'Giáo viên đừng lôi thôi, hiệu trưởng đừng báo cáo láo'

Một tuần không quá sôi động với các sự kiện giáo dục lớn, nhưng những vấn đề nội tại của ngành vẫn đang là câu chuyện chưa thấy hồi kết.

Học sinh ngồi nhầm lớp – căn bệnh dai dẳng

Trong tuần qua, việc một học sinh lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết dù đã học ở một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc và quyết định chuyển cho học lại từ lớp 1.

Trường hợp này xảy ra với L.S.V, học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Vĩnh Hòa (Thành phố Sóc Trăng). Theo mẹ của V., 5 năm học tại Trường tiểu học Lý Đạo Thành (TP.Sóc Trăng) V. đều lên lớp, có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học.

Trường tiểu học Lý Đạo Thành có học sinh học hết lớp 5 không biết đọc, biết viết (Ảnh: Hoàng Vân)

Đáng lưu ý, năm lớp 4, chính mẹ V. đã đến xin cho con ở lại lớp nhưng nhà trường nói cháu học được nên không cho ở lại. Đến cuối năm lớp 5, mẹ V. tiếp tục xin cho con ở lại lớp nhưng trường vẫn cho lên.

Từ câu chuyện của V., Báo Thanh niên đã phát hiện nhiều trường hợp tương tự. Trường tiểu học Lê Hồng Phong, P.3, TP.Sóc Trăng cũng có một lớp 3 có đến 8/42 học sinh không biết đọc, trên 10 học sinh đọc còn phải đánh vần từng chữ.

Lớp 2H Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A, H.Trần Đề (Sóc Trăng) có 24 học sinh đều là người dân tộc Khmer. Qua khảo sát, chỉ có 4 học sinh đọc trôi chảy. Trong 20 học sinh còn lại, có em đánh vần khó nhọc, một số em khác chỉ biết vần nhưng không ghép được, có em hoàn toàn không biết đọc, biết viết…

Từ câu chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp”, căn bệnh thành tích trong giáo dục một lật nữa được đem ra mổ xẻ.

Một trưởng phòng giáo dục tại TP.HCM, trong bài viết “Học sinh lớp 6 phải quay về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết: Áp lực thành tích quá rõ!” trên Báo Thanh niên, cho biết theo quy định các trường trong thời hạn được công nhận đạt chuẩn quốc gia tối thiểu phải đạt các chỉ tiêu như: tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hằng năm không quá 6%, học sinh xếp loại giỏi từ 3% trở lên, khá từ 35%, loại yếu, kém không quá 5%. Hạnh kiểm xếp loại khá, tốt từ 80% trở lên, loại yếu không quá 2%.

Tuy nhiên, rất ít trường bám vào các tỷ lệ này mà luôn đặt mình trong sự so sánh với các trường chuẩn khác và đuổi theo thành tích mà các trường này đã đạt được, nên thành tích đều vượt xa tỷ lệ quy định” - vị này thông tin.

Còn trong bài viết “Giáo viên đừng lôi thôi, hiệu trưởng đừng báo cáo láo nữa”, Báo Thanh niên tìm gặp lại người thầy phát hiện hiện tượng học sinh "ngồi nhầm lớp" từ cách đây hơn 10 năm. Đó là ông Đoàn Dụng, hiện đang là Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi.

Trong hội nghị tổng kết năm học 2005 - 2006 của ngành giáo dục, ông Đoàn Dụng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân khen thưởng vì sự dũng cảm, thẳng thắn và trung thực giúp “chữa chạy” căn bệnh thành tích của ngành.

Theo ông Đoàn Dụng, “nếu bây giờ mà rà soát đồng bộ trên cả nước, chắc chắn không chỉ riêng ở Sóc Trăng mà nhiều tỉnh thành khác cũng sẽ có trường hợp học sinh đang ngồi nhầm lớp”.

Để chữa căn bệnh này chỉ có cách: “Trường phải dạy đàng hoàng, nghiêm túc. Giáo viên dạy phải có tâm, đừng có lôi thôi nữa, và hiệu trưởng đừng bao giờ báo cáo láo nữa”.

Với vấn đề bệnh thành tích, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên cho rằng đã thi đua thì phải đặt ra chỉ tiêu để mà phấn đấu, nhưng không dung túng cho thành tích giả.

“Bệnh thành tích” là một việc lớn mà nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp phải khắc phục, giải quyết chứ không phải chỉ riêng ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo ông Thuyết, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý thì “các thầy cô phải là những tấm gương, phải có trách nhiệm với chính sản phẩm giáo dục của mình vì giáo dục mang sứ mạng đặc thù là dạy người”.

Công bố đề thi minh họa: “hạ nhiệt” cho học sinh lớp 12

Ngày 5/10, Bộ GD-ĐT “giữ đúng lời hứa”, công bố đề thi minh họa 14 môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Sau hơn 1 tháng “ngóng đề”, học sinh và giáo viên lớp 12 trên toàn quốc đã có được hình dung cụ thể về cách làm bài trong kỳ thi nhiều thay đổi của năm 2017. Đã có nhiều ý kiến về các đề thi minh họa, tuy nhiên, nhìn chung các đề thi của Bộ không còn vấp phải sự phản ứng mạnh nào của giáo viên, học sinh, chuyên gia giáo dục.

Bộ Giáo dục “bác” đề án thi riêng của TP.HCM.

Cũng liên quan đến kỳ thi năm 2017, Bộ GD-ĐT đã chính thức có văn bản “bác” đề án thi riêng của TP.HCM .

Lãnh đạo Bộ cho biết ngày 28/9/2016, Bộ GD-ĐT đã có công văn ban hành phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và các năm tiếp theo thống nhất chung cả nước. Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời theo tinh thần công văn này, đảm bảo sự thành công chung của kỳ thi.

Học sinh đang hứng chịu bạo lực

Hai clip học sinh đánh nhau xuất hiện trong tuần gây chấn động không chỉ bởi cả nạn nhân và thủ phạm đều là những người cùng trang lứa, cùng là nữ sinh, mà còn bởi mức độ dã man của hành động.

Hình ảnh nhóm thiếu nữ túm tóc, đạp vào mặt nữ sinh Trường THPT Tây Thụy Anh. (Ảnh cắt từ clip)

Ngày 7/10 xuất hiện clip em Tống Thị M.L (nữ sinh Trường THPT Tây Thụy Anh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trên đường đi học về bị nhóm thiếu nữ chặn đường túm tóc giật mạnh, dùng chân đá liên tiếp vào mặt và đầu. Sự việc xảy ra trưa ngày 4/10, tại khu vực xã Thụy Dương (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Trước đó, ngày 5/10, trên mạng xã hội vừa xuất hiện video clip nhóm nữ học sinh ở Nghệ An đánh hội đồng bạn gái.

Đoạn video clip dài 1 phút 36 giây, ghi lại cảnh nhóm học sinh khoảng 6 người thay nhau nắm tóc, dùng dép đánh vào mặt, đấm đá liên tiếp vào 3 học sinh cùng lứa tuổi.

Theo xác minh của cơ quan công an, sự việc xảy ra vào khoảng 16h chiều ngày 2/10, với các nạn nhân và thủ phạm đều là học sinh Trường THCS Quỳnh Long (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Đây là lần thứ 4 các nạn nhân trên bị đánh.

Một sự việc đau lòng khác cũng liên quan tới bạo lực đối với trẻ nhỏ. Đó là việc học sinh từng bị phụ huynh của bạn đánh đã treo cổ tự tử . Sự việc xảy ra trưa ngày 25/9 nhưng tới ngày 4/10 mới được thông tin rộng. Chỉ ít ngày sau khi bị phụ huynh của bạn cùng trường đánh, em Bùi Quang Huy (học sinh lớp 8A, Trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) đã treo cổ tự tử khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.

Hình ảnh bé Tạ Văn Long bị bố đánh bầm mông khiến nhiều người không khỏi xót thương

Và mới nhất, ngày 7/10, cư dân mạng liên tục chia sẻ hình ảnh cậu bé Tạ Văn Long (xóm Nguyễn, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) trong tình trạng phải nhập viện vì bị bầm và rướm máu ở mông . Sự việc xảy ra do người bố vì quá tức giận khi nghe tin con trai ăn cắp, đã đánh cậu con trai 13 tuổi rất nặng tay.

Ngân Anh tổng hợp

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/332854/giao-vien-dung-loi-thoi-hieu-truong-dung-bao-cao-lao.html