Giáp Hải: Nhà ngoại giao tài tình trong lúc vận nước suy

Giáp Hải (1517 – 1586) là trạng nguyên triều Mạc. Thời gian làm quan dài, giữ chức thượng thư. Ông có nhiều cống hiến lớn về mặt ngoại giao, văn hóa của đất nước. Cuộc đời ông ngay thẳng, trong sạch, nhưng người đời cứ thêu dệt về nguồn gốc xuất thân của ông một cách ly kỳ. Mấy trăm năm sau, thân thế của ông mới sáng tỏ sau một sự việc tình cờ.

Lý lịch bị thêu dệt

Có tới 19 cuốn sách Hán Nôm đề cập đến cuộc đời của trạng nguyên Giáp Hải. Đáng chú ý là các cuốn: Công dư tiệp ký (Vũ Phương Đề viết); Quảng lãm danh ngôn tạp lục; Nam thiên trân dị tập; Dã sử tạp biên; Đại Nam kỳ truyện; Hát Đông thư dị (Nguyễn Thượng Hiền viết). Cuốn viết sớm nhất là Công dư tiệp ký thời hậu Lê, tác giả Vũ Phương Đề sinh sau khi Giáp Hải mất gần trăm năm. Nội dung chủ yếu của 5 cuốn sách trên đều viết về sự ly kỳ trong việc cha của Giáp Hải mất được táng huyệt tốt. Dù có ít nhiều dị bản nhưng đại thể câu chuyện kể về một người phụ nữ bán hàng bên bến Bát Tràng vô tình lấy được hũ vàng chôn dưới gốc đa. Một chú khách (chỉ người Trung Quốc) tìm đến và được trả lại của. Tạ ơn người phụ nữ không tham của, chú khách đã nhờ thầy địa lý xem cho người phụ nữ một huyệt đất. Một thời gian sau, vào một đêm mưa gió mịt mùng, bỗng nhiên có tiếng gõ cửa. Người phụ nữ mở cửa thì thấy một người phu dịch vào xin trú tạm. Người phụ nữ cho ăn, cho sưởi ấm. Rồi tình cảm nảy nở, họ giao hoan với nhau. Không may, người đàn ông bị phạm phòng chết. Người đàn bà sợ hãi vùi lấp tạm vào huyệt mộ đã được thầy địa lý chọn gần đó. Kết quả của đêm mưa gió ấy đã sinh ra một cậu bé. Khi cậu bé được chừng ba tuổi thì bị một thuyền buôn bắt trộm đi. Đó chính là thương gia họ Giáp ở Dĩnh Kế.

Bà mẹ sau này nhận ra con khi đã làm tể tướng là nhờ ở nốt ruồi đỏ ở bàn chân…

Phát lộ bia hộp sau hơn 400 năm táng

Tháng 8-1998, khi tiến hành làm đường giao thông ở núi Cốc Lâm, những người dân thôn Dĩnh Cốc, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện ra tấm là sách đá. Ngay lập tức, tin báo về ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang. Cùng với các nhà khoa học từ Hà Nội về nghiên cứu. Tại Việt Nam, tấm bia hộp ở Dĩnh Trì này là tấm bia hộp thứ 13 được phát hiện (đến nay vẫn chưa phát hiện thêm). Bia tạo thành hình hộp, gồm hai thớt: Thớt trên (nắp bia) khắc tên mộ chí “Mạc triều Đặc tiến Kim tử vinh lộc địa phu Thái bảo Khánh Sơn tiên sinh Giáp công chi mộ” và ghi thêm nội dung chuyển mộ lên núi Cốc Lâm ngày Nhâm Dần, tháng 8 năm Hoàng triều Diên Thành thứ 4 (1581). Thớt dưới khắc nội dung chính bài văn bia có tiêu đề: “Tiên khảo Thái bảo Giáp phủ quân mộ chí” được khắc ngay sau khi mai táng người quá cố ngày 26-12 năm Kỷ Dậu niên hiệu cảnh Lịch thứ 2 (1549). Như vậy, sau 32 năm thì được cải táng.

Căn cứ nội dung bia hộp, các nhà khoa học xác định: Đây là bia mộ cha của Giáp Hải. Cha Giáp Hải là Khánh Sơn, là một phú ông giàu có, nhiều ruộng vườn, húy là Đức Kỳ (tên khác là Hà), mất ngày 12-7 năm cảnh lịch thứ 2 (1549) thọ 68 tuổi. Lúc đầu lấy bà họ Nguyễn sinh được một trai là Giáp Hãng, lớn lên giữ chức Cẩn sự lang Phấn Trì đồn điền sở xứ. Sau Khánh Sơn tiên sinh lấy bà kế họ Đỗ, sinh được hai con trai, con đầu là Giáp Trừng (tức Giáp Hải vì lúc đó kiêng húy chữ Hải là tên vua Mạc Phúc Hải), đỗ Tiến sĩ cập đệ nhất danh (tức Trạng nguyên) khoa Mậu Tuất (1538), Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Đông các đại học sĩ, tước Kế khê bá, Trụ quốc. Con thứ hai là Giáp Thanh, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Sùng cẩn tử…

Phải chăng từ sự di chuyển mộ cho “đắc huyệt”, thêm với nguyên quán tổ tiên của Giáp Hải là người ở Cổ Bi, Gia Lâm mà người đời thêu dệt nên huyền thoại về xuất thân của Giáp Hải?.

Cứng cỏi và nhẫn nhịn trong ngoại giao

Giáp Hải tự Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai, lúc nhỏ không ỷ vào trí thông minh trời phú mà cần mẫn chăm học, nổi tiếng là học một biết hai, ứng đối như thần. Tương truyền ông thường tới lùm cây ở chân núi Cốc Lâm (núi Kế) ngồi lên hòn đá tảng, đọc sách. Nhiều khi mải đọc sách quên ăn, khát nước thì đến bên giếng múc uống. Hòn đá lâu ngày lõm thành vết chân. Buổi tối, ông thường rang ít hồ tiêu để khi nào buồn ngủ thì lấy ra đôi hạt nhấm nháp cho cay miệng mà tỉnh ngủ…

Giáp Hải đỗ trạng nguyên đời vua Mạc Đăng Doanh khi 21 tuổi. Ông được giao trọng trách rèn cặp thái tử Mạc Phúc Hải. Giữa lúc đó thì vua Mạc Đăng Doanh mất. Lợi dụng tình thế này, nhà Minh ở phương Bắc sai Mao Bá Ôn cho quân áp sát biên giới nghe ngóng động tĩnh, nếu được thế sẽ tấn công xâm lược. Để bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ lê dân thoát khỏi cảnh chiến trận và họa xâm lăng, thượng hoàng Mạc Đăng Dung đã đưa Mạc Phúc Hải lên ngôi và giao trọng trách ngoại giao cho vị tân khoa Giáp Hải.

Mao Bá Ôn tuy đã áp sát quân ở biên giới nhưng bài học thời Lê Thái Tổ vẫn còn in đậm nên y không dám manh động. Để thăm dò, Mao Bá Ôn bèn gửi cho nhà Mạc một bài thơ Vịnh bèo, dịch nghĩa như sau: Xương cốt như cái kim, trôi theo ruộng nước; Đến bên mới thấy, gốc cắm chẳng sâu; Thân rễ đều rỗng, cành lá cũng rỗng; Đâu dám mọc cành lá, đâu dám có lòng; Đâu biết tản ra, chỉ những tụ lại; Nào biết chìm xuống, chỉ biết nổi lên; Lênh đênh giữa trời, gặp cơn gió mạnh; Quét ra hồ bể, biết đâu mà tìm?.

Tuy bài thơ mượn hình ảnh bèo nhưng để ví với tình cảnh nhà Mạc lúc đó, vừa cướp ngôi nhà Lê, chưa sâu rễ bền gốc, lực lượng mỏng, dễ tan rã trước gió bão. Giáp Hải đã họa lại, dịch nghĩa: Dày như vảy gấm, mũi kim đừng hòng sỏ; Mang áo giáp liền với rễ, chẳng cần phải sâu; Đường đường tranh mặt nước với mây trắng; Đâu để mặt trời rọi xuống sóng nước sâu; Dù cho ngàn trùng sóng vỗ, khó mà phá nổi; Dù muôn trận bão giông, cũng mãi không chìm; Không ít cá, rồng núp ở dưới ấy; Lưỡi câu của Lã Vọng biết đâu tìm?.

Bên cạnh khẩu khí cứng cỏi của bài thơ họa vịnh bèo, Giáp Hải còn bàn tính với Mạc Đăng Dung về đường lối ngoại giao khôn khéo, nhẫn nhục.

Năm 1573, Giáp Hải được cử giữ chức Tuyên Phủ đồng tri, lên Nam Quan thuộc Lạng Sơn cùng quan lại nhà Minh thương nghị giám sát biên giới. Với những lý lẽ sắc bén, giải pháp thông minh, khiến người Minh phải nể phục, kính trọng, thường chỉ gọi ông là Giáp Tuyên phủ chứ không gọi tên.

Trong cuộc đời, Giáp Hải 5 lần được giao trọng trách ngoại giao đi sứ. Mỗi lần đi sứ hay tiếp sứ ông đều làm thơ, sau tập hợp thành “Ứng đáp bang giao tập”. Ngoài tập sách này ông còn viết các cuốn: Tuy phong tập; Cổ kim bang giao bị lãm. Đến năm 1919, sách Thiên Nam trân di tập khi viết về tác phẩm của Giáp Hải vẫn còn ghi tác phẩm của Giáp Hải đang lưu hành ở đời. Thế nhưng, đến nay giới nghiên cứu sưu tầm được những tác phẩm của ông vô cùng ít ỏi. Đặc biệt những sách về ngoại giao bị thất lạc nhiều. Sách Cổ kim bang giao bị lãm hiện chỉ còn 9 bài tấu của vua Lê Lợi và đình thần gửi nhà Minh…

Trạng Ác

Ngoài cái tên Trạng Kế, Giáp Hải còn được dân chúng gọi là Trạng Ác. Đó là chỉ tính cách ngay thẳng của ông. Tương truyền, năm 1558, khi Giáp Hải được cử làm Đề điệu cho kỳ thi hương ở trấn Sơn Nam ông đã truyền xử trảm một thí sinh gây rối trường thi. Trong 49 năm (1538-1586) phò nhà Mạc, giữ nhiều chức tước lớn như: Đông các đại học sĩ; Thượng thư các bộ Lại, Binh, Hộ, Hình, Công; Thiếu bảo luận quận công; Thái bảo sách quốc công, Giáp Hải là vị quan thanh liêm, đạo cao, đức trọng, là người có tài ngoại giao, trị quốc và là nhà kinh tế, nhà quân sự, nhà văn hóa giàu lòng yêu nước, thương dân. Ở thời vua nào ông cũng dâng sớ nói thẳng. Với Mạc Mâu Hợp, ông từng vạch rõ 6 điều đáng sợ cần sửa đổi. Đó là: Thờ phụng tổ tiên không được coi trọng; ưa nịnh hót, không nghe can gián; quan tham lại nhũng đua nhau vơ vét, chiếm đoạt ruộng đất, sách nhiễu mua rẻ của dân; nạn kiện cáo, đút lót; việc công việc tư đều bị sách nhiễu, dân khó sống… Với việc binh, ông khuyên vua: “Phải nêu rõ pháp lệnh, chấn chỉnh kỷ cương, cẩn thận phòng thủ, đắp lại thành quách, tập luyện binh mã, chỉnh bị khí giới, sửa sang thuyền bè, đặt thêm dinh trại, định phiên thứ…”. Thậm chí trong thơ ông còn nói rõ cuộc chiến tranh với họ Lê là nhằm bảo vệ quyền lợi của tầng lớp cai trị: “Sự tế công thành hà sở nguyện; Thái bình thiên tử, thái bình dân” nghĩa: Xong việc nên công còn mong gì hơn thế; Thiên tử được thái bình thì dân cũng được hưởng thái bình.

Mấy đời vua Mạc đều không chấp thuận đơn từ chức Giáp Hải, dù ông nại lý do tuổi già, mấy người con tài giỏi (Giáp Lễ đỗ tiến sĩ năm 1568) đều mất sớm. Cho đến khi ông được chấp thuận, về quê được mấy tháng thì mất, thọ 70 tuổi. Mộ ông đặt tại núi Kế, đến năm 1949 thì bị giặc Pháp phá hủy.

Mạnh Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/giap-hai-nha-ngoai-giao-tai-tinh-trong-luc-van-nuoc-suy/107146