Giao thông khu vực Nam bộ, bao giờ hết quá tải?

Sáng 25-5, Báo SGGP tổ chức tọa đàm "Đầu tư cho giao thông Nam bộ". Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã tham dự.

Trên các phà, người và phương tiện đứng chật kín

50 năm qua, thời gian đi lại chưa được rút ngắn

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP NGUYỄN THÀNH LỢI cho biết: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống giao thông ở khu vực Nam bộ mới bắt đầu được tập trung đầu tư. Tuy nhiên, tính ra mới chỉ có một số cây cầu như cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, Rạch Miễu…. được xây mới thay thế cho phà. Một số đoạn trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51… được cải tạo, mở rộng.

Trong tổng số 746 km đường cao tốc đã được đầu tư và đưa vào sử dụng trên toàn quốc, khu vực phía Nam chỉ có gần 100km (TPHCM - Dầu Giây 43 km và TPHCM - Trung Lương 42 km). Dự án xây dựng đoạn tuyến cao tốc quan trọng cho sự phát triển của miền Tây Nam bộ: Trung Lương đi Cần Thơ, bị dời lại nhiều lần vì nhiều lý do. Ngay cả với dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam đang được Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai thực hiện, đơn vị tư vấn cũng đề xuất ưu tiên đầu tư trước cho những đoạn tuyến ở khu vực phía Bắc.

Toàn cảnh buổi tọa đàm Đầu tư cho giao thông Nam bộ. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, Nam bộ bao gồm miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ và TPHCM là một trong những khu vực có hoạt động sản xuất, kinh doanh năng động nhất nước. Trong đó vùng TPHCM bao gồm 8 tỉnh, thành: TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang có hoạt động sản xuất chiếm đến hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực trọng điểm, có tính quyết định đối với đất nước.

Những năm qua vùng này đã đóng vai trò là một trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo có tính quyết định đối với đất nước; là vùng sản xuất thực phẩm lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, nhất là nuôi trồng thủy hải sản ven biển, trên sông. Có các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao.

Điều này, vừa không đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính vừa không tính công bằng. Những nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, lưu lượng xe vận chuyển cao như khu vực phía Nam, cần được ưu tiên đầu tư. Thế nhưng thực tế ngành giao thông lại đang tập trung đầu tư cho khu vực tăng trưởng kinh tế thấp, lưu lượng xe ít.

Sự đầu tư lệch pha này rõ ràng đã và đang ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của vùng đất Nam bộ. Chưa kể, trong bối cảnh nợ công tăng cao, một đồng vốn bỏ ra, dù là vốn ngân sách, xã hội hóa hay được vay ưu đãi đều phải được cân nhắc kỹ, phải được đầu tư vào nơi mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất. Đây là cơ sở quan trọng để đất nước qua khỏi giai đoạn khó khăn này và phát triển mạnh mẽ như sự mong mỏi của người dân.

Từ TPHCM ngược về khu vực Đông Nam bộ và khu vực Nam Trung bộ, nhiều tuyến đường đã được cải tạo mở rộng như Quốc lộ 51, Quốc lộ 13… Cùng với đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, vừa đưa vào sử dụng đã giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Thế nhưng, cũng như khu vực Tây Nam bộ, nhiều tuyến đường ở khu vực này vẫn quá tải do lượng xe lưu thông đã tăng gấp nhiều lần trong những năm vừa qua. Sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như sự phát triển mạnh mẽ của cụm cảng biển Vùng TPHCM đã làm tăng nhu cầu chuyên chở của cả khu vực. Xe tăng nhiều nhưng hệ thống đường không tăng đáng kể là nguyên nhân chính làm cho thời gian đi lại trong khu vực vẫn khá dài. Theo nhiều “bác tài” có thâm niên cầm lái hàng chục năm, thời gian đi từ TPHCM tới Nha Trang hoặc Phan Thiết, Ninh Thuận hầu như không được rút ngắn bao nhiêu so với cách nay… 50 năm.

Giao thông Nam bộ chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu vận chuyển

Theo ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM: Vận chuyển hàng hóa ở khu vực Nam bộ “cực lắm”. Đường nhỏ, ít mà lượng hàng hóa cần vận chuyển lại lớn. Xe tải bây giờ toàn loại xe container, xe thùng lạnh lớn, xe loại 30 tấn trở lên mà đường- nhiều tuyến vẫn nhỏ như đường làng. Theo tôi, đường ở khu vực này chỉ đáp ứng được khoảng 30%-40% nhu cầu vận chuyển. Dân vận tải hàng hóa chúng tôi thường nói đùa, ở đây: xe chờ đường. Không bù cho nhiều tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ: đường chờ xe.

Tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ thường xuyên xảy ra vào các dịp Lễ, Tết mà còn cả vào những thời điểm cuối tuần. Nhiều đoạn qua tỉnh Tiền Giang, Bến Tre… không chỉ tắc làn đường dành cho xe ô tô mà còn tắc cả làn đường dành cho xe gắn máy 2 bánh. Từ TPHCM đi thủ phủ miền Tây Nam bộ TP Cần Thơ chỉ khoảng 170km trong đó đã có hơn 40km là đường cao tốc mà nhiều xe khách liên tỉnh cũng phải mất đến hơn 5 tiếng đi.

(Tiếp tục cập nhật)

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/giao-thong-khu-vuc-nam-bo-bao-gio-het-qua-tai-446662.html