Giao thông thiệt hại gần 800 tỷ đồng do mưa lũ

Các đợt mưa lũ trong tháng 10 và đầu tháng 11 ở miền Trung đã gây tổng thiệt hại 799 tỷ đồng đối với hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt.

Nhiều tuyến QL qua miền Trung bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ hồi tháng 10. Ảnh Báo Giao thông

Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ GTVT cho Thời báo Tài chính Việt Nam biết, các đợt mưa tháng 10 do ảnh hưởng từ cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới đã gây thiệt hại nhiều tuyến quốc lộ (QL) như: QL1, QL7, QL12A, QL12C, QL15, QL16, QL48D, QL48E và đường Hồ Chí Minh.

Thiệt hại kinh phí ước tính trên hệ thống QL dự kiến 120 tỷ đồng. Trên hệ thống đường địa phương thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Nghệ An thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng, Hà Tĩnh là 90 tỷ đồng và Quảng Bình khoảng 120 tỷ đồng.

Từ ngày 1-5/11, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đợt mưa với lưu lượng lớn, xảy ra trên diện rộng, nên hệ thống hạ tầng giao thông QL như QL1, QL14B, QL19, QL19C, QL25, QL27, QL27C, QL29, QL40B, đường Trường Sơn Đông và đường Hồ Chí Minh và đường địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.

Ước tính, thiệt hại trên hệ thống QL là 220 tỷ đồng, còn trên hệ thống đường địa phương vào khoảng 129 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Quảng Nam thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng, tỉnh Bình Định 114 tỷ đồng, tỉnh Phú Yên khoảng 10 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực đường sắt, đợt mưa lũ tháng 10 gây thiệt hại về hạ tầng khoảng 80 tỷ đồng. Riêng đợt mưa lũ vào đầu tháng 11 cũng làm nhiều đoạn đường sắt từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa bị xói lở nền đường, trôi nền đá khiến nhiều đoàn tàu khách và tàu hàng đều phải dừng lại.

Đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khắc phục cơ bản bước 1, tuyến đường sắt đã thông. Một số vị trí còn hạn chế chạy dưới 10 km/giờ đang tiếp tục khắc phục.

Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ GTVT cũng cho biết thêm, để bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả sau bão, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) II, III; các sở GTVT tập trung lực lượng thu dọn biển báo, cây đổ, đất đá tràn mặt đường để thông xe; những vị trí sụt ta luy âm dùng kè rọ thép; những vị trí bị nước ngập mặt đường tổ chức cắm cọc tiêu, rào chắn cảnh báo và tổ chức trực gác 24/24h; phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tổ chức phần luồng điều hành giao thông.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/giao-thong-thiet-hai-gan-800-ty-dong-do-mua-lu/291253.vgp