Giáo viên trẻ ở Sài Gòn chật vật bám nghề

Có lần chị Tuyết khóc, muốn bỏ nghề giáo viên mầm non để làm lại từ đầu nhưng rồi không đặng, vì tiếng nói cười của trẻ thơ.

Trước việc điểm chuẩn ngành sư phạm thấp và những dèm pha "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" mấy tuần nay, chị Trần Thị Thanh Tuyết (27 tuổi, giáo viên mầm non ở quận Bình Tân (TP HCM) nói thấy chạnh lòng. Bởi chị từng có nhiều lựa chọn ngành nghề nhưng đã quyết tâm theo nghiệp "gõ đầu trẻ".

Gần 10 năm trước, Tuyết thi đại học với số điểm trung bình khá, có thể đậu vào nhiều ngành kế toán, kinh doanh các trường đại học tầm trung. Mặc gia đình khuyên can, cô vẫn nộp hồ sơ vào trường Cao đẳng Sư phạm trung ương TP HCM, ngành Giáo dục mầm non.

Ra trường, Tuyết xin việc ở vài nhóm trẻ trước khi chuyển về trường mầm non khá lớn ở quận Bình Tân. Hơn 5 năm theo nghề, lương của cô giáo quê Vĩnh Long hiện gần 5 triệu đồng mỗi tháng. "Chi tiêu tằn tiện mới dành nổi chừng một triệu đồng, tháng nào ốm đau hay có đám tiệc là không còn dư", chị chia sẻ.

Làm giáo viên mầm non thì công việc luôn chân luôn tay từ sáng đến chiều. Mỗi ngày, chị phải thức dậy từ sớm để 6h30 có mặt ở trường bắt đầu đón trẻ, trưa tranh thủ nghỉ được lát rồi bắt đầu công việc đến 17h.

"Hầu như hôm nào chúng tôi cũng phải làm thêm giờ bởi phụ huynh đón con rải rác và chúng tôi giữ trẻ đến 18h", chị Tuyết cho biết. Công việc theo hợp đồng lao động là được nghỉ thứ bảy và chủ nhật nhưng gần như tuần nào trường cũng có chương trình ngoại khóa, giáo viên phải tham gia.

Nghề giáo viên mầm non áp lực. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng.

Nghề vừa khổ, vừa nghèo, những giáo viên mầm non mới vào nghề cũng nhiều lần chịu oan ức, không biết tỏ cùng ai. Hiện, phần lớn trường mầm non được lắp camera và kết nối với phụ huynh nên từng cử chỉ, hành động của giáo viên đều được dõi theo.

"Chỉ một động tác không khéo, gây hiểu lầm thì giáo viên sẽ nhận những hậu quả khôn lường", Tuyết nói và kể cô từng chứng kiến đồng nghiệp bị phụ huynh chửi bới thậm tệ khi họ thấy giáo viên đó chỉ tay, trừng mắt vào mặt trẻ khi chúng nghịch ngợm.

Bản thân Tuyết cũng từng bị sỉ nhục thậm tệ khi phụ huynh nghi oan. Hồi đầu năm, người mẹ đón con ở lớp do chị phụ trách về nhà, đến tối phát hiện vết bầm ở mông trẻ nên nhắn tin hỏi cô. Tuyết từ tốn trả lời không biết sự việc và mở lời xin lỗi người mẹ, hẹn hôm sau gặp hai mẹ con để hỏi chuyện.

Sáng hôm sau, cô giáo tá hỏa khi thấy ảnh mình được chia sẻ ngập trên mạng xã hội với những bình luận "đồ ác độc", "thứ quỷ dữ", "đập chết nó đi"... Hóa ra người mẹ này nghi con mình bị Tuyết đánh ở lớp đã viết bài tố cô cùng ảnh đăng trên mạng, rồi lan truyền cho nhiều người.

Cô giáo nuốt nước mắt quay lại lớp, làm xong công việc trong ngày rồi đến chiều xin gặp phụ huynh kia nói chuyện. Người này sau đó xin lỗi vì nhận ra con trai bị ngã khi chơi đùa với trẻ hàng xóm. Bài viết trên mạng được gỡ nhưng sau cú sốc đó Tuyết xin nghỉ việc một thời gian để ổn định tinh thần.

Ở Sài Gòn, Tuyết ở trọ trong căn phòng nhỏ kế bên trường cho tiện việc đi lại, vài tháng mới tranh thủ về quê được một lần. "Nhiều hôm quá mệt với công việc, tôi muốn buông bỏ công việc, chấp nhận mình đã sai lầm để làm lại từ đầu. Nhưng rồi lên lớp, thấy tiếng nói cười của tụi nhỏ lại bị cuốn vào công việc, không dứt được", cô chia sẻ.

Công việc ở trường thường chiếm hết thời gian trong tuần của giáo viên. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng.

May mắn không phải xa quê như Tuyết, song thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Thái (giáo viên trường THCS ở ngoại thành TP HCM) phải làm đủ nghề "tay trái" để trụ với nghề.

Hơn bốn năm trước, vừa tốt nghiệp cử nhân sư phạm Thái dự tuyển dụng giáo viên của Sở Giáo dục, rồi của phòng giáo dục huyện nhưng đều trượt. Mãi đến giữa năm 2015, anh mới đậu và được nhận vào một trường THCS. Suốt một năm sau đó, thầy giáo 28 tuổi phải dạy hợp đồng với mức lương khoảng 2 triệu đồng.

Do có một số vướng mắc trong đợt tuyển dụng nên mãi đến hôm nay, thầy Thái vẫn chưa được bổ nhiệm chức danh giáo viên chính thức. Lương có tăng chút ít nhưng cũng chỉ đủ tiền xăng đi lại và chi tiêu dè sẻn hằng tháng.

Thái kể, ngoài công việc dạy học trên trường, buổi tối anh nhận dạy kèm cho 5-7 trẻ trong xóm để có thêm chút thu nhập. "Hầu hết các em là con lao động nghèo nên không có tiền học thêm, thù lao trả cho thầy cũng ở mức 'tùy tâm'. Em nào hết tháng mà gia đình túng quá, tôi miễn phí tiền học", Thái kể.

Năm ngoái, khi thành phố có lệnh cấm dạy thêm trong trường học cũng như siết chặt việc dạy thêm ở các "cơ sở", Thái đành ngưng việc dạy kèm ở nhà vì ngại ánh mắt dèm pha của nhiều người. "Mình không làm sai, nhưng cảm thấy tổn thương lắm khi xã hội nhìn vào việc làm thêm của mình như một tệ nạn", thầy giáo nhớ lại.

Để có đồng ra đồng vào, thầy giáo trẻ chuyển qua phụ bán quán cà phê và mua sỉ hoa quả mang ra chợ bán vào buổi tối và dịp cuối tuần. Nhiều hôm, đến tận khuya anh mới từ chợ trở về, tranh thủ ăn uống, tắm rửa rồi lại ngồi soạn, chấm bài.

Mỗi lần kể về nghề, Thái ít than phiền dù đôi lúc chạnh lòng thấy nó vừa áp lực vừa bạc bẽo. Anh cho rằng, cuộc sống ngày càng đắt đỏ nhưng lương giáo viên vẫn "giậm chân tại chỗ" nên những người trẻ buộc phải làm xoay xở đủ đường kiếm sống. Bạn bè cùng lứa với anh, người đi buôn bán mỹ phẩm trên mạng, người khá hơn thì mở tiệm bán đồ ăn, thức uống.

Nhiều lần cha mẹ giục anh cưới vợ để ổn định cuộc sống nhưng thầy giáo trẻ chần chừ bởi "mình chưa lo được thân mình, cưới vợ sinh con lấy gì để sống". Gạt bỏ được gánh nặng cơm áo gạo tiền, những giờ đứng trên bục giảng là hạnh phúc với thầy giáo này. Nhưng vui lại đi với cái nghèo, nghèo lại phải xoay, rồi vòng xoay cứ thế luẩn quẩn.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/giao-vien-tre-o-sai-gon-chat-vat-bam-nghe-216086/