'Giáo trình' đặc biệt của những sinh viên An ninh nước bạn Lào

Từ lâu, Báo CAND là món ăn tinh thần của nhiều độc giả không chỉ trong nước mà ở một số quốc gia tập trung bà con Việt kiều sinh sống trên thế giới. Nhưng ít ai biết, các ấn phẩm của Báo CAND còn là "giáo trình" tham khảo trong quá trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài...

Thật tự hào khi ở một nơi cách xa Hà Nội cả ngàn cây số, chúng tôi cầm trên tay tờ An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu – những ấn phẩm của Báo CAND trong một lớp học dạy tiếng Việt cho những sĩ quan An ninh Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Tôi gặp Trung tá Khăm Xỷ lần đầu tiên ở Vientiane trong chuyến tháp tùng Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an sang thăm và làm việc với Bộ An ninh CHDCND Lào cách đây hơn 3 năm.

Hôm đó ngồi trò chuyện với anh bên bờ sông Mê Kông hồng rực hoa đoọc kẹo, nghe Khăm Xỷ say sưa nói chuyện ban đầu tôi nhầm tưởng anh là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam. Anh nói tiếng Việt quá sành điệu, thi thoảng còn chêm vài câu tiếng lóng chẳng khác chi dân Hà thành vẫn ngồi “chém gió” ở quán bia vỉa hè mỗi buổi chiều tan sở.

Danh thắng Tháp Luông ở thủ đô Viêng Chăn.

Trung tá Khăm Xỉ năm nay 40 tuổi, là Trưởng khoa Toán - Tin Học viện An ninh Quốc gia Lào. Anh là cựu học viên D15 (tương đương D24) Học viện An ninh nhân dân (niên khóa 1999 - 2005). Khăm Xỷ nói tiếng Việt như người Việt và luôn coi đất nước của Bác Hồ như quê mẹ thứ hai.

"Tôi ở Việt Nam 6 năm, trong đó có 5 năm theo học tại Học viện An ninh nhân dân. Với tôi kỷ niệm sâu sắc nhất chính là tình cảm của các thầy cô đã dìu dắt, đùm bọc, nâng đỡ tôi và 15 sinh viên Lào suốt những năm tháng học tập. Cảm ơn đất nước Việt Nam đã cho tôi thêm một ngôn ngữ để tiếp cận những chân trời kiến thức mới" – Khăm Xỷ xúc động chia sẻ.

Suốt 6 năm học tập ở Việt Nam, Khăm Xỷ được các thầy cô hết lòng giúp đỡ, từ học hành đến sinh hoạt thường ngày. Những kiến thức, lý luận học hỏi được dưới mái trường đào tạo sỹ quan An ninh Việt Nam là nền tảng để anh cùng đồng nghiệp khi về nước xây dựng lý luận khoa học, nghiệp vụ tiếp tục đào tạo các thế hệ trẻ ở Học viện An ninh quốc gia Lào hôm nay.

Nhờ năng khiếu sư phạm và có ngoại ngữ (tiếng Việt) giỏi, bên cạnh việc chính là giảng dạy về nghiệp vụ an ninh thông tin, Trung tá Khăm Xỷ còn kiêm nhiệm đứng các lớp dạy tiếng Việt cho các sỹ quan an ninh – cảnh sát; tham gia phiên dịch các chuyến công tác, hội đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa Bộ An ninh Lào và Bộ Công an Việt Nam.

Trung tá Khăm Xỷ hướng dẫn học viên học tiếng Việt qua Báo CAND

Trung tá Khăm Xỷ "tiết lộ" bí quyết giỏi tiếng Việt của mình: “Thực ra học tiếng Việt rất khó bởi tiếng Lào thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai chịu ảnh hưởng của tiếng Phạn trong khi tiếng Việt thuộc ngữ hệ Latin, nên nó “lệch” nhau không dễ học.

Nhưng ngoài việc chịu khó nghe nói nhiều, các thầy cũng bảo chúng tôi phải năng đọc báo, xem truyền hình, nghe radio tiếng Việt. Hồi đó thư viện nhà trường có đủ các đầu báo tiếng Việt nhưng sinh viên Lào chúng tôi thường xuyên đọc các ấn phẩm của Báo CAND bởi ở đó bên cạnh nguồn tin tức phong phú, dồi dào thì phải kể đến những trau dồi thêm ngôn ngữ, kiến thức nghiệp vụ của lực lượng Công an".

Khăm Xỷ là một “tín đồ” của Báo CAND từ nhiều năm nay. Anh có thể kể vanh vách các chuyên mục hot, những cây bút có tên tuổi của Báo An ninh Thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Văn nghệ Công an. Mỗi khi có bạn bè sang Việt Nam học tập, công tác trở về, anh lại bảo mọi người mua quà cho mình là các ấn phẩm của Báo CAND.

Khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của anh khá đến mức đã vài lần Khăm Xỷ viết tin và được đăng tải trên Báo CAND. Tết năm ngoái, anh viết bài và được đăng trên số báo CAND Xuân Bính Thân 2016 với tác phẩm “Gặp đại gia người Việt trên đất nước Triệu Voi”.

Các học viên lớp tiếng Việt của các sỹ quan Học viện An ninh quốc gia Lào với ấn phẩm Báo CAND.

Từ năm 2015 đến nay, Học viện An ninh Quốc gia Lào tổ chức được 4 lớp đào tạo tiếng Việt cho các sỹ quan an ninh, cảnh sát thuộc Bộ An ninh và An ninh các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam. Ngoài giáo trình chính thức, một trong những “giáo trình” quan trọng cho các buổi lên lớp của Trung tá Khăm Xỷ là các ấn phẩm Báo CAND.

Đại úy Chăn Đi Xây Tông Phông ở An ninh tỉnh Luông Pra Băng nói với chúng tôi: “Công việc của chúng tôi thường xuyên phải phối hợp với Công an, Biên phòng Sơn La và Điện Biên trong đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy.

Nhờ tham gia lớp học này, tôi có thể làm tốt công việc của mình hơn; tiếp cận nhiều tài liệu nghiệp vụ trong đấu tranh chuyên án mà các bạn Việt Nam gửi sang”. Chăn Đi Xây vừa kết thúc 7 tháng tham gia khóa học tiếng Việt ở Học viện An ninh Quốc gia Lào. Anh có thể nghe tốt và giao tiếp được bằng tiếng Việt. Chăn Đi Xây bảo anh cũng học thầy Khăm Xỷ, và cũng sưu tập khá nhiều các ấn phẩm Báo CAND, và vẫn coi đó là cẩm nang trau dồi thêm vốn tiếng Việt của mình.

Một ngôi chùa ở thủ đô Viêng Chăn

Thượng úy In Thi In Tha Vông là nữ học viên khá nhất đang theo học lớp tiếng Việt do Trung tá Khăm Xỷ đứng lớp ở Học viện An ninh Quốc gia Lào. Tha Vông đang công tác tại An ninh tỉnh Sa La Văn. Trước khi đến đây cô chưa từng biết một câu tiếng Việt nhưng bây giờ cô có thể nói chuyện với chúng tôi khá thoải mái bằng tiếng Việt.

Tha Vông có phong cách trẻ trung và hiện đại. Cô bảo “Thầy Khăm Xỷ nói phải đọc báo CAND để trau dồi thêm ngôn ngữ nhưng em chỉ đọc mỗi báo điện tử CAND thôi. Em còn vào fanpage Báo CAND để kết bạn với các bạn Việt Nam và tham gia “bình loạn” – (chữ của Tha Vông – PV) để bổ sung thêm vốn từ vựng cho mình”.

Thiếu tá Khăm Vy Lay ở An ninh tỉnh A Ta Pư cũng là một học viên xuất sắc của lớp tiếng Việt. Chia sẻ về cách tiếp cận tiếng Việt của mình, Khăm Vy Lay bảo, anh có cách trau dồi ngôn ngữ khá hay. Đó là dịch các bài báo CAND ra tiếng Lào. Dịch xuôi rồi dịch ngược, sau đó nhờ thầy Khăm Xỷ chấm điểm để đánh giá khả năng và sự tiến bộ của mình.

Lớp học tiếng Việt ở Học viện An ninh quốc gia Lào

Khăm Vy Lay thường xuyên nghe radio tiếng Việt, xem kênh truyền hình ANTV. Anh bảo thích nhất là chương trình “Chuyện kể lúc 0h” của ANTV. Anh bảo nghe các diễn viên hội thoại diễn cảm, giọng đọc chuẩn nên anh trau dồi khá tốt vốn từ vựng và cách phát âm ngữ pháp vốn dĩ rất phức tạp của tiếng Việt.

Trên thế giới này thật hiếm có mối quan hệ nào lại đặc biệt, thủy chung, trong sáng như hai dân tộc Việt – Lào; và cũng không ở đâu cho chúng ta cảm giác gần gũi, bình dị và thân thương như ở Việt Nam khi đặt chân đến đất nước Triệu Voi.

Giữa một buổi chiều nắng vàng óng ả ở thủ đô Vientiane, cách xa Hà Nội hàng ngàn cây số, chúng tôi đã nghẹn lòng xúc động và tự hào khi được cầm trên tay tờ Báo CAND, chuyên đề An ninh thế giới và Cảnh sát toàn cầu. Chia tay chúng tôi, Khăm Xỷ nở nụ cười tỏa nắng: “Hà Nội lạnh lắm, để mình gửi cho chút nắng vàng ăn Tết con Gà vui vẻ nhé”.

Hoa OanhVũ - Khamsy Xayyaxoke

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/ca-41-giao-trinh-dac-biet-cua-nhung-sinh-vien-an-ninh-nuoc-ban-lao-425262/