Giáo sư Việt tại Harvard kể chuyện học tập thời chiến tranh

Giáo sư Ngô Như Bình cho biết vì sống trong thời chiến nên nhiều bạn bè của ông đã lên đường nhập ngũ, việc học hành gián đoạn.

"Việt Nam là nơi tôi sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Nơi đó vẫn còn gia đình, người thân, bạn bè và thầy cô của tôi - những người đã hướng tôi đến con đường mà tôi đã đi suốt mấy chục năm nay", giáo sư Ngô Như Bình, chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại Đại học Harvard, nói về những gì khiến ông luôn đau đáu nhớ về quê hương.

Ngồi trong căn nhà nhỏ tại thành phố Medford thuộc bang Massachusetts (Mỹ), người thầy giáo với mái tóc hoa râm hồi tưởng về những năm tháng tuổi trẻ.

"Nếu cách đây hơn nửa thế kỷ, mùa hè năm 1966, người Mỹ không ném bom Hà Nội, biết đâu tôi đã theo con đường thể thao. Khi ấy, tôi ở trong đội tuyển bơi lội trẻ của thủ đô.

Tuy không dám mơ đến Thế vận hội và lúc ấy vẫn chưa có Á vận hội nhưng thời chúng tôi có đại hội thể thao GANEFO. Chúng tôi luyện tập hăng say để hướng đến cái đích ấy. Thế nhưng, chiến tranh làm gián đoạn tất cả và tôi quay lại con đường học hành. Song khi có điều kiện, tôi vẫn tập bơi", vị giáo sư kể.

Giáo sư Ngô Như Bình hàng ngày thường dành gần một tiếng để "trở về với cuộc sống trên mặt nước" sau tiết học buổi sáng ở trường.

Ông cho hay bơi cũng là phương pháp giúp mình quên đi áp lực của công việc, cũng như cuộc sống thường ngày, để nhớ lại những năm tháng Hà Nội bình yên và êm ả.

Thế hệ lớn lên trong thời hoa đỏ

"Thế hệ của chúng tôi lớn lên trong chiến tranh. Thời chúng tôi đi học là những năm tháng khói lửa, bom đạn, đói khát và rách rưới. Do đó, chúng tôi không học được nhiều, dù các thầy cô hết sức tâm huyết với nghề", người đàn ông đã sống hơn nửa đời người chậm rãi kể.

Hướng ánh mắt về phía xa xăm, giáo sư tâm sự lúc ấy, đói như thế thì làm sao học được, đang học phải chạy bom. Khi đến vùng sơ tán mới, sinh viên phải tự tay làm nhà, dựng lớp, làm ký túc xá hoặc ở với bà con nông dân.

Bị hoàn cảnh cản trở nhưng phần lớn học sinh thời kỳ đó lại có ý thức vươn lên trong con đường học tập và tri thức.

"Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn biết ơn những người nông dân đã đùm bọc trong những năm tháng hết sức khó khăn", ông nói.

Giáo sư Bình cho biết vì sống trong thời hoa đỏ nên thanh niên phải cầm súng ra chiến trường. Nhiều bạn bè của ông đã lên đường nhập ngũ. Một số không bao giờ trở về.

"Từ tháng 1/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, miền Bắc bắt đầu hòa bình, chúng tôi lao vào học, học say sưa, học miệt mài để đền bù cho những năm tháng chiến tranh khiến mình không được học nghiêm chỉnh", giáo sư nhớ lại.

Ông cho biết vì lý do đó, hiện tại, ông vẫn tiếp tục theo đuổi con đường chinh phục tri thức.

Bình luận về chuyện nhiều người trẻ hiện nay sống trong điều kiện tốt hơn nhưng lười học tập, ông nhận định thực trạng này là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, giáo sư phân tích những khác biệt giữa hai thời kỳ và cho rằng những người thiếu ý chí phấn đấu vươn lên là phổ biến song không phải tất cả.

"Một số bạn trẻ vẫn rất ham học và điều này rất đáng mừng. Tôi nghĩ họ sẽ là những hạt nhân đóng góp cho việc thúc đẩy thái độ, tinh thần vươn lên trong học tập và tri thức", ông nói.

Hiện tại, giáo sư Ngô Như Bình vẫn không ngừng học tập và tiếp thu kiến thức mới.

Tình thầy trò trong những ngày 'hoa con mắt'

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, giáo sư Bình vẫn nhớ như in tình thầy trò trong những năm tháng khói lửa. Khi ấy, họ đi sơ tán 3 năm tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Thầy cô và học trò ở gần nhà nhau. Vì vậy, học sinh thường qua nhà thầy cô hỏi bài, được thầy cô cho ăn.

"Tôi vẫn nhớ như in buổi tối mùa đông năm ấy, tôi và anh bạn cùng lớp hẹn đến nhà thầy giáo chủ nhiệm. Khi chúng tôi đến, thầy xuống bếp và bê lên một cái mâm bằng đồng, trên đó là 3 củ khoai lang to mà thầy đã vùi vào đống tro để nướng. Mỗi người một củ.

Chúng tôi ăn khoai lang, uống nước vối trong ánh đèn dầu lờ mờ và nói chuyện về ngôn ngữ và văn chương một cách say sưa; ngon vô cùng, đậm đà vô cùng. Tôi nghĩ có lẽ một phần vì tình thầy trò, một phần vì niềm khát khao vươn đến những đỉnh cao của tri thức", giáo sư chia sẻ.

Kể về một kỷ niệm khác, giáo sư thông tin thời đó ăn uống kham khổ mà ông đang trong tuổi ăn, tuổi lớn nên nhiều khi vừa ăn xong đã thấy đói: "Đói lắm, về không học được. Tôi đọc sách mà chữ cứ nhảy múa trước mắt".

Khi đang đọc sách, hai người bạn của ông đến bảo thầy gọi sang ăn thịt chim quay. Không biết thật hay đùa, cậu sinh viên vẫn chạy qua. Đến nơi, ông nhìn thấy một đĩa chim rán cùng nồi cơm.

Thầy giáo bảo biết sinh viên của mình ăn khỏe, đang đói nên để phần. Thầy bảo ăn xong, hai thầy trò nói chuyện về ngữ pháp tiếng Nga. Chàng trai liền ăn hết đĩa chim rán và nồi cơm.

Ông cho biết khi ấy, thầy giáo của mình vừa mang một khẩu súng hơi từ Liên Xô về. Thầy đi bắn chim, xin chủ nhà ít mỡ, rán lên và mời học trò đến ăn.

Kim Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-su-viet-tai-dai-hoc-harvard-ke-chuyen-hoc-tap-thoi-chien-tranh-post742183.html