Giáo dục giới tính: Đừng để nước đến chân mới nhảy

Với chủ đề “Vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, ngày truyền thống dân số (DS) Việt Nam (26/12) năm nay hướng đến việc nâng cao chất lượng DS thông qua hàng loạt các chương trình về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh…

Trong đó, CSSKSS cho tuổi vị thành niên là một sự đầu tư sáng suốt cho thế hệ tương lai.

6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên mỗi năm

Một điều tra quốc gia về “Vị thành niên và thanh niên Việt Nam” mới đây cho thấy, có tới 36% số thanh thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14 – 17 đã quan hệ tình dục. Cá biệt, có những em từ 10 – 12 tuổi cũng quan hệ tình dục hoàn toàn tự nguyện. Cũng theo điều tra này, có tới 8,4% vị thành niên, thanh niên ở độ tuổi từ 15 – 24 đã ít nhất một lần nạo phá thai. GS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, nhiều bạn trẻ phá thai ở độ tuổi từ 13 – 19, thậm chí, không ít người bỏ thai 3 – 4 lần dù đã được tư vấn về các biện pháp phòng tránh, nguy cơ tai biến sau nạo, hút nhưng chỉ được vài tháng sau lại đến bệnh viện để “giải quyết”. TS Hoài Đức cho biết thêm, nhiều trường hợp học sinh phát hiện mang thai đã tự ý mua thuốc khích thích chuyển dạ theo hướng dẫn trên mạng để phá. Khi thấy máu chảy lại cứ nghĩ sảy thai nhưng thực tế lại bị băng huyết ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng.

Tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ tuổi vị thành niên và thanh niên tại quận Ba Đình. Ảnh: Diệu Nga

Thực tế, việc giáo dục CSSKSS cho vị thành niên ở nước ta còn gặp nhiều rào cản. Tại Việt Nam, tỷ lệ vị thành niên chiếm 1/5 DS nhưng không phải tất cả đều được tiếp cận với kiến thức CSSKSS. Nhiều bậc phụ huynh còn ngại chia sẻ kiến thức SKSS cho con em do lo ngại “vẽ đường cho hươu chạy”. Tại các trường học, việc dạy SKSS, giáo dục giới tính mới chỉ lồng ghép vào các môn học, “nặng” về lý thuyết. Em Phạm Phương Nh. (học sinh lớp 9, trường THCS Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) chia sẻ, kiến thức về SKSS mà các em được biết là lồng ghép vào các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân và các buổi sinh hoạt ngoại khóa. “Tuy nhiên, lớp học thì đông, các buổi sinh hoạt cũng đông nên nhiều vấn đề tế nhị chúng em cũng ngại hỏi” - em Nh. bày tỏ.

Vẽ đường cho hươu chạy đúng

Chia sẻ về vấn đề này, TS Hoài Đức cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách truyền thông về CSSK sinh sản cho giới trẻ để không còn tình trạng yêu đương sớm, phá thai dại dột. Tại Hà Nội, để cung cấp kiến thức về SKSS, tình yêu, tình dục cho vị thành niên, thanh niên, ngành DS đã lồng ghép tuyên truyền vào các hoạt động của các đoàn thể. Như quận Ba Đình, bà Nguyễn Thanh Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận chia sẻ, chỉ riêng trong năm 2016, Trung tâm đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về giới tính tại hơn 20 trường cấp 2, cấp 3 với sự tham dự của hơn 1.000 học sinh. Đặc biệt, thay vì cách truyền thông đại trà vào các buổi sinh hoạt tập thể của cả trường, Trung tâm đã thay đổi cách truyền thông, hướng đến các nhóm nhỏ để đem lại hiệu quả cao hơn. Mỗi buổi nói chuyện, các tình huống cụ thể gắn với thực tế được đem ra làm ví dụ, thu hút sự hưởng ứng của các em học sinh.

Còn tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội – một địa bàn xa trung tâm TP, đời sống người dân còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc giáo dục SKSS cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên càng được chú trọng. Bà Phạm Thị Liên – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ của huyện chia sẻ, chỉ còn cách truyền thông liên tục đến nhóm đối tượng này để “mưa dầm thấm lâu”. Thậm chí, không chỉ truyền thông tại trường học, các công tác viên DS trên địa bàn còn được khuyến khích đến tận nhà để truyền thông cho nhóm đối tượng này. Đại diện của Quỹ DS Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, đầu tư cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Cách tốt nhất để đảm bảo phát triển bền vững là mang đến một thế giới mà mỗi thai nhi đều được mong muốn, mỗi ca sinh đều an toàn và mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy hết tiềm năng của mình.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giao-duc-gioi-tinh-dung-de-nuoc-den-chan-moi-nhay-276398.html