Hoa khôi Hồ Ái Thơ: Bạn gái nên tự làm 'đại gia' cho chính mình!

GD&TĐ - Sáng nay (28/10), trong 90 phút diễn ra giao lưu trực tuyến, Hoa khôi sinh viên Hà Nội 2016 Hồ Ái Thơ cùng các vị khách mời nhiệt tình tư vấn, trao đổi, chia sẻ với bạn đọc xung quanh chủ đề “Giới hạn của tình yêu”.

CÁC VỊ KHÁCH MỜI

1. Bác sĩ Vũ Thị Thanh HươngPhó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ - Tổng Cục Dân số, Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế);

2. Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh - Giảng viên Viện Đại học Mở Hà Nội, Bí thư Đoàn trường;

3. Diễn viên truyền hình Nguyễn Kiên Trung;

4. Hồ Ái ThơHoa khôi sinh viên Hà Nội năm 2016, sinh viên trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội.

Yêu mà cũng phải cần giới hạn? Mới nghe sẽ thấy thật vô lý! Vậy mà bạn biết không, giới hạn ở đây không phải là việc bạn yêu người ấy nhiều hay ít mà là việc bạn biết dành tình cảm đúng lúc, đúng chỗ như thế nào.

Các chuyên gia tâm lý phân tích: Không nên nghĩ khi đã yêu nhau thì hai người sẽ biến thành một! Để lúc yêu say đắm nhất cũng không nên đánh mất cái tôi của bản thân – cá tính riêng tạo nên sự hấp dẫn đối phương, để đối phương yêu bạn; không nên vì người yêu mà xa rời bạn bè - nền tảng tốt nhất giúp bạn duy trì một sự nghiệp tốt đẹp; không nên chỉ yêu mà quên đi chăm chút ăn mặc, trang điểm cho bản thân mình, quên đi cả những hành động, lời nói lịch sự lâu nay vốn có, thể hiện tình cảm một cách thái quá vô tình khiến những giá trị văn hóa, đạo đức bị ảnh hưởng; chiều chuộng người thương mà quên cả sức khỏe, sự an toàn của bản thân, gây hại cho sức khỏe sinh sản trong tương lai…

Để thấy, trong sự vô hạn của tình cảm dành cho nhau, hãy biết vạch ra điểm dừng cần thiết trong mối quan hệ, phân biệt được cái gì của mình, cái gì của người ấy… để khiến tình yêu thêm bền chặt, nồng ấm.

Nắm bắt được nhu cầu của các bạn trẻ - đặc biệt là học sinh – sinh viên cần có những thông tin, trao đổi, chia sẻ cũng như sự giúp đỡ nhìn nhận đúng về tình yêu, hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân…, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Giới hạn của tình yêu”.

Đúng 9h, buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu. 4 vị khách mời phấn khởi, sẵn sàng giao lưu với bạn đọc cả nước qua giaoducthoidai.vn.

Buổi giao lưu là cầu nối tin cậy góp phần trang bị, hướng dẫn cho thế hệ trẻ - nhất là học sinh, sinh viên – những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn, giải đáp những nội dung về giới tính, giải đáp thắc mắc về tình yêu, hôn nhân, tình dục an toàn, kỹ năng sống, phòng tránh thai ngoài ý muốn…

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Bác sĩ ơi, em thấy nhiều bạn gái nói với em là uống thuốc tránh thai ảnh hưởng đến nội tiết. Ra ngoài hàng thuốc hỏi mua thuốc tránh thai thì có rất nhiều loại, có loại chỉ 50.000 đồng, có loại thì lên đến 200.000 đồng. Em hỏi người bán thuốc là giá cao, giá thấp như thế thì thuốc khác gì nhau, người ta nói là thuốc rẻ tiền ảnh hưởng đến nội tiết hơn là thuốc đắt tiền. Vậy sự thực có phải thế không, thưa bác sĩ?

hoangprosg@...

BS Vũ Thị Thanh Hương:

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Chào bạn, thuốc tránh thai đúng là thuốc nội tiết như bạn nói. Tuy nhiên, bạn yên tâm rằng hàm lượng nội tiết này đã được nghiên cứu kiểm định chất lượng. Đối với mỗi cơ thể phụ nữ sẽ phù hợp với 1 loại thuốc tránh thai riêng.

Vì vậy, bạn hãy đến gặp cán bộ ý tế chuyên khoa hoặc cộng tác viên dân số để được khám, tư vấn lựa chọn thuốc tránh thai phù hợp cho riêng mình.

Như vậy, giá thành không phải là yếu tố quyết định đến mức độ ảnh hưởng nội tiết tố bạn nhé.

Không biết bố mẹ chị Ái Thơ có cởi mở với con cái về chuyện tình yêu, giới tính hay không. Bố mẹ em là dân trí thức, đều đi du học nên chuyện đó thoáng lắm. Nhiều khi đề cập đến chuyện đó với em cứ như em biết hết rồi ấy, khiến em ngại không để đâu hết. Theo chị, em có nên thẳng thắn yêu cầu cha mẹ tế nhị hơn không?

truonghamy@...

Hoa khôi Hồ Ái Thơ:

Mẹ Thơ là giáo viên nên rất tâm lý khi nhắc đến chuyện tình cảm của con cái.

Nếu bố mẹ "thoáng quá" trong cách nói chuyện khiến bạn ngại ngùng thì theo mình bạn nên trao đổi trực tiếp với bố, mẹ để có những điều chỉnh trong cách nói chuyện sao cho phù hợp với văn hóa phương Đông mà bạn vẫn có được những kiến thức về chuyện "thầm kín".

Bố em bị ốm phải nằm viện hơn tháng nay nên nhà em không có tiền gửi lên. Bạn trai gợi ý sẽ giúp đỡ trong giai đoạn khó khăn này, mỗi tháng anh ấy sẽ đưa em 2 triệu. Bạn trai em tốt, nhưng gia trưởng nên em vẫn không an tâm lắm về tương lại hai đứa. Em rất băn khoăn, không biết có nên nhận sự giúp đỡ này không, mong chương trình cho em lời khuyên.

huynhkimhuyen@...

Giảng viên Đỗ Ngọc Anh:

Hiện nay, công việc làm thêm cho sinh viên có rất nhiều, để kiếm được 2 triệu đồng 1 tháng không phải là quá khó mà vẫn đảm bảo thời gian học tập.

Nếu chưa thực sự yên tâm nhận sự chu cấp của bạn trai, em có thể liên hệ với các bộ phận hỗ trợ sinh viên của nhà trường để được tư vấn và hỗ trợ việc làm.

Nếu là sinh viên Viện ĐH Mở Hà Nội, bạn có thể liên hệ với Phòng Công tác Chính trị và Sinh viên hoặc Đoàn thanh niên nhà trường.

Ái Thơ ơi, mình năm nay ra trường mà chưa một mảnh tình vắt vai. Trong khi đó, mọi người đều nói mình có duyên, da trắng, cao ráo, chẳng hiểu sao nữa. Chẳng lẽ lại phải chủ động “cọc đi tìm trâu” Thơ nhỉ?

maiquynh@...

Hoa khôi Hồ Ái Thơ:

Thơ nghĩ, trong xã hội hiện đại thì không nên quan niệm là "cọc đi tìm trâu" hay "trâu đi tìm cọc". Nếu bạn thực sự "cảm nắng" với ai đó thì có thể bắt chuyện và tìm hiểu về bạn trai đấy.

Nếu xác định tình cảm đã đến độ "chín" thì bạn hãy mạnh dạn thổ lộ để đối phương biết tình cảm của mình dành cho bạn đấy!

Liệu có phải cứ phải khư khư giới hạn, giữ gìn thì mới có được tình yêu đúng nghĩa và lâu bền? Em có hai người quen, đều có bầu rồi mới cưới mà họ đang sống rất hạnh phúc nên cũng không hiểu bản thân mình phải làm sao cho đúng.

maipn-128@...

Giảng viên Đỗ Ngọc Anh:

Theo mình, tình yêu đúng nghĩa và bền lâu không nhất thiết phải toan tính quá nhiều, nhưng phải tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Bạn có thể hỏi kinh nghiệm của hai người quen đó và thử xem hoàn cảnh của họ có tương đồng với hoàn cảnh của bạn hay không. Ngay cả trong trường hợp tương đồng về hoàn cảnh thì chưa chắc đã cho kết quả giống nhau.

Còn nếu không tương đồng thì rõ ràng bạn phải có hướng đi cho riêng mình cùng với những tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Em năm nay 22 tuổi, bạn gái em 20 tuổi. Em yêu bạn gái em được 1 năm rồi. Mới đây em biết cô ấy bị bệnh hở van tim. Về em kể với mẹ, mẹ em bảo là không nên yêu nữa. Vì lấy vợ mà bị bệnh tim thì khó sinh đẻ sau này. Em đang phân vân quá… Em vẫn yêu cô ấy. Em nên làm thế nào bác sĩ ơi? Có phải bị bệnh hở van tim thì khó đẻ không ạ? Xin tư vấn cho em với!

lansongxanh@...

BS Vũ Thị Thanh Hương:

Bạn thân mến, trong một chừng mực nhất định, hở van tim có ảnh hưởng đến chuyện thai sản của phụ nữ. Song với y học hiện nay, đâu không còn là vấn đề quan ngại nữa.

Chương trình tin rằng, với tình yêu của mình, bạn có thể thuyết phục được gia đình để các bạn có thể đến được với nhau và chuyện con cái được như mong muốn.

Mình có em gái là sinh viên năm nhất đang nằng nặc đòi ở riêng, không ở cùng mình. Tìm hiểu thì biết cô nàng có bạn trai hơn 1 khóa, học cùng trường. Chẳng biết có phải muốn ở riêng để được yêu đương tự do hơn không nữa. Nếu vào Ái Thơ thì bạn sẽ thuyết phục em gái của mình như thế nào?

thuyduong@...

Hoa khôi Hồ Ái Thơ:

Theo Thơ nên thì nên tìm hiểu kỹ lý do vì sao em gái muốn ra ở riêng. Nếu vì lý do em đó muốn "lập thân, lập nghiệp" thì nên ủng hộ. Và tất nhiên, cả nhà sẽ phải luôn đồng hành với em trên mọi nẻo đường để em có những quyết định và bước đi đúng đắn không bị chệch hướng.

Còn nếu vì chuyện yêu đương mà em đó muốn ra ở riêng thì nên có những buổi hai chị em ngồi lại tâm sự trực tiếp với nhau để đưa ra những lời khuyên "về lợi bất cập hại" của việc này.

Em thấy trường mình có dịch vụ ngân hàng nhà trọ cho sinh viên. Thực ra đây là một hỗ trợ tuyệt vời, nhất là năm nhất đang còn bỡ ngỡ. Nhưng dịch vụ này mình chỉ đơn thuần giúp sinh viên tìm nhà ở hay có cả sự quản lý, kiểm soát nữa ạ. Em thấy sinh viên ra ngoài ở, khi yêu đương dễ sống thử lắm, không như ở trong ký túc xá. Rất mong nhận được câu trả lời của thầy!

Nguyễn Thị Thanh Huyền – Hoàng Mai, Hà Nội

Giảng viên Đỗ Ngọc Anh:

Giảng viên Đỗ Ngọc Anh rất vui khi có nhiều sinh viên Viện ĐH Mở Hà Nội đặt câu hỏi rất thú vị trong chương trình giao lưu trực tuyến

Hiện nay, nhà trường đã phối hợp với Ban quản lý khu nhà ở Pháp Vân để hỗ trợ cho sinh viên vào ở ký túc xá sinh viên Viện ĐH Mở Hà Nội tại đây với giá rất sinh viên (205.000/tháng) và thủ tục đơn giản. Các em có thể liên hệ với Phòng Công tác Chính trị và Sinh viên để được các thầy cô hỗ trợ.

Từ tâm lý của đàn ông, xin được anh Kiên Trung tư vấn là có cách từ chối những chuyện tế nhị như quan hệ tình dục để bạn trai không những không giận mà càng yêu mình hơn không? Em xin cảm ơn anh!

Vi Mai Vân - Nam Đàn, Nghệ An

Diễn viên Nguyễn Kiên Trung:

Đây là chuyện nhạy cảm và tế nhị bạn ạ!

Nếu trong những câu chuyện phiếm, mình nghĩ ai cũng sẽ nói “mạnh miệng” rằng không được quan hệ trước hôn nhân, không đi quá giới hạn.

Nhưng, khi chỉ hai người bên nhau thì tình yêu sẽ đến mức độ cao trào và ranh giới là rất mong manh. Chính vì vậy, để tránh những trường hợp khó xử các bạn nên tránh những không gian quá riêng tư.

Các bạn có thể đi chơi cùng bạn bè, tham gia các câu lạc bộ, hoạt động chốn đông người. Có như vậy, các bạn không chỉ thêm gắn kết mà còn tránh được chuyện “tế nhị”.

Xin gửi tới chương trình câu hỏi: Bạn trai em ở Hà Nội, em thuê trọ bên ngoài. Mới đây, anh ấy có ý tưởng xin bố mẹ cho vào ở trong ký túc xá một thời gian, lý do là cùng các bạn làm đồ án cho tiện. Nhưng cũng có một lý do khác chỉ mình em biết, đó là anh ấy muốn có thể dễ dàng qua chỗ em mà không bị kiểm soát. Em băn khoăn lắm vì chỉ ở một mình, dễ xảy ra chuyện ngoài tầm kiểm soát. Mong nhận được lời khuyên của chương trình.

tramnguyenthi@....

Giảng viên Đỗ Ngọc Anh:

Bạn hãy nói với anh ấy, bạn cũng sẽ chuyển vào ký túc xá ở để "gần" anh ấy hơn. 90% anh ấy sẽ thay đổi quyết định, 10% còn lại bạn cũng an toàn không kém trước khi hai người cùng chuyển vào ký túc xá.

Em năm nay 23 tuổi. Cách đây 3 năm, em đã từng bị thoát vị bẹn và đã đi phẫu thuật. Đồng thời là từ nhỏ em đã bị một bên tinh hoàn nhỏ và ẩn ở trên. Hiện tại thì em đi tiểu thấy nước tiểu đục. Em muốn hỏi chương trình là em bị như vậy thì sau này có ảnh hưởng gì đến việc có con không ạ? Gia đình em độc đinh, chỉ mong có cháu trai, nếu em chỉ có một bên tinh hoàn thì liệu có thể có con trai không, thưa bác sĩ?

V.T.N – Bắc Ninh

BS Vũ Thị Thanh Hương:

BS Vũ Thị Thanh Hương: Thoát vị bẹn không ảnh hưởng đến khả năng có con sau này

Chào bạn, bạn đừng quá lo lắng vì thoát vị bẹn không ảnh hưởng gì đến khả năng có con sau này của bạn đâu.

Tuy nhiên, đối với một bên tinh hoàn ẩn và lạc chỗ thì rất cần được thăm khám chuyên khoa để có những can thiệp, xử lý kịp thời, giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến việc có con sau này của bạn.

Chúc bạn vui khỏe và nên sớm gặp bác sĩ của mình.

Quan điểm của Ái Thơ như thế nào về việc sống thử? Ngày nay, nhiều bạn trẻ đã coi sống thử là rất bình thường rồi, nhưng bản thân mình không bao giờ chấp nhận chuyện này. Liệu có phải mình đã quá lạc hậu, lỗi thời rồi không?

Nguyễn Thị Thúy Lan – Hưng Yên

Hoa khôi Hồ Ái Thơ:

Thực tế đã có những câu chuyện, những hệ lụy đáng buồn về sống thử. Điều đó đã đủ để Thơ và bạn có được những bài học sâu sắc cho bản thân.

Nếu coi việc không chấp nhận sống thử không phải là chuyện lạc hậu hay lỗi thời thì hóa ra xã hội này phần lớn là người lỗi thời, lạc hậu hay sao? (cười).

Khi mình còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì việc cần làm lúc này là tập trung học hành thật tốt để sau này có cơ hội việc làm. Và khi đã có việc làm ổn định, mình đã trưởng thành rồi thì lúc đó có thể "sống thật" luôn chứ không cần phải "sống thử" nữa - nghĩa là cưới vợ, lấy chồng (cười).

Người yêu em rất tốt, học giỏi, tương lai rộng mở, tâm lý, chỉ có điều anh ấy có ham muốn rất cao. Mỗi lần anh đòi hỏi, em đều kiên quyết chối từ và em biết anh rất buồn. Em rất lo anh nếu cứ thế này, anh ấy sẽ tìm cách giải tỏa ở bên ngoài mất, và chắc chắn như vậy em sẽ thật khó tiếp tục mối quan hệ này. Nhưng em thực sự rất yêu và sợ mất anh. Em phải làm sao đây ạ?

thienthanhtran@...

Diễn viên Nguyễn Kiên Trung:

Theo mình, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là “nổ” một đám cưới thật to bạn ạ!

Bạn hãy hỏi anh ấy “Nếu anh dám cởi áo một người phụ nữ, thì có can đảm để mặc cho cô ấy một chiếc váy cưới không”?

Chắc chắn, anh ấy sẽ trả lời: CÓ!

Em hãy nói với anh ấy rằng “Hẹn anh đêm tân hôn, người đàn ông can đảm của em”.

Chúc bạn có tình yêu đẹp!

Sinh viên hiện nay có kiến thức về tình yêu, tình dục đã hơn nhiều so với lớp sinh viên thời mình học bởi có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin vô cùng phong phú. Tuy nhiên, cũng làm công tác đoàn ở trường ĐH, mình lại thấy nảy sinh vấn đề khác, đó là suy nghĩ sinh viên thoáng hơn rất nhiều, nên hệ lụy nhiều hơn. Họ rất cần sự định hướng của trường, trong đó có vai trò đặc biệt của Đoàn thanh niên về vấn đề này. Rất mong nhận được chia sẻ, cũng như kinh nghiệm của anh Ngọc Anh.

Dương Quốc Đông – thành phố Vinh, Nghệ An

Giảng viên Đỗ Ngọc Anh:

Trăn trở của anh Dương Quốc Đông cũng là trăn trở của rất nhiều anh chị em làm cán bộ đoàn trong các trường ĐH.

Hướng tiếp cận của anh Đông trong vấn đề này liên quan đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng và định hướng trong đoàn viên - sinh viên.

Tôi cũng đã hơn một lần tham khảo các chương trình hoạt động của ĐH Vinh và đã "sáng" ra rất nhiều điều. Chúng ta có thể trao đổi sâu hơn về vấn đề này qua email: ngocanh0312@gmail.com.

Có lẽ em hơi lạc lõng khi tham gia vào diễn đàn này. Em là sinh viên năm cuối và mới được “nàng” nhận lời cách đây 1 tháng. Người yêu em là cô gái cá tính, năng động. Ở bên người yêu thì anh chàng nào chẳng bị kích thích. Nhưng em thực sự lo lắng: Làm tới thì sợ nàng có ác cảm, ghét bỏ mà không đả động gì thì lại lo bị nghi ngờ về khả năng đàn ông của mình. Em phải làm sao cho phải ạ?

ironman@...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/giao-luu-truc-tuyen-gioi-han-cua-tinh-yeu-2483088-v.html