọ tại khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An có một lò sản xuất nước mắm trên quy mô lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không chứng minh nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như giấy tờ hợp pháp.

Thiết bị máy móc và các thùng chứa nước mắm cất giấu trong khu nhà vệ sinh.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện lò chế biến nước mắm hoạt động lén lút trong khu nhà trọ và công nghệ chế biến rất mất vệ sinh, thậm chí nước mắm và máy móc chế biến cất giấu trong khu nhà vệ sinh. Tại đây đang sản xuất hàng loạt sản phẩm nước mắm nhái thương hiệu có tiếng ở Phan Thiết, Hòn Me... Cơ quan chức năng đãthu giữ trên 4.000 chai loại 500ml - 1 lít. Tạimột căn nhà khác bên cạnh, nhiều công nhân vẫn đang hì hục dán nhãn mác cũng như đóng bao bì trên 5.000 lọ mắm tôm, mắm ruốc các loại. Ngoài ra, một bồn chứa nước mắm khoảng 1.000 lít đã qua chế biến chuẩn bị sang chiết vào chai. Tại nơi sản xuất nước mắm này, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại hóa chất, đường hóa học có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo lời khai của những người làm thuê, công nghệ pha chế nước mắm để cho đậm đà, ngon miệng thì phải cho thêm khoảng 200ml hóa chất và đường hóa học pha nấu với nước sau đó đổ vào bồn 1.000 lít nước mắm trước khi sang chiết đóng chai. Các loại hóa chất mua từ chợ Tân Biên. Một số loại hóa chất để làm chua, giảm độ mặn cho nước mắm.

Sa tế, tương ớt có... dòi

Trước đó, tổ công tác liên ngành gồm cán bộ UBND phường Bình Hòa, Trung tâm y tế dự phòng thị xã Thuận An và Đội QLTT số 2 (thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương) kiểm tra đột xuấttại địa chỉ 4/5B, khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương) phát hiện một thùng chứa tương ớt đã hoàn thành công đoạn nấu đang lúc nhúc... dòi. Dòi sinh ra từ trong tương để lâu ngày, rồi bò lên thành thùng, số khác chết nổi lềnh bềnh trên váng tương. Cán bộ tổ công tác liên ngành đã tiến hành lấy mẫu. Tại hiện trường, 6 thùng chứa tương đã nấu đều bị lập biên bản tạm giữ. Được biết, tổ liên ngành đã dùng đến 22 can nhựa, mỗi can 25 lít mới chứa hết số tương sắp thành phẩm này. Ông Lê Hữu Thọ, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, tổ liên ngành đã tiến hành kiểm kê và thu giữ các loại gia vị phát hiện được gồm: sa tế lẩu bò (loại 250g) 2.028 chai; sa tế Thái (loại 100g) 1.212 chai; dầu mè (loại 100ml) 1.440 chai, tương ớt cao cấp (200ml) 1.132 chai, giấm tinh luyện (loại 250ml) 7.680 chai, (loại 500ml) 3.360 chai, (loại 1 lít) 1.440 chai. Tất cả số hàng hóa trên đều đã thành phẩm. Trị giá số hàng này là hơn 36 triệu đồng. Ngoài ra, còn thu giữ 22 can nhựa chứa tương ớt chưa vào chai. Toàn bộ số hàng đều được niêm phong và đưa về UBND phường Bình Hòa tạm giữ chờ xử lý. Chủ cơ sở trên là ông Đỗ Xuân Viện. Ông Viện khai, cơ sở này đã hoạt động gần 2 năm. Theo lời người chủ, “công xưởng” của ông sản xuất cho một doanh nghiệp có tên Q.V đóng trụ sở tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Bài và ảnh: Dương Chí Tưởng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20130203053923348p61c71/giat-minh-cong-nghe-pha-che-gia-vi-voi-hoa-chat-va-doi.htm