Giáo sư - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần: Đèn đã tắt trên giá nhạc...

Như bản giao hưởng Vĩnh biệt của Haydn, mấy chục nhạc công lần lượt tắt đèn cầy trên giá nhạc và cây đàn violon tắt cuối cùng. Giáo sư - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần ra đi, như ngọn đèn cuối cùng rồi cũng tắt.

Giáo sư-Nhạc sĩ Ca Lê Thuần quê ở Mỏ Cày (Bến Tre), sinh ngày 1/4/1938 trong một gia đình có truyền thống văn hóa văn nghệ. Cha ông là Giáo sư Ca Văn Thỉnh – Nhà nghiên cứu văn học, sử học nổi tiếng của đất Nam bộ, từng giữ chức Tổng lãnh sự tại Indonesia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Campuchia, Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ, Viện trưởng Viện Khoa học & xã hội Việt Nam. Mẹ ông là bà Lê Thị Tài, Chủ tịch Hội Phụ nữ Nam bộ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam.

Ca Lê Thuần là người con thứ 3, sau Ca Lê Dân, Ca Lê Du và là anh của nữ NSUT – đạo diễn sân khấu Ca Lê Hồng, các em trai là Ca Lê Hiến (nhà thơ, anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân), họa sĩ Ca Lê Thắng.

Có năng khiếu âm nhạc từ bé, Ca Lê Thuần chơi đàn Accordion và thổi kèn saxophone trước khi vào học sáng tác tại trường Âm nhạc Việt Nam năm 1957. Được cử đi học ở Nhạc viện Odessa, Liên Xô (nay là Cộng hòa Ucraine), ông tốt nghiệp xuất sắc hai bằng Sáng tác và Lý luận.

Về nước, ông dạy hòa âm phức điệu, phân tích tác phẩm ở Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1975. Về TP.HCM, ông giữ chức Phó giám đốc Nhạc viện và tiếp tục giảng dạy. Ca Lê Thuần đã đào tạo hàng trăm nhạc sĩ nổi tiếng. Được sự tín nhiệm của các nhạc sĩ-văn nghệ sĩ, Ca Lê Thuần từng giữ chức Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng thư ký hội Âm nhạc TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học – nghệ thuật TP.HCM.

Ông còn đảm nhận vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Phó ban Tuyên giáo TW, Giám đốc Sở VH – Thông tin TP.HCM, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM.

Mặc dù bận rộn công tác lãnh đạo, Giáo sư – Nhạc sĩ Ca Lê Thuần vẫn dành thời gian hướng dẫn các học viên thạc sĩ, tiến sĩ ở Nhạc viện TP.HCM, và sáng tác không ngừng nghỉ. Các tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, hợp xướng, ca kịch, vũ kịch của ông được biểu diễn trong và ngoài nước cũng như đưa vào giáo trình giảng dạy ở các học viện âm nhạc.

Khán thính giả thường được nghe hợp xướng Việt Nam tiếng hát trái tim ta, Bài ca Việt Nam và ca khúc về Bến Tre nhưng giới nhạc sĩ chuyên nghiệp và những người yêu nhạc cổ điển thính phòng sẽ nhớ mãi Quê hương Đồng Khởi (piano), Những ngày đã qua (violon và piano), 12 bản prélude và 8 fugnes dành cho piano, concerto cho piano và dàn nhạc, tứ tấu đàn dây, bức tranh giao hưởng Dáng đứng Việt Nam, giao hưởng thơ cung rê thứ, Ballade symphonique…

Nhưng đóng góp lớn nhất của Ca Lê Thuần cho âm nhạc Việt Nam là vũ kịch. Ông sáng tác kịch múa Người con gái đất đỏ. Ngọc trai đỏ và Kiều Nguyệt Nga là hai vũ kịch lớn của Việt Nam. Opera Người giữ cồn của ông được công diễn ở TP.HCM và Cần Thơ năm 2013, 2014.

Âm nhạc Ca Lê Thuần vừa có chất anh hùng ca vừa trữ tình. Ông qua đời để lại bao nhiêu thương tiếc cho đồng nghiệp, bạn bè, các thế hệ học trò. Những cựu học sinh trường Âm nhạc Việt Nam ở 32 Nguyễn Thái Học (Hà Nội) làm sao quên được người bạn học thư sinh Ca Lê Thuần dịu dàng và dí dỏm.

Giáo sư - Nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Ảnh: Thanh Hiệp

Như bản giao hưởng Vĩnh biệt của Haydn, mấy chục nhạc công lần lượt tắt đèn cầy trên giá nhạc và cây đàn violon tắt cuối cùng để sân khấu tối om, các nhạc sĩ Nam bộ như Quang Hải, Trí Thanh, Lê Khiêm, Hồ Bông… lần lượt ra đi và bây giờ là Ca Lê Thuần.

Giáo sư – Nhạc sĩ Ca lê Thuần mất đi nhưng âm nhạc của ông còn vang mãi cũng như tình cảm nhân hậu, yêu thương con người, tính hài hước nhẹ nhàng thân thương sẽ còn giữ lại trong con tim bè bạn, đồng nghiệp, học trò.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Thế Bảo

*Tựa bài do Phụ Nữ TP.HCM đặt

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/giao-su--nhac-si-ca-le-thuan-den-da-tat-tren-gia-nhac-92083/