Giáo dục Trung Quốc: Học sáng tạo của phương Tây

Vở kịch Charlie and the Chocolate Factory được xem là điển hình thú vị về bước chuyển hướng của Trung Quốc (TQ) trong việc thoát khỏi nền giáo dục 'nuôi gà chọi' và giúp học sinh thể hiện, tăng cường tính sáng tạo, với tham vọng đưa TQ trở thành siêu cường toàn cầu về kinh tế và phát minh, sáng chế.

Sau cú sốc từ các cuộc thi quốc tế

Tại hội trường của Trường Beijing Bayi ở thủ đô Bắc Kinh, trong không khí lạnh buổi sáng đẫm sương mù gây nhiều trở ngại cho việc học tập, 22 học sinh 14 tuổi được làm một việc chúng chưa từng được làm trước đó: Biểu diễn vở kịch Charlie and the Chocolate Factory bằng tiếng Anh trước 1.500 khán giả để chứng minh khả năng diễn xuất của mình. Vở kịch và bộ phim chuyển thể từ nó được xem là tác phẩm kinh điển trong việc giáo dục học sinh về tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm và nuôi dưỡng những ước mơ, vốn khá xa lạ với nền giáo dục thường đề cao “sự phục tùng” và “lễ nghi” của châu Á. Vở kịch bị không ít nhà giáo dục xem là “không thích hợp để diễn tại một nền văn hóa như TQ”. Vậy thì điều gì đang xảy ra khi học sinh TQ “yêu” nhân vật trong phim với tấm vé vàng Golden Ticket vào thăm nhà máy sản xuất kẹo chocolate bí mật và những gì cậu bé phải vượt qua để trở thành chủ nhân tương lai của nhà máy?

Học sinh Trường Beijing Bayi

Một điều ai cũng dễ nhận thấy là học sinh rất thích thú với những tình huống khá kịch tính trong vở kịch và chiến thắng của nhân vật chính, khi cậu trở thành “người xứng đáng nhất”.

Theo các nhà quan sát về giáo dục của phương Tây, giáo dục TQ ngày càng nhấn mạnh đến từ “xuất sắc nhất, sáng tạo nhất” giống như phương Tây đã làm lâu nay và khuyến khích học sinh nỗ lực để trở thành “những thành viên ưu tú” của xã hội. Phương pháp giáo dục phương Tây cũng được vận dụng cho mục tiêu này. Nhưng có một thời gian, sự thành công trong các cuộc thi quốc tế toàn cầu của các học sinh châu Á tuổi từ 12-15 đã gây “choáng” cho nhiều nhà giáo dục phương Tây và họ cảnh báo là “giáo dục phương Đông đang chiếm ưu thế!”. Cơn choáng đạt đỉnh cao, khi tại vòng chung kết cuộc thi quốc tế Programme for International Student Assessment tests (Pisa) 2012, học sinh Thượng Hải chiếm vị trí đầu về khoa học, toán học và đọc hiểu.

Các nhà giáo dục và chính phủ phương Tây lập tức lo lắng là thành công của TQ trong giáo dục sẽ tạo tiền đề để TQ thống trị kinh tế và văn hóa. Nói như cựu Bộ trưởng giáo dục Anh, Michael Gove, thì “Nếu học sinh Anh không thể học tập và làm việc chăm chỉ như người TQ thì sớm muộn chúng ta cũng phải làm thuê cho các công ty đến từ TQ”. Đối với một số người phương Tây, giải pháp khá đơn giản: Những gì TQ đang làm trong giáo dục, hãy làm giống họ! Kết quả là vào tháng 7-2016, có 8.000 trường tiểu học tại Anh được trợ cấp để áp dụng kỹ thuật dạy toán mới, với mục tiêu tối hậu là cho ra những “ngôi sao” toán học trên đấu trường quốc tế! Phương pháp này đang được dùng tại TQ, trong đó học sinh được luyện toán theo kiểu “đứa giỏi kèm đứa yếu” để đưa cả lớp cùng tiến lên. Bộ phim tài liệu Are Our Kids Tough Enough? Chinese School kể câu chuyện điển hình về một trường học tại Hampshire, nơi một số học sinh yếu được giáo viên TQ dạy toán với hy vọng sẽ tốt hơn.

Mùa thu 2017, một trường học đầu tiên tại Anh áp dụng mô hình giảng dạy song ngữ Anh-Trung được mở tại thủ đô London. Đối với nhiều bậc cha mẹ ở phương Tây, giáo dục kiểu “nhồi sọ” của TQ đã cho họ “niềm tin” là con cái mình sẽ thành công hơn khi ra đời. Thậm chí thành tích về điểm số được xem là “phép lạ bí ẩn”! Cuốn sách Battle Hymn of The Tiger Motherxuất bản năm 2011 của tác giả Amy Chua có ảnh hưởng rất lớn, nhờ nhấn mạnh đến mối lo: Học sinh học thoải mái kiểu phương Tây sẽ không thể cạnh tranh với học sinh “học cả ngày” kiểu TQ! Từ mối lo đó, nhiều trường học phương Tây như Trường Beijing Bayi đã tăng thêm giờ học sinh ngồi tại lớp và giảm thời gian tự do dành cho giải trí sáng tạo cá nhân. Các lớp lớn học bắt đầu từ 7g30 sáng, nghỉ ngơi một chút buổi trưa rồi học tiếp đến 6 giờ chiều. Ngoài ra còn thời gian tự học vào buổi tối. Có trường học cả ngày thứ Bảy. Mối lo bị học sinh TQ nói riêng và châu Á nói chung qua mặt đã trở thành “nỗi sợ và ám ảnh”. Trường nào không thay đổi cách giảng dạy, tức là nặng phần học hơn chơi, phụ huynh sẽ mời gia sư đến nhà hay đưa con vào các lớp dạy thêm. Giáo sư Hugo de Burgh, một trong những người sáng lập Trường Kensington Wade thuộc số người tin vào việc “TQ hóa” các trường học Anh. Ông cũng là người đầu tiên mở trường song ngữ Anh-Trung tại châu Âu và đưa kỹ thuật “luyện gà nòi” toán học TQ vào Anh.

Sáng tạo cá nhân vẫn chiếm ưu thế

Dĩ nhiên, không phải trường nào tại phương Tây cũng chuyển sang phương pháp “nhồi sọ” học sinh mà đa số vẫn dành ưu tiên cho vui chơi và những giờ học ngoại khóa, tham quan thực địa để tăng cường óc sáng tạo dựa vào các trải nghiệm cho học sinh. Họ tin rằng chính cách giáo dục “vừa học vừa chơi” đã giúp phương Tây có được những phát minh và sáng kiến mới, thay vì “bắt chước rồi phát triển thêm” như tại các nền giáo dục thiên về “nhồi sọ”. Thế giới chuyển biến và đi lên cũng nhờ các phát minh đầu tiên này, từ điện thoại đến Internet. Hiện châu Á vẫn là thị trường tốt nhất cho mô hình học thêm hay gia sư (theo tiên đoán của công ty phân tích Global Industry Analysts, thị trường dạy thêm sẽ trị giá 200 tỉ USD vào năm 2020). Châu Á chiếm thị phần vượt trội của thị trường này và sẽ tiếp tục giữ ưu thế trong một thời gian dài nữa. Để đạt được thành tích quốc tế, các học sinh Thượng Hải phải bỏ ra 14 giờ một tuần làm bài tập về nhà, gấp ba lần học sinh thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Những lớp học cũng rất khác nhau, học sinh có khi được sắp xếp ngồi theo trình độ.

Trong không khí học tập nặng tính “tôn ti” như thế, học sinh không có nhiều cơ hội để chứng minh thế mạnh hay óc sáng tạo của mình mà được “mặc định” chỉ bằng hai từ “khá” và “yếu”. Áp lực của các bậc cha mẹ phải làm sao đưa con mình vào nhóm “khá” là rất lớn. Tính phục tùng của học sinh rất cao theo kiểu “bài văn mẫu”. Những phá cách thể hiện “cái tôi” và “bản lĩnh” của học sinh ít được công nhận và dễ bị xếp vào loại “cá biệt”.

Thi cử là “vấn nạn” của học sinh châu Á, khi mỗi năm chúng phải trải qua ít nhất vài lần thi học kỳ, chuyển lớp hay cuối khóa. Kiếm được một chỗ trong các đại học công là một thách thức khi các đại học tư trong nước không được “ưu tiên” để phát triển. Đầu tư của các gia đình để cho con vào đại học là rất lớn. Không có phụ huynh châu Á nào tin rằng con mình sẽ trở thành “Bill Gates” nếu không tốt nghiệp đại học “chiếu trên” và nổi tiếng. Tuy nhiên, các nhà giáo dục TQ hiểu rằng, phương pháp giáo dục “nhồi sọ” xem nhẹ sáng tạo sớm muộn gì cũng bị hệ thống giáo dục phương Tây xa lánh, sau khi “cú sốc thành tích thi đấu” đã qua. Không chỉ “tình yêu” của phương Tây đối với kiểu giáo dục nhồi sọ không còn mà chính người trong nước cũng chán. Bằng chứng là nhiều người giàu tại TQ đua nhau cho con ra nước ngoài để hấp thụ một nền giáo dục “cân bằng” xem trọng óc sáng tạo.

Cách nay 10 năm, Bộ Giáo dục TQ đã lên án giáo dục kiểu nhồi sọ, “đồng phục” và xem nhẹ việc thể hiện tài năng riêng biệt của học sinh. Hiện có khoảng 50.000 sinh viên TQ sang Mỹ để làm quen với hệ thống giáo dục cân bằng so với hơn 600 của năm 2005. Tại Anh và Úc, sinh viên TQ cũng đông nhất trong số sinh viên nước ngoài. Cho học sinh xem vở kịch Charlie and the Chocolate Factory cũng là cách giáo dục TQ nhấn mạnh đến óc sáng tạo và tư duy độc lập. Ngay tại TQ, nhiều bậc phụ huynh đang đòi hỏi tăng hàm lượng giáo dục kiểu phương Tây trong nước. Hệ quả là những chương trình ngoại khóa như dã ngoại và “tự chiến thắng mình” trong các môi trường khó khăn ngày càng trở nên phổ biến. Các trường tư của Anh như Wycombe Abbey và Harrow đã có chi nhánh tại châu Á. Các trường công như Bohunt cũng theo chân và mang sang TQ phương pháp giáo dục phương Tây. Nhiều bậc phụ huynh cho con vào học các trường này là để tìm “sự khác biệt”, giúp con họ có môi trường học tập tốt nhất cho cả thể xác lẫn tinh thần.

Theo The Finantial Times

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/giao-duc-trung-quoc-hoc-sang-tao-cua-phuong-tay-3664318-b.html