Giao lưu để thấy rõ mình

QĐND - Liên hoan Phim quốc tế Việt Nam lần thứ I (gọi tắt là LHP) đã đến “giờ G”. Sự chờ đợi của công chúng đang dần nóng lên khi họ sắp được thưởng thức những bộ phim của những nền điện ảnh tiên tiến, được tiếp xúc với nhiều ngôi sao điện ảnh. Còn đối với ngành điện ảnh, đây là cơ hội quý giá để thấy rõ mình hơn. Nhưng, bên cạnh những niềm hy vọng LHP thành công tốt đẹp vẫn còn đó bộn bề nỗi lo.

Chuẩn bị chưa chuyên nghiệp Nếu đòi hỏi một LHP lần đầu tiên được tổ chức ở một nền điện ảnh kém phát triển như Việt Nam lại hoàn hảo từ A đến Z như ở các LHP Âu-Mỹ là điều không tưởng. Nhìn khách quan, những đơn vị tổ chức cũng đã có nhiều cố gắng để LHP đạt đến tầm “chuyên nghiệp”. Trước tiên, thời điểm tổ chức LHP được đánh giá là tương đồng với giai đoạn phát triển nhanh của điện ảnh Việt Nam biểu hiện qua lãi ròng nhờ bán vé và phản hồi tích cực từ dư luận. Ban tổ chức (BTC) LHP cũng có tinh thần cầu thị khi chủ động giao lưu, học tập các nước bạn như: Đề cao tính chất “festival” (liên hoan) hơn là việc "thắng thua" và không chạy theo "doanh thu" khi hạ giá vé hết mức. Công tác truyền thông cũng được coi trọng khi thông tin sớm cho các đơn vị báo chí, phát tờ rơi tại các rạp phim và đặc biệt lập một website: không chỉ đẹp về giao diện mà còn có khá đầy đủ các thông tin cần biết về LHP. Bên cạnh mặt tích cực, đến giờ "G", công tác chuẩn bị còn có nhiều "hạt sạn". Dù kế hoạch tổ chức LHP đã được công bố hơn một năm trước nhưng có vẻ LHP cũng giống nhiều sự kiện ở nước ta là… nước đến chân mới nhảy! Chẳng hạn, do thời gian gấp gáp, BTC không kịp tổ chức Hội chợ phim. Hoặc là, ngày 13-10 (còn 4 ngày tới ngày khai mạc), đạo diễn Hà Sơn cho biết qua báo chí: Ông chưa nhận được giấy mời của BTC về việc Trung úy tham dự LHP (cùng với Long Thành cầm giả ca tranh giải phim truyện nhựa) trong khi thông tin về việc bộ phim chính thức dự LHP đã đăng tải trên website của LHP trước đó hơn một tuần. Giả dụ đoàn làm phim Trung úy từ chối không dự LHP thì khi đó nhiều khả năng nước chủ nhà mất một suất dự thi hạng mục phim truyện nhựa? Nét mới của LHP là sự liên kết giữa cơ quan quản lý (Cục Điện ảnh) với các doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện và truyền thông là công ty BHD và Tập đoàn truyền thông Việt. Điều này tránh cho Cục Điện ảnh phải trực tiếp tham gia nhiều việc sở đoản. Thế nhưng, việc giao phó cho đơn vị tư nhân mà thiếu kiểm tra, đôn đốc đã khiến hiệu quả truyền thông không tốt. Ngoài việc phát tờ rơi cho người đến xem phim ở rạp, có lẽ BTC cũng cần chú ý đến những đối tượng ít có cơ hội thưởng thức điện ảnh. Chúng tôi cũng không thấy poster LHP dán ở các cơ quan, trường học hay treo băng-rôn về LHP ở các trục đường chính ở Hà Nội như các sự kiện khác. Vì thế, tận ngày 15-10, không ít sinh viên Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội liên tục liên lạc với chúng tôi để hỏi thông tin về LHP. Ngay cả với cánh phóng viên đảm nhiệm tuyên truyền về LHP cũng... rỉ tai nhau mà làm là chính. Ngoài ra, sự tổ chức thiếu khoa học đã lộ ra từ đầu khi địa điểm các sự kiện của một festival điện ảnh lại quá xa nhau (có khi đến 20 - 30km), trong khi thời gian trình chiếu của các phim thì lại trùng hoặc sát giờ nhau... Việc chuẩn bị chưa chuyên nghiệp của BTC, nhiều người đã lường trước. Điều những người yêu điện ảnh mong là cần rút kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị để làm tốt hơn ở lần thứ II, tránh đi theo vết xe đổ của một vài sự kiện văn hóa tầm “quốc tế” tổ chức đến lần thứ ba mà vẫn quá nhiều lỗi. Kỳ vọng ở chất lượng chuyên môn Công tác chuẩn bị tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả để quyết định sự thành công của LHP. Các hoạt động chuyên môn của LHP chưa diễn ra thì chưa thể nói LHP thành công hay thất bại. Tuy tính chất là festival nhưng điều nhiều người mong đợi nhất vẫn là kết quả của các hạng mục giải thưởng. Theo như thông lệ các LHP, Giải cống hiến sẽ được công bố trước khi LHP khai mạc. Giải cống hiến của LHP được thông báo và mọi người đều hài lòng khi thuộc về cố đạo diễn, NSND Hồng Sến (1933-1995) - đạo diễn tiêu biểu nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam gắn với những bộ phim kinh điển như: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Nhiệm vụ hoa hồng, Chiến trường chia nửa vầng trăng… Ngoài hai giải thưởng hỗ trợ các nhà làm phim là Giải thưởng NETPAC (Mạng lưới quảng bá điện ảnh châu Á), Giải thưởng hỗ trợ hậu kỳ-Technicolor Châu Á, đối với những giải chính, BTC chủ động chỉ chọn ở ba hạng mục: Phim truyện, phim tài liệu, phim ngắn kèm theo là giải cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Ban giám khảo ở các hạng mục đều là những người giỏi chuyên môn như đạo diễn Người Mỹ trầm lặng Phillip Noyce, đạo diễn Bao giờ cho đến tháng Mười, NSND Đặng Nhật Minh… (phim nhựa). Đó là yếu tố để người ta hy vọng vào sự công tâm, sắc sảo để lựa chọn được những tác phẩm xứng đáng. Theo dự đoán của những người sành điện ảnh, nước chủ nhà nhiều khả năng sẽ giành giải ở hai hạng mục là phim tài liệu và phim ngắn. Những sự kiện bên lề LHP, cụ thể là ba tọa đàm và một hội thảo về phim 3D cũng sẽ thu hút nhiều người quan tâm. Điều mà ai cũng lo ngại là những hội thảo dự định tổ chức với những cái tên nghe rất kêu như: Diễn đàn Giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt Nam, Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ bàn về điều gì mới mẻ và thiết thực hay chỉ để “xôm trò” cho LHP, kết quả tọa đàm sẽ chuyển đến cơ quan nào và quan trọng là có tác động nào không tới đường lối chính sách giúp điện ảnh nước nhà tăng tốc? Tăng tốc nền điện ảnh, khẳng định đẳng cấp trên “bản đồ” quốc tế bằng những bộ phim có tính nghệ thuật cao hoặc có doanh thu lớn là mục tiêu quan trọng của điện ảnh Việt Nam. Bài và ảnh: Trần Hoàng Hoàng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/36/36/126958/Default.aspx